Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: B.P) |
Tham dự Hội nghị lần này có đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng của 10 nước trong khối ASEAN và 8 nước đối thoại là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ông Shri Jiwesh Nandan, Cục trưởng Cục Chính sách và Hợp tác Quốc tế (Bộ Quốc phòng Ấn Độ) đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị Nhóm Chuyên gia ADMM+ về hành động mìn nhân đạo (Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA) được tổ chức với mục đích triển khai kế hoạch hoạt động của Nhóm theo đúng lộ trình đã được đề ra từ các hội nghị trước đó; tăng cường quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hành động mìn nhân đạo giữa các nước thành viên ADMM+, từ đó tạo ra cơ sở thúc đẩy hợp tác đa phương về hành động mìn nhân đạo mang tính thực chất, hiệu quả giữa các nước thành viên ADMM+ trong thời gian tới.
Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: B.P) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chào mừng các đoàn đại biểu đã đến Việt Nam và tham dự Hội nghị Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA lần thứ 3.
Thượng tướng khẳng định, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã chứng tỏ được vai trò là một diễn đàn hợp tác quốc phòng an ninh đa phương quan trọng tại khu vực. Đây không chỉ đơn thuần là diễn đàn đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng Quốc phòng mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể thông qua 6 Nhóm Chuyên gia trên các lĩnh vực mà các nước đều quan tâm.
Ông nhấn mạnh, Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA tuy mới được thành lập nhưng đã triển khai được nhiều hoạt động một cách nhanh chóng và thực chất và các nước trong ADMM+ đã cùng nhau tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; hoạt động khắc phục của các quốc gia đồng thời thảo luận về cách thức hợp tác nâng cao năng lực cho những quốc gia bị ảnh hưởng; bước đầu đã hướng tới các lĩnh vực hợp tác cụ thể về huấn luyện, đào tạo, rà phá bom mìn.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng rằng, trong khuôn khổ hợp tác ADMM+, Hội nghị Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA lần thứ 3 là cơ hội để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ; đề xuất nhiều sáng kiến để hợp tác của Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: B.P) |
Trong phiên thảo luận vào buổi sáng, các đại biểu cùng nhau thảo luận về tình hình ô nhiễm bom mìn trong môi trường nước (biển) và trao đổi kinh nghiệm về cách thức, biện pháp khắc phục, đề xuất các sáng kiến hợp tác cũng như các hoạt động tiếp theo. Đoàn Việt Nam đã giới thiệu cho các nước về hiện trạng ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ cũng như những nố lực khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn của Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh đó, tham luận của Việt Nam cũng đi sâu vào chia sẻ kinh nghiệm rà phá bom, mìn, vật liệu nổ dưới nước.
Trong phiên thảo luận vào buổi chiều cùng ngày, Hội nghị tập trung Lập kế hoạch giữa kỳ chuẩn bị cho Diễn tập Thực binh kết hợp giữa Hành động mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình năm 2016 (Diễn tập FTX-2016) với mục đích thống nhất các vấn đề cơ bản liên quan; tạo cơ sở cho tổ chức các hoạt động chuẩn bị tiếp theo cho Diễn tập FTX-2016 sẽ được tổ chức tại Ấn Độ; thống nhất các nội dungg cơ bản liên quan đến cuộc diễn tập lần này.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã thông qua quyết định thành lập Nhóm Chuyên gia Nhóm Chuyên gia ADMM+ EWG HMA tại Hội nghị ADMM lần thứ 7 (tháng 5/2013), cũng như tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 2 tại Brunei (tháng 8/2013) và nhất trí giao cho Việt Nam và Ấn Độ là đồng chủ trì đầu tiên của Nhóm Chuyên gia ADMM+EWG HMA giai đoạn 2014-2017, với nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh và xung đột.
Từ đó tới nay, Việt Nam và Ấn Độ đã xây dựng Kế hoạch Hoạt động của Nhóm giai đoạn 2014 - 2017 và đã tổ chức các hoạt động thúc đẩy thực hiện Kế hoạch này như: Tổ chức Hội nghị lần thứ nhất của Nhóm tại Việt Nam (6/2014); Hội nghị lần thứ 2 tại Ấn Độ; Hội thảo hoạt động rà phá mìn nhân đạo Nam Kinh do Đại học Khoa học và Công nghệ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tổ chức với tư cách là nước chủ nhà còn Việt Nam và Ấn Độ là nước đồng chủ trì (4/2015). Chính tại Hội thảo hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo Nam Kinh, Đoàn Ấn Độ đã đề xuất tổ chức Diễn tập FTX-2016 tại Ấn Độ.
N.K