Các đại biểu chủ trì buổi báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019. (Ảnh: G.T) |
Tham gia buổi họp báo công bố bản cập nhật báo cáo kinh tế của ADB có Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á Nguyễn Minh Cường cùng đông đảo các đại biểu quan tâm đến kinh tế Việt Nam và thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm nhẹ từ 7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Về phía cầu, do nhu cầu từ bên ngoài giảm, tốc độ tăng trưởng lượng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ cũng giảm hơn một nửa, từ 15,7% trong sáu tháng đầu năm 2018 xuống 7,1% cùng kỳ năm nay. Tuy vậy, ông Eric Sidgwick cho rằng, mặc dù hoạt động xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế nhìn chung sẽ vẫn duy trì tăng trưởng lành mạnh nhờ nhu cầu nội địa cao và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định.
Tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều giảm nhẹ, song ở các mức độ khác nhau. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm từ 3,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 2,4% trong cùng kỳ năm nay. Đối với ngành nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 1,3% và tăng trưởng sản lượng lâm nghiệp cũng giảm từ 5,5% xuống 4,2%, trong khi thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 6,4%.
Công nghiệp và xây dựng trong sáu tháng đầu năm có mức tăng trưởng tốt, chỉ giảm nhẹ từ 9,1% trong nửa đầu năm 2018 xuống 8,9%. Trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo giảm nhẹ xuống mức 11,2%, nhờ ngành khai khoáng đã đảo chiều từ giảm 1,3% trong nửa đầu năm 2018 lên tăng 1,8% trong cùng kỳ 2019. Xây dựng duy trì mức tăng trưởng 7,9%. Tương tự, khu vực dịch vụ cũng duy trì mức tăng trưởng 6,7% nhờ nhu cầu trong nước cao bù đắp lại cho sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế, từ mức tăng 27,2% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống chỉ còn 7,5%.
Theo dự báo của ADB, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.
Chuyên gia Nguyễn Minh Cường nhận định, việc ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Thêm vào đó, việc sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, rủi ro lớn nhất từ bên ngoài sẽ là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Nếu như xung đột thương mại, chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam.