Chỉ trong vòng một năm sau khi rời bỏ Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande để lập đảng chính trị mới “Tiến bước” (En Marche!), ông Emmanuel Macron đã có chiến thắng thuyết phục, trở thành Tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử nước này. Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm đến những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ năm thế giới dưới “Triều đại Macron”.
Tân Tổng thống Pháp Macron chủ trương điều chỉnh vị thế của nước Pháp trong EU. (Nguồn: TechCrunch) |
Chính sách đang định hình
Có ba lý do chính dẫn đến chiến thắng ngoạn mục của ông Macron. Thứ nhất, đó là nỗi lo sợ của người dân Pháp nếu bà Marine le Pen, đại diện Đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) thắng cử. Khi đó, nước Pháp sẽ có một “Donald Trump phiên bản nữ”, đại diện phong trào dân túy với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, có khả năng tạo ra nguy cơ bất ổn và chia rẽ tiềm tàng. Thứ hai, ông Macron - với cương lĩnh tranh cử khôn khéo đã thổi luồng gió mới vào xã hội Pháp già nua và bảo thủ, vốn chìm đắm quá lâu trong khủng hoảng và trì trệ. Sức trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết và sự lạc quan tin tưởng vào tương lai là điều mà người dân Pháp đang mong chờ lúc này. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với Macron khi bối cảnh chính trị Pháp giai đoạn bầu cử biến chuyển có lợi cho ông: ứng viên trung hữu sáng giá Francois Fillon bị loại ngay từ vòng 1 do vướng bê bối.
Trước những diễn biến phức tạp cả bên trong lẫn bên ngoài tác động trực tiếp tới an ninh và vị thế của nước Pháp, hiển nhiên là hiện có khá nhiều thách thức đang chờ đợi ông Macron ra tay.
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nhiều vấn đề sống còn, chia rẽ từ bên trong. Hồ sơ Brexit đang rất nóng, tham vọng của Nga ở biên giới Ukraina và Syria vẫn chưa có lời giải, các điểm nóng, bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi trực chờ lan sang thiêu cháy châu Âu. Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ tập trung tăng cường nội lực, rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), dọa quay lưng với nhiều thỏa thuận ngoại giao quan trọng. Trong khi đó, ở châu Á, Trung Quốc đang phát triển và mở rộng ảnh hưởng như vũ bão, đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Đáng chú ý, chủ nghĩa khủng bố lợi dụng sự bất ổn, tiếp tục len lỏi và mở rộng quy mô hoạt động với cách thức biến hóa khôn lường. Là Tổng thống Pháp đầu tiên chưa từng phục vụ quân đội kể từ khi nước này áp dụng Hiến pháp mới năm 1958, và cũng là ông chủ Điện Elysée chưa từng có kinh nghiệm đối ngoại lẫn quốc phòng, điều này đặt ra câu hỏi lớn rằng: ông Macron sẽ lãnh đạo và thực thi chính sách đối ngoại của nước Pháp ra sao?
Có thể nói, đối ngoại và các vấn đề quốc tế chưa phải quan tâm hàng đầu của ông Macron. Trong khi bà Le Pen thể hiện rõ ràng quan điểm nước Pháp sẽ rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, đến gần hơn với Nga, chính sách ngoại giao của ông Macron dường như chỉ đang trong quá trình định hình.
Trong các cuộc tranh luận trước hai vòng tranh cử tổng thống vừa qua, ông Macron tập trung phần lớn quan tâm vào các vấn đề đối nội như tháo gỡ khó khăn về lương hưu, phúc lợi xã hội, thúc đẩy kinh tế, giáo dục, y tế. Giới quan sát chỉ có thể cảm thấy tinh thần của chính sách đối ngoại thời Macron là điều chỉnh lại vị trí nước Pháp trong châu Âu, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nga, tái lập hòa bình Trung Đông và triển khai chính sách ngoại giao mềm dẻo, tùy cơ ứng biến với các khu vực khác trên thế giới.
Châu Á chưa phải ưu tiên
Trong mùa vận động tranh cử Tổng thống Pháp 2017, cả năm ứng viên có nhiều triển vọng nhất: Le Pen, Fillon, Macron, Mélenchon và Hamon, đều không cho thấy sự quan tâm đến châu Á. Tân Tổng thống Macron thậm chí còn chưa từng đặt chân đến châu lục này. Điều đó đủ cho thấy, trong bối cảnh nước Pháp, châu Âu và thế giới hiện nay, khu vực châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo Pháp.
Truyền thống đối ngoại của Pháp qua các thời kỳ là không phụ thuộc nhiều vào cá tính nguyên thủ như Mỹ mà xuyên suốt phục vụ quyền lợi quốc gia, phát triển mềm mại qua từng thời kỳ và ít có bước ngoặt. Do đó, nhiều khả năng chính sách đối ngoại của Pháp sắp tới với thế giới nói chung và châu Á nói riêng sẽ là sự tiếp nối đường lối của hai Tổng thống tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande. Tuy nhiên, sự linh hoạt còn tùy thuộc nhiều vào các nhân vật trụ cột khác của chính phủ đang được chọn lựa như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, các tướng lĩnh tham mưu và bộ máy cố vấn thân cận.
Trước đây, ông Hollande cũng bước vào Điện Elysée mà không có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức đối ngoại. Tuy nhiên, đến nay, đây lại là lĩnh vực vị Tổng thống vừa mãn nhiệm được đánh giá cao và khen ngợi nhiều nhất. Dư luận kỳ vọng dưới thời tân Tổng thống trẻ tuổi, thông minh, cá tính, chính sách đối ngoại của Pháp sẽ chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vị thế của nước này trong khu vực và trên thế giới.