📞

AFP: Từ chiến tranh đến hòa bình, dép cao su Việt Nam vẫn được ưa chuộng

Thanh Nga 15:31 | 27/07/2022
Được làm từ lốp xe tải quân sự hoặc lốp máy bay tái chế, dép cao su thủ công đã đi suốt dặm dài đất nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ...

Tại thủ đô Hà Nội nhộn nhịp, có đủ loại giày được bày bán: từ giày cao gót Gucci hơn 23 triệu đồng đến đôi dép nhựa gần 50.000 đồng. Và đối với ai đang tìm kiếm những hình ảnh của quá khứ, dép cao su đế cứng đều có sẵn ở các chợ và các cửa hàng nhỏ.

Đôi dép cao su truyền thống vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng. (Nguồn: AFP)

"Đôi dép Bác Hồ"

Anh Đào Văn Quang đã trả gần 200.000 đồng cho một đôi dép cao su tiêu chuẩn tại một cửa hàng bên ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi trưng bày những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của đất nước, người gắn bó với đôi dép cao su trên mỗi chặng đường.

Người đàn ông 47 tuổi ở tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Tôi đi dép cao su khi đi học, vào những năm 1980. Chúng mang trong mình giá trị lịch sử, dễ dàng sử dụng và trông cũng đẹp”.

Tại Bảo tàng, đôi dép cao su mà Bác Hồ sử dụng trong hơn 20 năm được lưu giữ như quốc bảo. Có lần Bác nói vui với các cán bộ đi cùng về đôi dép: “Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa. Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được”.

Đôi dép Bác Hồ thậm chí còn được nhắc đến trong các bài hát ca ngợi lối sống giản dị của Người. Chẳng hạn như đoạn: “Dép này Bác trải đường dài... đã cùng Bác vượt chông gai xây non nước nhà”...

Vào cuối những năm 1940, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người Việt Nam bắt đầu làm dép cao su từ lốp xe tải của quân đội phục kích. Họ nhận thấy loại dép này rẻ, không bị ảnh hưởng trong thời tiết ẩm ướt, núi rừng lầy lội, khi những người lính hành quân qua rừng rậm.

Sau đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đôi dép cao su giản đơn mà chắc chắn đã trở thành biểu tượng cho sự kiên gan bền chí của những người lính Cụ Hồ.

Ngay cả trong thời bình, thiết kế này vẫn được ưa chuộng vì lý do bền vững. Ông Nguyễn Đức Trường, 58 tuổi, người đã dành cả đời để chế tác dép cao su cho rằng: “Tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều tiềm năng cho đôi dép cao su”.

Ông Nguyễn Đức Trường tự tay làm dép cao su tại một cửa hàng ở Hà Nội. (Nguồn: AFP)

"Hành quân" trong thời bình

Việt Nam là một trong 4 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất giày. Nhiều nhà máy sản xuất giày cho các thương hiệu lớn như Nike và Adidas. Theo số liệu của chính phủ, ngành xuất khẩu giày dép đã tạo ra gần 12 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Dép cao su không tạo ra doanh thu ấn tượng như vậy song vẫn có giá trị văn hóa cao và độ phổ biến của đôi dép từ thuở kháng chiến này đang tăng lên.

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người được biết đến với biệt danh "Vua Dép Lốp", từ khởi đầu là một công ty nhỏ giờ đã trở thành nhà sản xuất dép cao su hàng đầu của Việt Nam. Một đôi dép cao su thường được bán với giá hơn 200.000 đồng.

Công nhân cắt lốp xe tải bằng cao su bên ngoài xưởng ở Hà Nội. (Nguồn: AFP)

Tại phân xưởng ở Hà Nội, những người thợ đóng giày sử dụng dao sắc và đục để chế tạo dép từ những chiếc lốp xe có chiều cao gần bằng một người trưởng thành. Trong khi màu đen truyền thống là những mẫu bán chạy nhất, những đôi dép với kiểu dáng hiện đại đầy màu sắc thu hút được đối tượng khách hàng trẻ tuổi hơn.

Từ năm 2011, ông Nguyễn Tiến Cường, người tiếp quản công việc kinh doanh từ nghệ nhân Phạm Quang Xuân, cũng là bố vợ của mình, đã bán được hơn nửa triệu đôi dép.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng làm cho thiết kế dép mềm mại và thời trang hơn. Sau khi thay đổi phong cách và hình dáng, chúng tôi thu hút nhiều khách hàng hơn”.