📞

Ấn Độ đang lỡ ‘chuyến xe buýt’ với Việt Nam

18:33 | 05/09/2020
TGVN. Mạng The Hindu Business Line hôm 2/9 đăng bài viết đánh giá, Ấn Độ vốn đã không thể bắt kịp Trung Quốc, nay cũng đang bị lỡ “chuyến xe buýt” với Việt Nam.

Theo bài viết, Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, sau Trung Quốc vào cuối những năm 1970 và trước Ấn Độ vào năm 1991. Ít ai hoài nghi Việt Nam đã đạt được những thành công lớn về kinh tế. Ngày nay, Mỹ nhập khẩu nhiều hàng may mặc từ Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam hơn là từ Ấn Độ.

Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng chuyển dịch toàn cầu có một không hai, đe dọa làm lung lay vị thế công xưởng thế giới được lựa chọn của nước này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn ưu tiên của các công ty điện tử và điện thoại di động đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm của Việt Nam chứng kiến mức tăng 3%, trong khi Ấn Độ tăng trưởng âm 24% trong cùng kỳ. (Nguồn: Getty Images)

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình 18%/năm trong 10 năm qua cho đến năm 2019, so với mức 5% của Ấn Độ. Trong cùng kỳ, Việt Nam xuất siêu 47 tỷ USD, lại là một bước tiến đáng kể so với mức nhập siêu 13 tỷ USD vào năm 2010. Trong khi Việt Nam bắt đầu xuất siêu, nhập siêu của Ấn Độ đã tăng từ 130 tỷ USD năm 2010 lên 156 tỷ USD vào năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019 bao gồm máy móc và thiết bị điện chiếm 41%, may mặc 11%, giày dép 8%, máy móc và thiết bị cơ khí 5%. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2010-2019 là máy móc và thiết bị điện, với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10% năm 2010 lên 42% năm 2019, trong đó, xuất khẩu cao nhất được ghi nhận đối với mặt hàng điện thoại di động chiếm 13%, tiếp theo là mạch tích hợp điện tử 7% và linh kiện điện thoại di động 6%. Mỹ, UAE và Áo chiếm 40% lượng điện thoại di động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

So với các mặt hàng xuất khẩu theo định hướng công nghệ và sản xuất của Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ chủ yếu bao gồm các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp, như nhiên liệu khoáng sản chiếm 14%, ngọc trai 11%, máy móc 6%, hóa chất hữu cơ 5% và ô tô 5%. Ấn Độ có thể là điểm đến lý tưởng cho sản xuất công nghệ cao, nhưng Việt Nam mới là nước đi đầu. Tỷ lệ xuất khẩu công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam là 40%, trong khi ở Ấn Độ, tỷ lệ này khá thấp, chỉ 9% vào năm 2018.

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sở hữu một trong những cơ sở lớn nhất bên ngoài nước này đặt tại Việt Nam. Năm 2012, Samsung đã thành lập một doanh nghiệp sản xuất màn hình hiển thị cỡ lớn (LFD), Samsung Display Solutions cung cấp các sản phẩm LED dòng SMART của công ty. Trên thực tế, Samsung lắp ráp một nửa số thiết bị di động toàn cầu của hãng này tại Việt Nam và đã được hưởng lợi lớn sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Năm 2018, tổng doanh thu của Samsung Electronics tại Việt Nam lên tới 66 tỷ USD, tương đương 28% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), về cơ bản sẽ cho phép các nhà sản xuất châu Âu đầu tư vào Việt Nam và từ đó có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Á-Thái Bình Dương mà Việt Nam dành quyền tiếp cận ưu đãi. Thật không may, điều này diễn ra khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang mất thị phần vào tay Việt Nam tại thị trường EU. Thị phần xuất khẩu của Ấn Độ sang EU chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Từ năm 2009-2018, xuất khẩu của Ấn Độ sang EU tăng 1,6 lần, nhưng con số này của Việt Nam tăng tới 4,4 lần.

Với xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu, nếu hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển dịch khỏi Trung Quốc thời hậu chiến tranh thương mại, không khó hiểu khi các doanh nghiệp chuyển đến Việt Nam. Sau khi các doanh nghiệp thiết lập cơ sở tại Việt Nam, họ có thể xem xét tái xuất khẩu trở lại Trung Quốc hoặc mở rộng hoạt động sang các nền kinh tế ASEAN khác và EU. Ấn Độ sẽ vẫn thiếu những lợi thế này.

Để xoay chuyển tình hình, Ấn Độ cần nhận ra mình đang sai ở đâu. Kể từ khi tự do hóa, nước này đã áp dụng nhiều chính sách, từ “Chính sách sản xuất quốc gia” trước đây cho đến “Sản xuất tại Ấn Độ” hiện nay, nhưng tỷ trọng sản xuất trong xuất khẩu của Ấn Độ vẫn rất thấp.

Việt Nam đã phát triển như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì nước này cung cấp nguồn lao động giá rẻ trong khi tạo môi trường thân thiện và giảm thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo dữ liệu có sẵn, trong số 56 công ty đã rời khỏi Trung Quốc kể từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, chỉ có 8 công ty đầu tư vào Ấn Độ, trong khi 26 công ty chuyển cơ sở sang Việt Nam.

Ấn Độ cần phản ứng mau lẹ với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi. Gần đây, do chiến tranh thương mại, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra mức thuế kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp lớn muốn chuyển dịch sản xuất. Ví dụ, hai mức thuế doanh nghiệp ưu đãi chung là 10% và 20% được áp dụng cho các dự án sản xuất lớn đủ điều kiện trong 15 năm và 10 năm. Trái lại, mức thuế chuẩn của Ấn Độ là 40% đối với các công ty nước ngoài và chi nhánh của công ty nước ngoài tại đây. Cộng với phụ phí và “thuế chồng thuế”, mức thuế cao nhất trên thực tế là 43,68% đối với các công ty nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, xuất khẩu của Việt Nam gần như ngang bằng với Ấn Độ. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm của Việt Nam chứng kiến mức tăng 3%, trong khi Ấn Độ tăng trưởng âm 24% trong cùng kỳ. Có 90% thương mại hàng hóa của Việt Nam thông qua các cảng biển. Với Ấn Độ, mặc dù có đường bờ biển dài gần gấp đôi Việt Nam, nước này đã không thể tận dụng điều đó để mang lại lợi ích cho mình. Một phần nguyên nhân là do một số cảng biển có vấn đề về nạo vét, không giống như ở Việt Nam có các cảng nước sâu.

Trong tương lai, Ấn Độ cần thực hiện một phân tích kỹ lưỡng để cạnh tranh với các quốc gia ở châu Á, dù là về các hiệp định thương mại tự do, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và ổn định, hay khuyến khích tài chính, tạo kết nối đầy đủ và quan trọng nhất là lao động giá rẻ có chất lượng. Hãy chờ xem liệu Ấn Độ có thể hỗ trợ các công ty toàn cầu thiết lập nhà máy ở nước này khi họ cần nhất hay không.