Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket, AMCA 10 có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa Nghệ thuật các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket chủ trì AMCA 10. (Nguồn: Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Với chủ đề “Phát huy vai trò văn hóa và nghệ thuật ASEAN sau đại dịch Covid-19 vì sự phát triển bền vững”, AMCA lần thứ 10 và các hội nghị liên quan đã tập trung trao đổi các nội dung nhằm nâng cao vai trò của văn hóa và nghệ thuật ASEAN sau khi bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như Kế hoạch chiến lược về văn hoá và nghệ thuật ASEAN giai đoạn 2016-2025, Kế hoạch tổng thể cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket khẳng định công tác văn hóa và nghệ thuật ASEAN có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước và nằm trong trụ cột văn hóa-xã hội ASEAN.
Theo bà Suansavanh Viyaket, khu vực ASEAN có sự đa dạng và độc đáo về văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng người dân ASEAN luôn chung sống hòa bình, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và thường xuyên giao lưu thông qua cơ chế hợp tác ASEAN hiệu quả.
Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phong tục đã tạo nên bản sắc ASEAN, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia thành viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, văn hóa và nghệ thuật có vai trò nổi bật trong quá trình xây dựng chính sách phát triển bền vững của các quốc gia.
Để tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò của văn hóa nghệ thuật trong tương lai bền vững của ASEAN, Thứ trưởng Tạ Quang Đông kiến nghị các nước cùng nỗ lực, hợp tác tiếp tục gìn giữ, lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong ASEAN, hình thành sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia từ văn hóa, tạo lợi thế phát triển kinh tế-xã hội cho toàn khu vực, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh, hợp tác hình thành, kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn trong ASEAN nhằm lan toả về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hoá, nghệ thuật.
Thứ trưởng cũng đề nghị các nước dành ưu tiên phát triển văn hoá số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số nhằm tạo cơ hội và đòn bẩy để ASEAN bứt phá, phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị qua trực tuyến. (Nguồn: Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua các văn kiện quan trọng, gồm: Thông cáo báo chí của AMCA 10; Tuyên bố Siem Reap về thúc đẩy một cộng đồng ASEAN sáng tạo và thích ứng; Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Bảo vệ tài sản văn hóa.
Hội nghị AMCA 10 cũng đồng thời diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN-Nhật Bản lần thứ 5 và Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 5.
Tại đây, các đại diện các nước đều bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc thảo luận sẽ đem lại những lợi ích to lớn, cũng như thúc đẩy hợp tác hơn nữa để triển khai thực hiện thành công kế hoạch Cộng đồng văn hoá-xã hội ASEAN 2025.
Dịp này, AMCA 10 đã công nhận Thủ đô Vientiane là thành phố thứ bảy trong ASEAN được chọn là Thành phố Văn hóa ASEAN, đồng thời kỳ vọng với vai trò Chủ tịch AMCA 10, Lào sẽ có kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa hòa bình và tăng cường sự hiểu biết liên văn hóa.
Để có kế hoạch tiếp theo, Hội nghị đã thống nhất Malaysia là quốc gia chủ trì tổ chức AMCA 11 và các hội nghị liên quan vào năm 2024.