Số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đang dần tiến tới vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, số ca nhiễm thực tế tại Ấn Độ có thể đang ở mức gấp 10 lần số liệu chính phủ công bố. Vậy từ góc nhìn nội tại, đâu là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Ấn Độ chông gai đến vậy?
Thể chế nhà nước và phân bổ quyền lực
Ấn Độ hiện tổ chức nhà nước theo mô hình liên bang, bao gồm chính phủ liên bang đứng đầu là thủ tướng và chính quyền các bang đứng đầu là các thủ hiến.
Thủ hiến tại các bang được bầu ra dựa trên số phiếu của người dân tại các bang mà không phụ thuộc vào thủ tướng bổ nhiệm.
Mô hình tổ chức nhà nước này đang gây ra sự phân mảnh, thiếu thống nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ.
Sau mỗi lần nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ đều đặn tăng. (Nguồn: The Indian Express) |
Theo phân cấp, Thủ tướng ở New Delhi sẽ không thể yêu cầu thủ hiến tại các bang làm những gì Trung ương muốn.
Chính phủ liên bang sẽ chỉ có thể đưa ra khuyến nghị hoặc những quy định mang tính nguyên tắc, phần thực hiện và các biện pháp cụ thể hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các bang, dẫn đến nhiều cách tiếp cận và đánh giá khác nhau đối với tình hình dịch bệnh.
Đấy cũng là lý do mà hầu hết các bang có số ca nhiễm lớn và dẫn đầu tại Ấn Độ đều đang có những cạnh tranh, xung đột về lợi ích đối với Chính phủ.
Cuộc chiến chống Covid-19 vô hình trung đã trở thành một “mặt trận” trong cuộc đua chính trị giữa Thủ tướng và các thủ hiến, điển hình như trường hợp của các bang Maharashtra và Tamil Nadu hiện nay.
Có một thực tế thú vị khác là trong số 5 nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19, có đến 4 nước được tổ chức bộ máy hành chính theo chế độ liên bang, lần lượt là Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga.
Chỉ có duy nhất trường hợp của Pháp là nước mới gia nhập “top 5” trong thời gian gần đây có mô hình tổ chức nhà nước khác các nước còn lại.
Đặc điểm dân số và yếu tố nền kinh tế
Theo thống kê, khoảng hơn 60% dân số Ấn Độ sống tại các vùng nông thôn với thu nhập trung bình khoảng 2 USD/ ngày.
Vì mưu sinh, những người này hầu hết đều đổ về các đô thị lớn như New Delhi hoặc Mumbai để tìm kiếm cơ hội việc làm và phải chấp nhận sống trong những khu ổ chuột để tồn tại.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ vào thời điểm cuối tháng 3/2020, những khu ổ chuột tại các thành phố lớn đã trở thành nguồn phát tán virus SARS-CoV-2 "hoàn hảo" do không gian chật chội cùng chất lượng vệ sinh yếu kém. Sau hơn 7 tháng chống dịch, các cơ quan chức năng của Ấn Độ vẫn không thể dập tắt được làn sóng dịch bùng lên từ các khu vực này.
Sự lây lan này còn diễn biến phức tạp hơn khi ở giai đoạn đầu, chính phủ Ấn Độ đã quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, khiến những người lao động nghèo mất việc làm phải tìm đường trở về nhà tại các vùng nông thôn. Cũng vì chính lý do này, con đường cho virus lây lan từ các thành phố lớn đến mọi miền của Ấn Độ càng trở nên gần hơn bao giờ hết.
Một yếu tố khác bên cạnh đặc điểm dân số đang gây ra khó khăn cho Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19 chính là nền kinh tế.
Trong báo cáo về Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, hàng loạt chỉ số của Ấn Độ trong năm 2020 đều đã giảm và thậm chí nước này đã bị Bangladesh vượt mặt về GDP bình quân đầu người trong khu vực.
Đây là hệ quả tất yếu của các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những biện pháp này không những không kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh mà còn làm cho nền kinh tế Ấn Độ phải chịu hậu quả nặng nề.
Để cứu lấy nền kinh tế và cũng như là để cứu lấy người dân Ấn Độ, Chính phủ nước này đã phải xác định nguyên tắc sống cùng một “trật tự mới” và dần gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, cho phép các hoạt động, dịch vụ dần được trở lại gần như bình thường.
Tuy nhiên, sau mỗi lần nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ đều đặn tăng theo cấp số nhân, đỉnh điểm là giai đoạn trong vòng một tháng từ cuối tháng 8-9/2020, số ca nhiễm mới đã tăng gần gấp đôi từ 3,5 triệu ca lên đến 6,3 triệu ca.
Những yếu tố tác động từ bên ngoài
Bên cạnh việc tập trung chống đại dịch từ trong nước, Ấn Độ cũng đang phải căng mình trên các mặt trận khác mà điển hình là các cuộc xung đột tại biên giới với Trung Quốc và những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Pakistan.
Mặc dù những yếu tố này không tác động trực tiếp đến sự bùng phát, lây lan dịch bệnh từ trong nước nhưng lại tạo ra một làn sóng phản đối, bài trừ hàng hóa và người dân những nước này ngay từ bên trong Ấn Độ.
Để giảm bớt áp lực từ bên trong, Chính phủ Ấn Độ buộc phải trấn an và có những biện pháp giải tỏa cho người dân, vốn đã phải đối mặt với tình trạng áp lực tâm lý gây ra bởi những biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài.
Hệ quả là một bộ phận không nhỏ người dân Ấn Độ đã trở nên chủ quan, tin rằng đại dịch đã không còn hiện hữu và bỏ quên những biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, tạo điều kiện cho dịch bệnh tiếp tục lan rộng và tăng nhanh với tốc độ chóng mặt.
| Mỹ-Ấn Độ họp Đối thoại 2+2: Thể chế hóa hợp tác, vững vàng trước khó khăn TGVN. Đối thoại 2+2 kết thúc ngày 27/10 chứng kiến quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn Độ ngày một khăng khít trước những diễn biến mới ... |
| Sau thời gian dài khủng hoảng vì Covid-19, Ấn Độ bắt đầu đón tin vui TGVN. Số ca mới mắc Covid-19 theo ngày ở Ấn Độ đang giảm dần với việc nước này vào sáng 25/10 chỉ ghi nhận 50.129 ... |
| Mặt trận truyền thông chống Covid-19 và sự chung tay của Việt Nam và Ấn Độ TGVN. Việt Nam và Ấn Độ đã huy động tổng lực sức mạnh của thông tin, truyền thông, đảm bảo thông tin kịp thời, minh ... |