📞

Ấn tượng về mảnh đất biên cương Hà Giang

Bùi Định 14:05 | 28/09/2021
Baoquocte.vn. Hà Giang đã thay đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, trong đó hoạt động du lịch là động lực chính tạo nên sự vươn mình mạnh mẽ ở mảnh đất biên cương này.
Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Bắc, là huyện cực Bắc của Việt Nam. (Ảnh: Ly Như)

Những điểm cộng

Năm 2020, tôi có chuyến du lịch Hà Giang ngắn ngày qua các điểm phố cổ Đồng Văn, sông Nho Quế, Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, Dinh thự vua Mèo, Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm từng làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”...

Từ Tuyên Quang lên TP. Hà Giang hầu như độ cao không đáng kể và không có dốc cao. Xuất phát từ Hòa Bình vào lúc 7 giờ sáng thì khoảng 11 giờ 30 phút đến nơi với khoảng cách hơn 300 km. Quãng đường này khá tốt, đặc biệt là quốc lộ 2, nên xe thường đi tốc độ khá cao như dưới xuôi.

Từ TP. Hà Giang tới huyện vùng cao biên giới Đồng Văn đường bắt đầu quanh co lên dốc đều đều, cua liên tục. Thi thoảng mới có đoạn xuống dốc.

Người ngồi xe bị nghiêng về bên trái, lại lập tức bị quăng sang bên phải liên tục. Cũng có lẽ vì thế mà nhìn du khách đến Hà Giang thấy ai cũng có bộ mặt ngái ngủ, mệt mỏi nhưng lại rất háo hức. Du khách không ngủ được cũng một phần lo sợ địa hình hiểm trở đối với những người ở đồng bằng mới đi lần đầu, cũng có thể vì phong cảnh núi non hùng vĩ mê hồn, thay đổi liên tục nên muốn dành thời gian để ngắm cảnh.

Du khách đến với Hà Giang bởi phong cảnh tuyệt đẹp của nó với Cao nguyên đá Đồng Văn, sự đa dạng về sắc tộc (hơn 20 dân tộc) trong đó chủ yếu là người H'Mông, ẩm thực độc đáo, đặc biệt là tính chân thật hiếu khách của người dân nơi đây.

Hơn cả, đó là tính hiếu khách và thân thiện của người Hà Giang. Họ làm du lịch theo đúng nghĩa làm dịch vụ, tức là phục vụ du khách. Bạn có thể hỏi giá cả, sờ mó hàng hóa thỏa thích không mua chủ cũng vui vẻ, không chèo kéo khách theo lối quá quyết liệt.

Những người kinh doanh ở đây không hề có khái niệm cạnh tranh theo lối tranh giành khách hàng của nhau. Điểm đáng lưu ý là tất cả các điểm du lịch trên địa bàn không thấy có hiện tượng ăn xin. Đây là một điểm cộng nữa cho du lịch Hà Giang.

Sông Nho Quế. (Ảnh: Ly Như)

Tính độc đáo trong kinh doanh du lịch

Tôi tình cờ hỏi chuyện anh lái xe ôm trên đường chở chúng tôi xuống sông Nho Quế. Anh cho biết là người gốc Hoa, trước đây lam lũ vất vả làm ruộng nương. Cuộc sống của anh mới khá lên đôi chút từ khi mua sắm thuyền chở khách du ngoạn trên sông Nho Quế và cả vợ chồng anh đều chạy xe ôm chở khách.

Nhà nghỉ chúng tôi ở do ông chú họ anh ta làm chủ, có đầy đủ tiện nghi mà giá cả lại rất "mềm". Giá niêm yết là giá cố định vào cuối tuần khi khách đông, những ngày thường giá thấp hơn.

Các nhà nghỉ, homestay khác trên địa bàn Đồng Văn cũng tương tự theo cách giữ giá đó. Bên cạnh là khách sạn Hoa Cương 4 sao hoành tráng giá niêm yết cố định với mức 600 nghìn đồng một đêm có lẽ quá cao. Có thể tính chất chân thật của người dân bản địa, kết hợp với nghệ thuật kinh doanh "vì khách hàng" của người Hoa đã tạo nên tính chất độc đáo, làm cho du khách luôn muốn quay trở lại nơi đây.

Người dân ở đây cũng cho biết chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương quản lý nghiêm ngặt, nếu có ai đó cố tình nâng giá, vị phạm quy định của địa phương sẽ vĩnh viễn bị tước giấy phép kinh doanh. Thậm chí, chỉ cần nghe du khách phản ánh sẽ bị điều tra làm rõ.

Người H'Mông bản địa là sắc dân chiếm đa số ở Hà Giang tham gia làm du lịch khá đông. Các điểm du lịch của người H'Mông hay có người H'Mông tham gia đều thấy họ rất chuyên nghiệp, lịch sự khi chào mời, vui đùa với khách.

Cái gì trong chuyến đi này cũng đáng nhớ và tuyệt vời, song ấn tượng mạnh nhất là khi ngồi xe ôm trên đoạn đường 7 km sông Nho Quế.

Tôi có lẽ là du khách lớn tuổi nhất dám ngồi xe ôm để đi xuống tham quan sông Nho Quế, phải qua con dốc quanh co tới gần 50 khúc cua đổ đèo. Có những đoạn một bên là vách núi, bên kia là thung lũng hun hút sâu hàng trăm mét, đường chỉ rộng chừng 1m lại có nhiều đoạn hỏng do mưa lũ.

Khi lên dốc chủ yếu xe máy phải đi số 1 khiến tiếng máy gằn lên dữ dội.

Cánh lái xe cho biết, cứ 2 tuần phải thay dầu cho xe. Nếu không may sự cố xảy ra, chỉ còn nước chờ cho số phận. Khi trở về điểm xuất phát phía trên đỉnh núi mới thở phào nhẹ nhõm là ta đã vượt qua và cảm thấy tự hào rằng mình đã đi đến nơi khó khăn nhất của cuộc hành trình.

Có mấy bác tuổi chừng 50-60 hỏi thăm và tỏ ra thán phục vì mình dám làm việc đó. Khó khăn là thế, khi đã vượt qua thì bù lại được ngắm cảnh đẹp thơ mộng với vẻ đẹp mê hồn của dòng sông Nho Quế...

Cách đây chừng 20 năm, tôi được một anh bạn người Tuyên Quang vốn sinh ra ở vùng cao Hà Giang kể cho nghe câu chuyện về những năm tháng anh dạy học nơi đây. Anh nói, lúc mới bắt đầu công tác, anh cùng mấy người bạn trẻ đến thăm các gia đình phụ huynh học sinh rất ngạc nhiên vì những đứa trẻ trong cùng một gia đình đứa nào cũng đẹp và mỗi đứa một vẻ mặt.

Tôi nhớ, năm 2008, được một anh bạn thân mời đi Tam Đảo, tình cờ trên xe 7 chỗ ngồi đã có nhà thơ Trần Hòa Bình, tác giả bài thơ nổi tiếng Thêm một. Trong chuyến đi nghỉ lại một đêm ở Tam Đảo, anh Bình kể về chuyến đi Hà Giang năm 2007 của anh và anh có ý định viết một bài ngắn về chợ tình Khâu Vai-Mèo Vạc-Hà Giang.

Anh nói lời dẫn cho bài này được mở đầu bằng câu: "Mọi con đường có thể không dẫn tới thành Rome, nhưng Khâu Vai thì có". Ý anh nói tới những nét đẹp mê hồn về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, về bản sắc văn hóa độc đáo của con người Hà Giang khiến người ta không thể không đến.

Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Ly Như)

Một Hà Giang "thay da đổi thịt"

Sáng sớm ngày 13/11/2020, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Yên Minh ra về, khi ngồi trên xe anh lái xe mở bài hát Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu của tôi… Tôi chợt nhớ ra còn nhiều điều mình chưa thực hiện được trong chuyến đi này và còn nhiều điểm hấp dẫn khác ở Hà Giang.

Tôi có dự định sẽ tới Hoàng Su Phì, ngắm những thửa ruộng bậc thang xếp tầng giống như những dải lụa bát ngát, vườn đào, lê, đồi chè có trên trăm tuổi đời vào mùa Xuân. Tôi sẽ tới Mèo Vạc để ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn một màu trắng hồng thơ mộng, chinh phục một trong những Tứ đại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, nghỉ tại một ngôi làng để khám phá văn hóa bản địa của người Lô Lô, thưởng thức những món ăn độc đáo của họ.

Khi đưa những tấm ảnh về hoạt động trải nghiệm của tôi ở Hà Giang lên mạng facebook, có rất nhiều người xem đã phải thốt lên rằng không ngờ Việt Nam lại có một nơi đẹp đến thế. Nhiều người nói rằng dứt khoát họ sẽ đến nơi Hà Giang khi hết dịch Covid-19. Có người trao đổi trên trang facebook của tôi một câu rất vui: Thật phí cho Albert Einstein khi chưa bao giờ đến nơi đây!

Quả thực, Hà Giang đã thay đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, trong đó hoạt động du lịch là động lực chính tạo nên sự vươn mình mạnh mẽ ở mảnh đất biên cương này. Theo ước tính, những năm gần đây du khách đến Hà Giang lên tới con số trên 1 triệu người, doanh thu trên một ngàn tỷ đồng, chiếm một phần tư tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh.

Tuy thế, Hà Giang vẫn còn rất nhiều khó khăn, đứng hàng chót trong số các tỉnh nghèo nhất của cả nước. Tỉnh lại có tới 277 km đường biên giới với Trung Quốc, nhiều vùng xa xôi, cách trở, có cộng đồng dân tộc thiểu số rất đông.

Trong những năm qua, chính quyền tỉnh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của tỉnh, cần tập trung đẩy lùi và chấm dứt những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu bén rẽ lâu đời trong xã hội các dân tộc thiểu số. Kết hôn cận huyết thống, thách cưới cao, tục cướp vợ, tảo hôn, đẻ nhiều, tổ chức đám cưới dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí…Tất cả những tập quán đó là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo cho người dân nới đây.

Hy vọng Trung ương cũng như các mạnh thường quân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ về tài chính, vật lực, chính sách để Hà Giang vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai không xa.

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Bắc, là huyện cực Bắc của Việt Nam (điểm cực bắc tại núi Rồng, xã Lũng Cú). Huyện Đồng Văn có có diện tích 365,65 km², dân số năm 2019 là 81.880 người, mật độ dân số 224 người/km².

Huyện lị trước đây của Đồng Văn đặt tại thị trấn Phố Bảng, sau chuyển về khu phố cổ thuộc xã Đồng Văn, nay là thị trấn Đồng Văn.

Huyện Đồng Văn hiện nay có 17 dân tộc sinh sống, gồm: Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giáy, La Chí, Hoa, Pà Thẻn, Cơ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, Mường, Sán Chay, Thái. Trong đó dân tộc Mông chiếm phần lớn.