Ông Hironobu Kitagawa - tân Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội. |
Ông Hironobu Kitagawa - tân Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đã chia sẻ như vậy với TG&VN, trong bối cảnh ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng sau 50 năm khẳng định được vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác và đầu tư trong khuôn khổ ASEAN sau khi AEC ra đời?
Hoạt động kinh tế hiện nay không chỉ dừng lại ở một khu vực mà còn có xu hướng diễn ra ở những nơi có ưu thế cạnh tranh nhất. Do vậy, tôi cho rằng việc tìm ra những ưu thế của các nước trong khối ASEAN và xây dựng mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi (quan hệ win-win) là cần thiết.
Những năm gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực ASEAN tăng trưởng ổn định, môi trường an ninh bảo đảm, các doanh nghiệp trong khu vực, nổi bật là các doanh nghiệp Thái Lan, đã chọn Việt Nam là nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ. Điển hình như hãng Amata Corporation của Thái Lan đã đầu tư ở phía Nam, tại tỉnh Đồng Nai và tiếp tục triển khai đầu tư ở miền Bắc, tại tỉnh Quảng Ninh. Tương tự, hãng Hemaraj Land and Development của Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp tại tỉnh Nghệ An. Tiếp nữa, hai tập đoàn TCC và Central Group đã mua lại METRO và BigC. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác của Thái Lan cũng đang đầu tư vào Việt Nam.
Tôi nhận thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có khuynh hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là một số nước lân cận như Campuchia, Lào và Myanmar. Tháng 7/2016, BIDV là ngân hàng đầu tiên thành lập chi nhánh tại Myanmar. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đang triển khai hoạt động tại Singapore và Thái Lan. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự năng động và kỳ vọng của doanh nghiệp Việt Nam vào sự phát triển của khu vực trong tương lai.
Thêm vào đó, nhờ việc chuyển giao công nghệ và sự di chuyển ngày càng nhiều của doanh nhân, hiệu quả sản xuất và thị trường sẽ được nâng cao và mở rộng. Việc nâng cao nguồn lực kinh tế của các nước sẽ mang đến hiệu ứng tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Mục tiêu của AEC là tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Điều đó đã thay đổi môi trường kinh doanh/đầu tư tại Việt Nam như thế nào, thưa ông? Những thuận lợi mà các nhà đầu tư/kinh doanh nước ngoài có được từ quá trình Việt Nam hội nhập AEC là gì?
Đầu tư của Nhật Bản vào thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam liên tục tăng. Những quốc gia đi đầu trong khối ASEAN cũng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, thương mại vào Việt Nam. Xu hướng này hy vọng sẽ kích hoạt nền kinh tế nhưng mặt khác, các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Theo tôi, yêu cầu đặt ra hiện nay là doanh nghiệp Việt phải cải cách cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường mới.
Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản tại ASEAN. (Nguồn: DĐDN) |
Trong khuôn khổ AEC, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tiến hành chuyển giao sản xuất tại Thái Lan và Malaysia cũng sẽ dần triển khai các hoạt động như vậy tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là địa chỉ sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Khi tham gia vào AEC, Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ chế mở rộng hợp tác thương mại hàng hóa trong khu vực. Thông qua đó, Nhật Bản cũng biết được mong muốn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ tập trung đầu tư vào sản xuất, chế tạo, chúng tôi còn quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ.
Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ gặp phải những trở ngại. Nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng, việc tăng mức lương tối thiểu của Việt Nam có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường này và khiến họ chuyển hướng sang những nơi có giá nhân công thấp hơn. Hiện chưa có sự chuyển dịch rõ ràng, nhưng cũng là động thái mà Việt Nam phải lưu tâm.
Ông đánh giá như thế nào về những bước phát triển kinh tế của ASEAN trong những năm qua?
ASEAN rất tích cực trong các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+6… Điều này làm gia tăng sức hấp dẫn của ASEAN, trong đó có Việt Nam với tư cách là cái nôi sản xuất và thị trường tiêu thụ. ASEAN có vị trí trung tâm tăng trưởng ở khu vực.
Với việc thực hiện một cách chắc chắn, đáng tin cậy Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC và việc tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ASEAN sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp trên thế giới.
Ông kỳ vọng gì về tương lai của AEC và thị trường Việt Nam?
Không chỉ các thành viên trong ASEAN quan tâm tới thị trường của nhau, mà ASEAN đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước phát triển trên thế giới. Tôi hy vọng AEC cũng nhận được sự quan tâm lớn như vậy và trở thành một cộng đồng có tiếng nói lớn hơn.
Trong tổng thể cơ cấu của AEC, tự do hóa thương mại và dịch vụ cũng như hợp tác thương mại vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Do vậy, chúng tôi mong muốn chính phủ mỗi nước nhanh chóng giải quyết các vấn đề này.
Việt Nam không nên chỉ tham khảo kinh nghiệm từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản mà nên cả từ các nước ASEAN khác. Việt Nam cần giới thiệu sự hấp dẫn của mình tới ngay các nước ASEAN, đồng thời có các biện pháp thu hút thêm khách du lịch và thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển. Song song với đó, Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các mục tiêu kinh tế lớn hơn.
Theo báo cáo của JETRO về kết quả điều tra đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2015, có đến hơn một nửa (56,1%) doanh nghiệp kỳ vọng trong khuôn khổ AEC, các vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, kê khai thuế... sẽ được cải thiện. Tôi cho rằng việc cải thiện hạ tầng mềm sẽ nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!