📞

Ấn Độ khó 'đoạn tuyệt' với Trung Quốc

Phương Thảo 14:56 | 08/07/2020
TGVN. Sau cuộc đụng độ biên giới, làn sóng tẩy chay các mặt hàng Trung Quốc tại Ấn Độ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, New Delhi khó có thể chấm dứt mối quan hệ ràng buộc với Bắc Kinh trong thời gian tới.    
Một người biểu tình giơ lên một tấm áp phích kêu gọi tẩy chay các ứng dụng di động của Trung Quốc ngày 30/6 tại New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Sau cuộc đụng độ biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vào ngày 15/6, bộ chỉ huy quân sự của cả hai bên đã cùng ngồi vào bàn đàm phán để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc của người dân Ấn Độ đã gây ra những áp lực lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi.

Tuần trước, nước này đã đưa ra lệnh cấm hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc. Động thái đã khiến Bắc Kinh tức giận. Tuy nhiên, Ấn Độ rất khó có thể tách rời Trung Quốc trong thời gian tới, do hai nước có sự ràng buộc trên nhiều lĩnh vực.

Về thương mại

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ. Theo số liệu mới nhất, trong giai đoạn từ tháng 4/2019- 3/2020, Ấn Độ đã nhập khẩu hơn 65 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 16,6 tỷ USD. Cán cân thương mại bị chênh lệch đã khiến Ấn Độ bị thâm hụt thương mại hơn 48 tỷ USD so với Trung Quốc.

Các sản phẩm mà Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm máy móc, thiết bị điện, đồ điện gia dụng, linh kiện điện tử, hóa chất và dược phẩm. Tuy nhiên, Ấn Độ đang lên kế hoạch bổ sung một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào danh mục đánh thuế.

Chuyên gia kinh tế người Ấn Độ Kundu, tại tập đoàn tài chính Societe Generale cho rằng, việc giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc nói vẫn dễ hơn làm. Bởi sẽ cần phải có chính sách trung và dài hạn, cùng hướng dẫn cụ thể đến từng cá nhân

Trên thực tế, Ấn Độ đang coi Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa “khổng lồ”, mặc dù nhiều công ty nội địa cũng có khả năng sản xuất các sản phẩm đó. Do vậy, Chính phủ Ấn Độ cần đưa ra chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm trên, bao gồm cả những công ty sản xuất phi chính thức.

Ấn Độ cũng cần khoảng thời gian nhất định để có thể hiện thực hóa chính sách này, thông qua việc tiếp tục thúc đẩy các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước khu vực châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay vẫn ảm đạm khi nước này vẫn đang trong tình trạng phong tỏa do số lượng người nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng.

Về đầu tư

Theo số liệu cung cấp của Mergermarket, từ năm 2015 đến tháng 6/2020, đã có 42 thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Ấn Độ với tổng giá trị 8,7 tỷ USD.

Phía tổ chức Gateway House cũng tiết lộ, Trung Quốc đã cung cấp 4 tỷ USD vốn vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2018, đã có khoảng 18 trong tổng số 30 công ty khởi nghiệp của Ấn Độ được định giá trên 1 tỷ USD đã nhận vốn từ phía nhà đầu tư Trung Quốc.

Giải thích lý do tại sao các công ty Trung Quốc thống trị đầu tư vào khởi nghiệp tại Ấn Độ, Gateway House nhận thấy:

Thứ nhất, không có nhà đầu tư mạo hiểm nào của Ấn Độ chú ý tới các công ty khởi nghiệp. Đây chính là lỗ hổng mà Trung Quốc đã tận dụng, khi tập đoàn Alibaba đầu tư vào Paytm vào năm 2015.

Thứ hai, Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp lượng vốn cần thiết để hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ, mặc dù việc làm này chưa thực sự đem lại hiệu quả. Bởi phía doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận thiệt hại tài chính để quyết tâm giành lấy thị phần.

Thứ ba, đối với Trung Quốc, thị trường Ấn Độ đang có cả giá trị bán lẻ và chiến lược.

Trước tình hình hai bên biên giới căng thẳng, phía Ấn Độ cũng đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Theo Reuters, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét hạn chế khoảng 50 đề xuất đầu tư của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, chính biện pháp hạn chế này cũng đang là thách thức đối với các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư mới.

Về công nghệ

Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu dùng kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới, với số lượng người sử dụng mạng Internet tăng lên mỗi ngày. Hơn thế, quốc gia này cũng chính là thị trường hấp dẫn của các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ Trung Quốc như ByteDance của Alibaba, Tencent hay TikTok thường xuyên cạnh tranh với các đối thủ Facebook, Amazon và Google để tiếp cận người dùng Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là thị trường điện thoại thông minh đứng đầu thế giới, ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo của Counterpoint Research, 4/5 thương hiệu điện thoại hàng đầu tại Ấn Độ là của Trung Quốc, nắm giữ tới 80% thị trường nội địa, trong khi các thương hiệu trong nước chỉ chiếm khoảng 1% thị phần.

Các nhà phân tích của Counterpoint Research nhận định, vị trí của các thương hiệu điện thoại thông minh của Trung Quốc rất khó thay thế. Để tạo dấu ấn, các hãng điện thoại thông minh của Ấn Độ sẽ phải đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển.

Song, New Delhi vẫn có thể thực hiện các biện pháp hạn chế trong lĩnh vực viễn thông. Ấn Độ có thể viện dẫn những lo ngại về vấn đề bảo mật và an ninh mạng để ngăn chặn hai "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE thâm nhập vào thị trường quốc gia này.

(theo CNBC)