📞

Ai đã cướp việc làm của người Mỹ?

13:09 | 17/03/2017
Nếu nói rằng, ngành sản xuất của Trung Quốc đã cướp mất 2 triệu việc làm của người Mỹ, thì Amazon cũng nguy hiểm không kém.

Các nhà lãnh đạo của tập đoàn thương mại điện tử số một thế giới Amazon từng nói nhiều về kế hoạch tạo ra 100.000 việc làm ở Mỹ trong năm tới. Tuy nhiên, điều mà họ đã không bao giờ nhắc đến chính là mỗi việc làm được tạo ra ở Amazon đã triệt tiêu 1-3 công việc khác. Như vậy, trong tương lai, việc những nhà máy ở Trung Quốc đã gây ra với thị trường lao động Mỹ sẽ chẳng thấm vào đâu.

Danh sách khách hàng thân thiết của Amazon đang ngày càng dài hơn. Cùng với các tuyến đường vận chuyển quốc tế thuận lợi, hàng hóa của Amazon đã có thể tìm đến địa chỉ khách hàng ở khắp các châu lục, làm thay đổi thói quen mua hàng của các “thượng đế”. Người ta có thể ngồi nhà nhấm nháp một ly cà phê và tìm mua mọi thứ từ chiếc đinh đến hàng công nghệ đắt tiền, hơn là phải tốn thời gian tìm đến các cửa hàng hay trung tâm thương mại.

Mỗi việc làm được tạo ra ở Amazon đã triệt tiêu 1-3 công việc khác. (Nguồn: Keranews)

Theo thống kê, khoảng một nửa số giao dịch mua sắm trực tuyến ở Mỹ được thực hiện qua Amazon. Đối với khách hàng, Amazon đã mang đến sự tiện nghi không tốn kém. Chỉ bằng một cú click chuột trên máy tính hoặc lướt tay trên di động, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà khách hàng chỉ trong vài ngày, thậm chí vài giờ.

Nhưng với người lao động trong ngành bán lẻ, Amazon đang hoặc sẽ là “sát thủ” đối với việc làm của họ. Bằng chứng là trong 2 năm qua, 125.000 lao động làm việc trong ngành bán lẻ ở Mỹ đã bị mất việc, bao gồm 10.000 người thuộc nhà bán lẻ thời trang hàng hiệu có tiếng tại Mỹ Macy's. M, 4.000 người ở The Limited, hay hàng nghìn người khác ở Sears, Kmart… Kể từ năm 2012, lực lượng lao động trong ngành bán lẻ Mỹ đã giảm khoảng 14%. Số lượng nhân viên tại các cửa hàng quần áo và điện tử lao dốc thẳng đứng do hàng hóa chuyển dần qua bán trực tuyến.

Đối với các nhà bán lẻ, Amazon đã trở thành một “mối họa lớn”. Trong vài năm gần đây, Amazon và một số hãng bán hàng trực tuyến khác đã “lộng hành” trong ngành bán lẻ Mỹ. Nhà tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ giá rẻ Kmart vừa phải ra tuyên bố đóng cửa 150 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Còn Amazon vẫn đang tiếp tục mở rộng sang một số mảng khác, như tạp hóa và thậm chí cả nhà hàng.

Vào cuối năm 2016, ngành bán lẻ Mỹ có 16,5 triệu lao động và ngành hàng ăn có 11,4 triệu người. Hai mảng này cộng lại tương đương với khoảng 1/5 lực lượng lao động Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang dự báo rằng, cùng với tốc độ phát triển thần tốc của Amazon, một số lượng lớn trong số 27,9 triệu lao động này sẽ phải đối mặt với sức cạnh tranh ngày càng mạnh từ Amazon, khả năng bị nghỉ việc có thể đến bất cứ lúc nào.

Con số đó được dự tính rơi vào khoảng 12 triệu người, đặc biệt là 6,2 triệu lao động ở các cửa hàng nội thất, thiết bị gia đình, điện tử, quần áo, đồ thể thao, hiệu sách và các cửa hàng tạp hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường lấy Mexico hay Trung Quốc ra làm “lá chắn” chỉ trích cho tình trạng mất việc làm của một bộ phận dân Mỹ hiện nay. Nhưng người ta lại tính được rằng, nếu Amazon chiếm 40% thị phần các ngành trên trong 5 năm, thì khoảng 1,5 triệu việc làm tại các cửa hàng sẽ biến mất. Cộng thêm số việc làm bị mất trong nhiều ngành hàng khác, con số cuối cùng chắc chắn sẽ lớn 2 triệu việc làm mà lao động Mỹ đã bị mất về tay các nhà sản xuất Trung Quốc.

(theo Market Watch)