📞

ACMECS: Hướng tới phát triển khu vực bền vững, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương

Nguyên Khôi 14:34 | 02/10/2021
Baoquocte.vn. Trong kế hoạch Tổng thể của mình, ACMECS (Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong) đặt mục tiêu trở thành khu vực kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua củng cố và xây dựng mới các hệ thống giao thông, gồm các hành lang kinh tế, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS – đặt theo tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Thái Lan)

ACMECS được thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) Bagan (Myanmar) theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thanksin Shinawatra. Ban đầu, cơ chế hợp tác này có tên là Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế (ECS) và gồm 4 nước là Campuchia, Lào, Myanmar, và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004.

Kể từ khi được thành lập, cơ chế hợp tác ACMECS đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hòa bình và ổn định ở khu vực.

8 lĩnh vực hợp tác và 4 trụ cột chính

Chương trình hành động ACMECS được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Bagan (Tuyên bố Bagan) trong đó nêu 5 lĩnh vực hợp tác: thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; hợp tác công nghiệp-nông nghiệp; giao thông; hợp tác du lịch; và phát triển nguồn nhân lực.

Sau các lần bổ sung và tách các lĩnh vực hợp tác tại các Hội nghị Cấp cao lần thứ 2, lần thứ 4 và Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần 3, các nước đã thống nhất ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường.

Tại HNCC lần thứ 8 (tháng 6/2018, Bangkok, Thái Lan), lãnh đạo các nước đã thống nhất cơ cấu lại 8 lĩnh vực hợp tác và bổ sung một số hợp tác mới, nhất trí hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh thông qua: (i) Thúc đẩy kết nối đa phương diện (về hạ tầng, kỹ thuật số, thể chế, con người); trong giai đoạn trước mắt ưu tiên xây dựng các tuyến đường còn thiếu thuộc các tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây và phía Nam; (ii) Tăng cường hài hòa hóa các quy định và thủ tục thương mại, đầu tư; (iii) Phát triển nguồn nhân lực và công nghệ; (iv) Bảo đảm an ninh, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước các dòng sông xuyên biên giới, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019- 2023, định hướng chiến lược thời gian tới cho hợp tác 5 nước xoay quanh 3 trụ cột chính: (i) Tăng cường kết nối hạ tầng cứng thông qua phát triển vận tải đa phương thức, hạ tầng kết nối điện tử và hạ tầng kết nối năng lượng; (ii) Thúc đẩy kết nối hạ tầng mềm thông qua tăng cường hợp tác về thương mại - đầu tư và hợp tác về tài chính; (iii) Phát triển kinh tế thông minh và đầu tư bền vững thông qua phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước.

Trong Kế hoạch Tổng thể ACMECS, về kết nối hạ tầng cứng: ACMECS đặt mục tiêu trở thành khu vực kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua củng cố và xây dựng mới các hệ thống giao thông, gồm các hành lang kinh tế, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không.

Kế hoạch xác định các tuyến đường còn thiếu (missing links) cần phải bổ sung để thúc đẩy vận tải đa phương thức; tăng cường kết nối điện tử thông qua xây dựng hệ thống thông tin thông suốt để hỗ trợ thương mại - đầu tư và kết nối thị trường; phát triển thị trường năng lượng khu vực thông qua xây dựng các mạng lưới đường truyền điện và các ống dẫn dầu và khí.

Về kết nối hạ tầng mềm: gồm các nội dung: (i) tăng cường hợp tác về thương mại – đầu tư thông qua hài hòa hóa và đơn giản hóa các quy trình qua cửa khẩu, các quy trình đánh giá quy chuẩn và chất lượng, và các phương thức cắt giảm hàng rào phi thuế quan; (ii) Đồng nhất chuỗi giá trị và chuỗi cung cấp, trong đó tập trung vào phát triển thương hiệu ACMECS và thúc đẩy các Khu kinh tế ACMECS; (iii) Thúc đẩy thương mại về các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió; (iv) Thúc đẩy doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và tăng cường xây dựng thể chế.

Về phát triển kinh tế thông minh và bền vững gồm: Thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược như đào tạo doanh nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế và giáo dục; Hợp tác phát triển bền vững bao gồm hợp tác về môi trường, quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác, và các hoạt động bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn..., HNCC ACMECS lần thứ 9 do Campuchia chủ trì tổ chức tháng 21/2020 đã thông qua “Tuyên bố Phnom Penh”.

Nội dung Tuyên bố nhấn mạnh tập trung vào phục hồi kinh tế và xã hội giai đoạn hậu Covid-19, chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng và thách thức trong tương lai dưới mọi hình thức thông qua hợp tác y tế công cộng và tích hợp các chuỗi cung ứng, cũng như coi quan hệ đối tác công tư là động lực kinh tế.

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng công nghệ trong thương mại qua biên giới; nhất trí sớm đưa Quỹ Phát triển ACMECS đi vào hoạt động nhằm triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên; bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, bổ sung nội dung “ACMECS An toàn, Bảo mật và Đáng tin cậy” làm trụ cột thứ 4 của Kế hoạch Tổng thể ACMECS nhằm tăng cường bản sắc cạnh tranh tiểu vùng như một nơi an toàn, bảo mật và đáng tin cậy cho thương mại, đầu tư và du lịch, cũng như là nơi tạo cơ hội cho các đối tác phát triển...

Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Hội nghị đã “gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng ACMECS đoàn kết để chống lại những thách thức chưa từng có hiện nay và bảo đảm sự phát triển bền vững của tiểu vùng".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự HNCC ACMECS lần thứ 9, tháng 12/2020.

Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng

Từ khi chính thức tham gia ACMECS, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng. Việt Nam đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực.

Việtt Nam cũng đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mekong và là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.

Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023, trong đó có hai lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm. Một là, phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; thứ hai là phát triển sáng tạo bền vững ở khu vực Mekong.

Phát biểu tại HNCC ACMECS lần thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của ACMECS trong giai đoạn tới, theo đó nhiệm vụ quan trọng là vượt qua đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế và phát huy vai trò chiến lược nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của ACMECS thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với các cơ chế hợp tác khu vực; nhấn mạnh vai trò của hợp tác trong ứng phó với những thách thức chung, thúc đẩy sự liên kết về lợi ích giữa các nước trong khu vực.

Đồng thời, qua các hoạt động tại các cơ chế hợp tác khu vực, Việt Nam khẳng định cam kết hợp tác, đề cao vai trò của các cơ chế hợp tác giúp kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam tại khu vực và trên toàn cầu.

Năm 2019, Thái Lan đã vận động các nước, tổ chức quốc tế trở thành đối tác phát triển của ACMECS. Đến nay, đã có 6 quốc gia chính thức trở thành đối tác phát triển của ACMECS gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ausralia và Ấn Độ. Các nước đã thể hiện mong muốn trở thành đối tác phát triển của ACMECS gồm New Zealand, Israel, EU, Vương Quốc Anh và Thụy Sỹ.