📞

An Giang: Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia xây dựng nông thôn mới

Nhân An 11:16 | 29/12/2022
Với việc phát huy lợi thế cũng như sự đồng lòng của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), chiếm tới 43% dân số toàn tỉnh An Giang, sau 2 năm thực hiện qui chế phối hợp triển khai mô hình “2 An (An ninh trật tự - An sinh xã hội) giữa Công an tỉnh An Giang và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình cùng địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới. (Nguồn: Báo An Giang)

An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước. Kinh tế An Giang chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 156 đơn vị hành chính cấp xã; dân số khoảng 2,5 triệu người, gồm 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống đan xen, trong đó có trên 2 triệu người theo 9 tôn giáo được nhà nước công nhận, nhiều nhất là PGHH, trên 1 triệu người, chiếm 43% dân số toàn tỉnh, 15% tín đồ PGHH cả nước.

Tại An Giang có Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, 1 trường Trung cấp, 14 cơ sở thờ tự, 136 Ban Trị sự cơ sở (xã, phường, thị trấn) với khoảng 960 chức việc.

Đại đa số chức việc và tín đồ PGHH có tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân cao, thường xuyên gắn hoạt động tôn giáo với các phong trào cách mạng ở địa phương, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” góp phần xây dựng và phát triển đất nước, được xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, có sức lan toả mạnh mẽ.

Tuy nhiên, do trình độ nhận thức không đồng đều, một bộ phận tín đồ còn bị các thế lực thù địch lôi kéo, xúi giục, kích động gây mất an ninh, trật tự.

Trước tình hình đó, ngày 8/10/2020, Giám đốc Công an tỉnh và Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đã đồng chủ trì Hội nghị ký kết Qui chế phối hợp số 3454/QCPH-CA-BTS về thực hiện mô hình 2 An (An ninh trật tự - An sinh xã hội) giữa Công an tỉnh An Giang với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH. Qua 2 năm thực hiện mô hình “2 An” đã ghi nhận được kết quả nổi bật.

Trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự, mô hình đã triển khai công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và qui định địa phương, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; đặc biệt là các hành vi, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm về bảo vệ an ninh, trật tự của các tín đồ tôn giáo.

Đồng thời đã vận động tín đồ PGHH tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các hoạt động an sinh xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn âm mưu “Diễn biến hoà bình”, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để kẻ xấu lợi dụng đạo PGHH để lôi kéo, xúi giục và xuyên tạc gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, uy tín của đạo PGHH.

Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH tổ chức tuyên truyền trên 1.500 cuộc với khoảng 90.000 lượt người dự, trong đó, thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo “thuyết giảng giáo lý” lồng ghép để tuyên truyền 330 cuộc với 17.528 lượt tín đồ PGHH tham dự...; vận động 939 người có uy tín phát động phong trào thực hiện mô hình 2 An; phối hợp, phân công quản lý giáo dục 1.938 đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tội... tại địa phương. Qua các buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân cung cấp 1.808 tin (1.402 tin có giá trị) giúp lực lượng Công an đấu tranh làm rõ 1.135 vụ, liên quan 3.460 đối tượng.

Trên lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, các đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp đã vận động hơn 165 tỷ đồnghỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàncảnh khó khăn... góp phần phát triển kinh tế - văn hoá- xã hội trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực được nhân dân ủng hộ như: (i) Thành lập các Tổ xây dựng, sửa chữa nhà cầu, đường giao thông nông thôn.

Cất mới 859 và sửa chữa 238 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 30 đến 70 triệu đồng); xây mới 20, sửa chữa 45 cây cầu giao thông nông thôn đã xuống cấp; huy động nhân dân đóng góp làm mới đường giao thông nông thôn...

Thông qua công tác vận động của cấp uỷ, chính quyền, Ban Trị sự, một số mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng tín đồ PGHH đã tự nguyện đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công lao động để sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn; (ii) Vận động kinh phí mua mới 5 xe ô tô cứu thương phục vụ vận chuyển bệnh nhân miễn phí; hỗ trợ 5.403 bệnh nhân; ngoài ra, còn tặng gần 100.000 phần quà cho các hộ nghèo, khó khăn với tổng trị giá khoảng 14 tỷ đồng...

Đặc biệt, trong năm 2021 Công an tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội góp phần giúp đỡ, hỗ trợ cho các địa phương, hộ gia đình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ.

Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH tổ chức tuyên truyền trên 1.500 cuộc với khoảng 90.000 lượt người dự, trong đó, thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo “thuyết giảng giáo lý” lồng ghép để tuyên truyền 330 cuộc với 17.528 lượt tín đồ PGHH tham dự...; vận động 939 người có uy tín phát động phong trào thực hiện mô hình 2 An; phối hợp, phân công quản lý giáo dục 1.938 đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tội... tại địa phương. Qua các buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân cung cấp 1.808 tin (1.402 tin có giá trị) giúp lực lượng Công an đấu tranh làm rõ 1.135 vụ, liên quan 3.460 đối tượng.

Để duy trì, phát huy hiệu quả công tác phối hợp thực hiện mô hình “2 An” trong thời gian tới Công an tỉnh và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị để nhân dân cảnh giác, đấu tranh; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương để nhân dân tích cực tham gia.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn nhằm tạo niềm tin, khí thế cách mạng và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Hai là, phát huy vai trò của các trị sự viên, chức việc, người có uy tín trong tín đồ PGHH tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời phát hiện và phối hợp chính quyền giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh từ cơ sở, tham gia hoà giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, thực hiện các hành động chống phá Đảng, Nhà nước.

Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở nhằm phát huy năng lực vận động quần chúng, khai thác hiệu quả yếu tố “lòng dân” trong việc duy trì, củng cố và nhân rộng mô hình “2 An” trên địa bàn, góp phần củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để tín đồ PGHH an tâm tu hành theo giáo lý và pháp luật; khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, lòng yêu thương con người để tín đồ PGHH tích cực đóng góp công sức vào các hoạt động cùng chính quyền thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, sẵn sàng tham gia bảo vệ ANTT địa phương và các hoạt động thiện nguyện do chính quyền phối hợp với các Ban Trị sự phát động.

Năm là, tiến hành sơ kết, rút ra kinh nghiệm về cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; tổ chức nhân rộng mô hình trong tôn giáo, phổ biến để các địa phương có đặc điểm tương đồng nghiên cứu, áp dụng nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của tín đồ PGHH trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.