Mấy ngày nay, từ tivi, báo đài cho tới truyền thông xã hội, đâu đâu cũng thấy những phóng sự, bài viết đề cập tới vấn đề thực phẩm bẩn. Câu nói có phần chua xót: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dạy tới nghĩa địa lại ngắn ngủi như vậy!” của một vị đại biểu quốc hội vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Điều đặc biệt, búa rìu dư luận lại hướng tới chỉ trích, phê phán những người nông dân và xem họ là “thủ phạm” trực tiếp gây nên vấn nạn thực phẩm bẩn. Liệu rằng những người hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra thực phẩm nuôi sống xã hội có thực sự phải chịu trách nhiệm cho tất cả? Chưa hẳn!
Tôi nhớ lại những câu chuyện trên chính miền quê mình. Cách đây hơn một thập kỷ, người dân quê tôi chắc không ai biết tới chất kích thích tăng trưởng, cám tăng trọng, hóa chất tẩy thực phẩm, chất phụ gia… Cuộc sống cứ bình yên trôi qua với những vụ mùa lúa vàng bát ngát, là những đứa trẻ chăn trâu khát nước ghé xuống mương uống tạm ngụm nước đồng, là hình ảnh lũ học sinh đi học qua ruộng dưa, ghé xuống xin vài quả rồi lau lau trái dưa vào vạt áo, ăn ngon lành.
Nhưng vào một ngày nào đó, ở đầu làng mọc lên cửa hàng có ông chủ là người trên huyện. Cửa hàng bán các loại thuốc trừ sâu vụ mùa, phân, lân kích thích, cám chăn nuôi tăng trọng... với những lời quảng cáo mà nói đúng hơn là “tuyên truyền” rằng, nếu bà con dùng loại hóa chất này năng suất sẽ tăng gấp đôi, rau già sau khi bón phân sẽ xanh non trở lại, gà sau khi ăn cám tăng trọng chỉ khoảng ba tháng là xuất chuồng với giá cao... Từ khi ấy, khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng kháo nhau, rồi nhen nhóm hy vọng đổi đời nhờ những thứ hóa chất mà họ không biết sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như thế nào tới đời sống của chính họ, con cái và thế hệ tương lai...
Chỉ khoảng một năm sau, mẹ tôi đã thuộc lòng tên từng loại thuốc trừ sâu cần thiết dùng cho giai đoạn nào của lúa, của rau. Thậm chí, bác hàng xóm ngày mai thu hoạch, ngày hôm nay còn mang bình ra tưới thêm cho vườn cải bắp ít “thần dược” để mang ra thành phố bán được giá cao. Cũng chẳng biết từ bao giờ mẹ tôi và các bác còn học được “chiêu” chỗ nào để nhà ăn thì phun thuốc trừ sâu ít hoặc không phun, chỗ nào mang bán thì phun cho thật “đã”. Chẳng biết từ khi nào cua đồng dụi mắt không thấy ngoi lên mỗi mùa tháng Sáu. Những đứa trẻ đi đường không còn ghé xuống cánh đồng dưa mà bịt kín khẩu trang đi thẳng khi dưa đến kỳ phun thuốc… Rồi trên báo đài, thông tin về số người mắc bệnh ung thư tăng nhanh, các ca ngộ độc thực phẩm không thể kiểm soát, các chỉ số hóa chất trong thực phẩm được kiểm định luôn vượt mức cho phép... Sau tất cả, xã hội chĩa ánh mắt trách móc vào người nông dân.
Nhưng tôi tin chắc, khi hỏi bất cứ người nông dân nào ở quê tôi, họ cũng không biết thứ hóa chất họ đang dùng hàng ngày độc hại tới mức nào. Họ dùng vì rõ ràng nó giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn, có cơ sở bán cho họ và khuyến khích họ tiêu thụ… Đúng, người nông dân có lỗi một phần về hậu quả này, bởi sự thiếu hiểu biết của họ. Nhưng, sâu xa hơn, “thủ phạm” chính là những người đã ép người nông dân phải ứng xử vô tội vạ với sản phẩm nông nghiệp mà họ làm ra, những lượng hóa chất nhập lậu không nguồn gốc sau đó được tung ra thị trường với giá rẻ… Đó cũng là câu hỏi mà tôi muốn đặt ngược trở lại với cơ quan chức năng – nơi trực tiếp để cho các loại hóa chất không rõ nguồn gốc này du nhập vào Việt Nam và ngang nhiên tiêu thụ trên thị trường.