Lãnh đạo Taliban Abdul Ghani Baradar có thể trở thành người đứng đầu chính quyền mới thành lập ở Afghanistan. (Nguồn: AP) |
Theo Reuters ngày 3/9, ba nguồn tin trong nhóm Hồi giáo cho biết, người đồng sáng lập phong trào Taliban, ông Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ nắm quyền lãnh đạo chính phủ Afghanistan mới được thành lập.
Các nguồn tin cho hay, ông Baradar, người hiện đang phụ trách văn phòng chính trị của Taliban sẽ cùng với Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của người đồng sáng lập Taliban Mullah Omar (1960-2013) và Sher Mohammad Abbas Stanekzai đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ mới.
Vậy ông Mullah Abdul Ghani Baradar là ai?
Sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan, Abdul Ghani Baradar lớn lên ở Kandahar, cái nôi của phong trào Taliban. Ông là người đồng sáng lập Taliban và hiện là nhân vật cao cấp số 2 của lực lượng này, sau lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada.
Nhiều năm qua, ông Baradar đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và là gương mặt đáng chú ý nhất của lực lượng này hiện nay.
Trong các cuộc đàm phán Doha tại Qatar vừa qua, ông Baradar là một trong những thành viên quan trọng của phái đoàn trực tiếp làm việc nhằm đạt được các thoả thuận chính trị, xây dựng chính phủ mới ở Afghanistan.
Vào những năm 1980, Baradar từng tham gia cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ và rút quân vào năm 1992, một cuộc nội chiến đã nổ ra giữa các lực lượng trong nước.
Trước tình hình đó, Baradar thiết lập một căn cứ ở Kandahar cùng với người chỉ huy cũ Mohammad Omar, đồng thời là anh rể của mình và gây dựng thành công phong trào Taliban.
Phong trào này do các học giả Hồi giáo trẻ tuổi dẫn dắt với mục tiêu cống hiến cho đất nước, thành lập một tiểu vương quốc và thanh lọc tôn giáo hướng tới một chế độ thần quyền.
Hành động này của Taliban rất được lòng dân chúng Afghanistan bấy giờ bởi lẽ sự điều hành của các lãnh chúa đã gây nên phẫn nộ đỉnh điểm và Taliban như một "luồng gió mới" thổi vào đất nước của họ một niềm tin vào sự phát triển.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ chiến thuật từ cơ quan Tình báo liên dịch vụ (ISI) của Pakistan, Taliban chính thức lên nắm quyền vào năm 1996 sau một loạt cuộc chinh phạt ngoạn mục nhằm vào các thủ phủ tỉnh.
Trước chiến thắng ấy, thủ lĩnh số 2 Baradar được ghi nhận vì chiến lược hiệu quả và được ca ngợi như một người kiến tạo chủ chốt trong những thành tựu của Taliban.
Trong suốt 5 năm tồn tại của chế độ Taliban, ông Baradar đảm nhận vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và những nhiệm vụ hành chính cho đến khi lực lượng này bị Mỹ và các đồng minh Afghanistan lật đổ.
Năm 2001, Taliban sụp đổ. Ông Baradar được cho là thuộc một nhóm nhỏ quân nổi dậy tiếp cận thủ lĩnh lâm thời Hamid Karzai cùng với bản phác thảo thỏa thuận về các điều kiện để các chiến binh công nhận chính quyền mới.
Ông từng bị lực lượng an ninh ở thành phố Karachi của Pakistan bắt giữ vào năm 2010 và được thả tự do nhờ áp lực của Mỹ năm 2018.
Sau đó, có tin ông Baradar chuyển đến Qatar. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và giám sát việc ký kết thỏa thuận rút quân với Mỹ.
| Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng về Afghanistan ở HĐBA, Mỹ nói gì? Trả lời báo giới ngày 30/8, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield cho biết, Mỹ thất vọng vì ... |
| Mỹ có ‘nhờ vả’ Taliban chống khủng bố ở Afghanistan? Mỹ có thể cân nhắc công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan nếu lực lượng này hợp tác chống khủng bố và cam kết đảm ... |