Người phương Tây ngờ vực, người Trung Quốc tin tưởng tính hiệu quả của vaccine Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên, vaccine hiện là hy vọng lớn nhất của người dân thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cơ quan y tế toàn cầu đều công nhận thế giới không thể trở lại bình thường cho đến khi có chiến dịch tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có hơn 200 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có 20 loại đang được thử nghiệm trên người. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết rằng, người dân Mỹ sẽ được tiêm vaccine chống Covid-19 do các công ty Mỹ sản xuất vào cuối năm nay. Hiện tại, tâm điểm của sự chú ý được hướng vào hai loại vaccine do công ty Moderna và Pfizer nghiên cứu và sản xuất.
Trong khi đó, ngày 11/8, Nga đã cấp phép đăng ký cho vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và đặt tên là Sputnik-V lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957. Vaccine này được Trung tâm Gamelei Moscow nghiên cứu và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào ngày 18/6.
Mức độ an toàn
Thông thường, phải mất khoảng một thập kỷ hoặc lâu hơn để phát triển và thử nghiệm đảm bảo mức độ an toàn, tính hiệu quả của một loại vaccine. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng, khả năng các nhà khoa học điều chế được loại vaccine hiệu lực 98% là rất nhỏ. Ông Fauci ngày 7/8 cho biết vaccine Covid-19 nên có tác dụng ít nhất 75%. Song trong tình thế cấp bách, liều tiêm đạt độ bảo vệ khoảng 50-60% vẫn có thể được đặc cách chấp nhận.
Bà Heidi Larson, trưởng Dự án Tin tưởng Vaccine (VCP), một chương trình giám sát toàn cầu về sự tin tưởng của người dân vào vaccine, đánh giá: “Dư luận đều có chung cảm nghĩ rằng phát triển vaccine quá nhanh thì khó an toàn”. Nhiều chính khách trên thế giới lại cho rằng, tốc độ không ảnh hưởng tới an toàn và kết quả nghiên cứu vaccine bắt nguồn từ các thử nghiệm song song thay vì theo trình tự.
Nhưng điều này vẫn chưa đủ để thuyết phục nhiều ý kiến vốn ngờ vực về hiệu quả của vaccine tại các quốc gia phương Tây, vốn tồn tại trước cả khi dịch Covid-19 diễn ra. Kết quả cuộc khảo sát do VCP tiến hành trong ba tháng gần đây tại 19 quốc gia cho thấy chỉ 70% công dân Anh và Mỹ đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19. Ngoài ra, người dân Trung Quốc cực kỳ tin tưởng vào vaccine, trong khi người Nga là thiếu lòng tin nhất.
Theo Reuters, các nhà sản xuất dược phẩm và chính phủ nhiều nước từng hy vọng rằng mối nguy hại kinh hoàng đến từ đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhiều người tin tưởng vào vaccine hơn. Tuy nhiên, phong trào “anti-vaccine” (chống tiêm chủng) vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước phát triển.
Phân phối không đồng đều
Khi cuộc đua tìm kiếm vaccine ngăn ngừa Covid-19 vẫn chưa có điểm dừng, các chuyên gia cho rằng ngày càng nhiều mối lo xuất hiện. Một trong số đó là sự công bằng trong việc phân phối vaccine đến toàn bộ cư dân trên thế giới. Các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế quan ngại khi vaccine Covid-19 được hoàn thiện, những quốc gia giàu có sẽ nhận được sớm hơn những nước nghèo.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học, các quốc gia lớn đã giành quyền ưu tiên về cho công dân nước họ nhờ chi phí đầu tư sản xuất, phát triển. Trong khi nước nghèo hơn lại khó làm được. Tình trạng này có thể dẫn đến hệ quả là dịch bệnh sẽ khó kiểm soát trên toàn cầu. Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh, đảm bảo một lượng lớn vaccine Covid-19 tiềm năng sẽ được sản xuất và cung cấp cho nước họ trước tiên. Hiện tượng này được gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
Ngày càng có nhiều chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo. Hầu hết đều nhận định với một loại virus có khả năng lây lan nhanh chóng từ quốc gia này sang quốc gia khác như SARS-CoV-2, việc tiêm vaccine cho từng nước cuối cùng vẫn chỉ kéo dài đại dịch, dẫn đến nhiều người mất việc và tiếp tục tàn phá nền kinh tế thế giới.
Các nhà kinh tế Thomas J. Bollyky và Chad P. Bown cho biết cách nhanh nhất để ngăn chặn đại dịch là phá vỡ chuỗi lây truyền bằng cách phân bổ vaccine cho những người có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất, bất kể họ sống ở đâu. Do đó, hợp tác toàn cầu về phân phối vaccine sẽ là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ngay cả khi hợp tác toàn cầu là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh, đó vẫn là một đề xuất chính trị khó khăn. Cuộc tranh luận này vẫn đang diễn ra thì các quốc gia giàu có đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo rằng công dân của họ được tiêm vaccine trước.
Suy cho cùng, với một đại dịch có tác động kinh hoàng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử hiện đại, cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 cho chúng ta thấy sự phát triển vượt bậc của khoa học, nhất là khoa học y tế và cũng đem lại cho thế giới những hy vọng nhất định về một viễn cảnh tương lai màu hồng, trong một năm đầy đen tối này.