📞

Ấn Độ - ngôi sao sáng trong nền kinh tế thế giới

08:16 | 26/08/2016
Bức tranh kinh tế Ấn Độ có cả những mảng tối, nhưng những mảng sáng lạc quan vẫn là chủ đạo.

Điểm sáng trên bầu trời ảm đạm

Ngày 26/5 vừa qua đánh dấu hai năm cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi. Đây cũng là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước Ấn Độ nhìn lại những thành quả của chính phủ cầm quyền trong thời gian qua, nhất là về kinh tế. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau song đánh giá chung cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ đang đi đúng hướng với những cải cách cơ bản, tiệm tiến nhưng chắc chắn, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tạo được những nền tảng cho tăng trưởng cao hơn về trung và dài hạn.

“Make in India” là một trong những sáng kiến nổi bật của Thủ tướng Modi. (nguồn: narendramodi.in)

Gần đây, các tổ chức tư vấn và tài chính hàng đầu thế giới đều nhận định, Ấn Độ là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế ảm đạm của thế giới. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo kinh tế Trung Quốc có thể giảm từ 6,5% trong năm tài khóa 2015-2016 xuống còn 6,2% trong năm tài khóa 2016-2017. Các nền kinh tế mới nổi khác là Nga và Brazil cũng sẽ tiếp tục suy thoái sâu và nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 3% năm 2016 lên 3,3% trong năm 2017. Một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ hiện hữu của một cuộc đại giảm phát toàn cầu.

Trong khi đó, theo OECD, Ấn Độ nổi lên là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP 7,6% và dự báo sẽ tăng lên 7,9% trong năm tài khóa 2016-2017. Citigroup và Deutsche Bank cũng dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2016 có thể đạt 7,5–7,6%, năm 2017 có thể đạt 7,8%. Trong báo cáo ngày 21/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ (giảm 0,1% so với trước), nhưng vẫn đạt  mức 7,4% cho năm 2016.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, cùng với hạn hán hai năm liên tiếp vừa qua, theo con số chính thức của Chính phủ Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tài khóa 2015-2016 vẫn đạt 7,6% (cao hơn nhiều so với 6,6% trong năm tài khóa cuối cùng của Chính phủ tiền nhiệm).

Ấn Độ được coi là đã vượt qua Trung Quốc để giành vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tổng GDP lên tới 2.300 tỷ USD (tính theo tỷ giá hiện nay khoảng 67 INR/USD), đứng thứ 10 thế giới và thứ 3  châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Nỗ lực cải cách và sức mạnh nội lực  

Các nhà quan sát cho rằng, về mặt chủ quan, Chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát tốt sự ổn định kinh tế vĩ mô: thâm hụt ngân sách giảm từ 4,4% xuống còn 3,9% GDP và có thể đạt mục tiêu của năm nay là 3,5% GDP; chỉ số lạm phát giảm từ 2 con số xuống còn 5,39% (tháng 4/2016). Năm 2015, Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục về dự trữ ngoại tệ (trên 360 tỷ USD) và giá trị thu hút FDI (trên 63 tỷ USD), vượt qua Trung Quốc trở thành điểm đến thu hút FDI nhiều nhất thế giới.

Báo cáo do Cục Kinh tế - Thương mại thuộc BNG/Mỹ đưa ra ngày 5/7  đánh giá cao khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Raghuram Rajan. Điều đó đã góp phần lấy lại lòng tin của giới đầu tư vào Ấn Độ và ghi nhận một số nỗ lực của New Delhi trong việc cải cách các qui định thủ tục hành chính, nâng trần FDI trong một số lĩnh vực như quốc phòng và đường sắt.

Năng lượng Mặt Trời là một trong những lĩnh vực thu hút FDI lớn của Ấn Độ. (nguồn: arabianindustry)

Ngoài các chương trình lớn như “Make in India”, “Skill India”, “Startup India”, “Digital India”, Chính phủ Ân Độ đã và đang tiến hành một số cải cách cơ cấu quan trọng trong lĩnh vực thuế (với dự luật Hàng hóa và Dịch vụ GST có thể được áp dụng từ ngày 1/4/2017), nới lỏng các quy định và thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hơn, hạn chế các vụ tham nhũng, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư về cơ sở hạ tầng. New Delhi quyết tâm đẩy nhanh các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng và làm sạch môi trường, giải quyết vấn đề trợ cấp. Bên cạnh đó, nước này cũng cải thiện dịch vụ tiếp cận tài chính và an sinh xã hội cho người nghèo và vùng nông thôn, từng bước số hóa, nâng cao kỹ năng cho người dân, phát triển năng lượng tái tạo…  

Các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ phát triển chủ yếu nhờ nội lực, dựa vào việc khai thác thị trường khổng lồ trong nước, không dựa nhiều vào xuất khẩu nên ít bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa giảm, nhưng do ngành dịch vụ phát triển cao và ổn định, hiện đóng góp hơn 65% GDP, nên xuất khẩu phần mềm vẫn tăng trưởng tốt, đạt 150 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng được hưởng một số thuận lợi. Việc giá dầu giảm giúp cho Ấn Độ giảm được thâm hụt thương mại do nước này phải nhập khẩu dầu lửa để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của mình. Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển vể nước vẫn giữ ở mức cao (70 tỷ USD/năm), góp phần đáng kể vào việc cân bằng cán cân thanh toán.

Mùa mưa đang đến sau 2 năm hạn hán kéo dài cũng là một điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, góp phần vào tăng trưởng chung cho Ấn Độ.  

Thành công của kinh tế Ấn Độ còn nhờ vào khai thác thị trường khổng lồ trong nước. (nguồn: holidayiq)

Không ít trở ngại

Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ hiện vẫn còn gặp nhiều một số thách thức và khó khăn. Trước hết, Ấn Độ không thể không bị tác động bởi sự suy thoái của kinh tế toàn cầu dẫn đến giá cả nguyên liệu và nhu cầu từ thị trường toàn cầu tiếp tục giảm. Điều đó cũng khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở mức thấp và xuất khẩu liên tục giảm 17 tháng liên tiếp. Ngoài ra, giá dầu đang dần phục hồi khiến cho “thời kỳ trăng mật” của lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ sẽ sớm qua đi. Đồng Rupee đang trong giai đoạn mất giá lâu nhất kể từ 2007. Đầu tư tư nhân và nhu cầu trong nước vẫn hạn chế. Lợi nhuận của nhiều tập đoàn lớn đang suy giảm...

Đây cũng là điều khiến nhiều chuyên gia tiếp tục hoài nghi về các con số và cách tính về GDP, cho rằng Ấn Độ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 7,3% là cùng, Bên cạnh đó, sự tăng trưởng cao từ xuất phát điểm còn thấp nên giá trị gia tăng không lớn. Đồng thời, mức độ hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp cũng khiến Ấn Độ chưa thực tranh thủ được những cơ hội từ bên ngoài.

Việc đồng Rupee đang trong giai đoạn mất giá lâu nhất kể từ 2007 cũng là một thách thức. (nguồn: economydecoded)

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ về khả năng triển khai cam kết và các chương trình, sáng kiến trên thực tế, nhiều dự án vẫn bế tắc/chậm tiến độ, quá trình thông qua các dự luật cải cách kinh tế vẫn khó khăn, một số cam kết như thu hồi tiền đen, vấn đề việc làm, cải cách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu hiện ở mức báo động và đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các ngân hàng... chưa được cải thiện nhiều.

Báo cáo về tình hình môi trường đầu tư 2016 do Cục Kinh tế - Thương mại thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 5/7 vừa qua cho rằng, mặc dù đã ưu tiên tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Ấn Độ vẫn chậm trễ trong việc triển khai các biện pháp cải cách như đã cam kết khi tranh cử, chưa có nhiều cải thiện trong những vấn đề mang tính cơ cấu như một môi trường pháp quy còn yếu, chính sách thuế thiếu nhất quán, sự ách tắc về cơ sở hạ tầng, những yêu cầu mang tính địa phương hóa, những hạn chế trong nhiều ngành dịch vụ và tình trạng thiếu điện trên diện rộng đang là những trở ngại lớn trong việc phát huy tiềm năng kinh tế Ấn Độ.

(từ New Delhi)