Nhỏ Bình thường Lớn

Ấn tượng với tầm nhìn Vũ Khoan về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao

Chia sẻ với TG&VN, PGS. TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đúng nghĩa là một người thầy của nhiều cán bộ ngoại giao. Bởi ông vừa có khả năng thu hút vừa có khả năng truyền thụ kiến thức và kỹ năng cho người làm ngoại giao.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nhiều năm phụ trách và gắn bó với Học viện Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Ông có thể cho biết những đóng góp nổi bật của nguyên Phó Thủ tướng với lĩnh vực đào tạo ở ngôi trường này?

Có thể nói đóng góp đầu tiên và lớn nhất của nguyên Phó Thủ tướng với Học viện Ngoại giao là tầm nhìn về chương trình và phương thức đào tạo sinh viên – thế hệ những người làm ngoại giao tương lai.

Ấn tượng với tầm nhìn Vũ Khoan về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một người lãnh đạo rất đam mê công tác bồi dưỡng cán bộ.

Ngay sau khi thay Thứ trưởng Trần Quang cơ phụ trách Học viên Quan hệ Quốc tế vào cuối những năm 1990, ông đã lưu ý lãnh đạo Học viện cần đổi mới chương trình đào tạo đại học, cập nhật những kiến thức mới về quan hệ quốc tế và ngoại giao sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, tăng cường những kiến thức về hội nhập quốc tế, nhất là về kinh tế quốc tế. Về phương pháp đào tạo cần đào tạo chuyên sâu và các kỹ năng ngoại giao.

Tin liên quan
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và cuộc đàm phán vòng cuối Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2000 Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và cuộc đàm phán vòng cuối Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2000

Từ những ý kiến gợi mở mang tính chỉ đạo của ông, chúng tôi đã đổi mới gần như toàn bộ chương trình đào tạo đại học, dành hẳn một năm cuối cho đào tạo chuyên sâu về quan hệ quốc tế, luật quốc tế và kinh tế quốc tế. Đây là bước chạy đà cần thiết để bước vào năm 2000, Học viện mở bốn ngành đào tạo khác nhau: Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế và tiếng Anh chuyên ngành.

Từ khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian hơn cho công tác đào tạo của Học viện , sẵn sàng lên lớp cho sinh viên mới vào trường. Điều đáng nhớ nhất chính là cách thức mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan truyền thụ cho sinh viên lòng tình yêu nghề ngoại giao, phương pháp và cảm hứng học tập.

Ông luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, đào tạo ban đầu rất quan trọng, giúp cho sinh viên bắt nhịp rất nhanh với công việc sau khi được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao.

Bản thân tôi thấy, không có nhiều người có khả năng truyền thụ kiến thức và tiếp cận vấn đề một cách rất đơn giản, mà lại hiệu quả như vậy cho sinh viên, dù ông không được đào tạo làm giảng viên.

Ông có đánh giá gì về vai trò của ông Vũ Khoan đối với việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành Ngoại giao?

Phải nói rằng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một người lãnh đạo rất đam mê công tác bồi dưỡng cán bộ. Mỗi khi Học viện mở lớp bồi dưỡng cán bộ mà đặt vấn đề với ông, ông luôn nhận lời đứng lớp, từ lớp cán bộ cấp vụ cho đến lớp cán bộ mới vào ngành.

Sự đam mê của ông, không chỉ thể hiện ở kiến thức uyên bác về quan hệ quốc tế và về kỹ năng ngoại giao mà còn ở tầm nhìn của ông về cán bộ ngoại giao thời kỳ đổi mới.

Ông luôn nhấn mạnh, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, bên cạnh việc trang bị các kiến thức về đường lối, chính sách và quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế, cần rèn luyện cho người học những tư duy và kỹ năng đối ngoại như: vấn đề đối tượng-đối tác, lợi ích quốc gia-dân tộc, cân bằng quan hệ, nghiên cứu chiến lược, phân tích sự kiện, đàm phán, tiếp xúc… cũng như trình độ ngoại ngữ.

Chương trình bồi dưỡng cần ngắn gọn và hiệu quả, kết hợp nghe giảng và tranh luận.

Mặt khác, ông cũng cho rằng, người đứng lớp cho những lớp học bồi dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu chọn người đứng lớp không đúng, lớp học sẽ không đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Phải nói rằng, suốt quá trình làm lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao, ở Chính phủ hay khi đã về hưu, ông luôn say mê với công tác bồi dưỡng cán bộ. Cách tiếp cận và khả năng truyền đạt của ông luôn lôi cuốn người học.

Những kinh nghiệm quý nào từ nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mà những người làm ngoại giao và những người thầy có thể học hỏi?

Tôi cho rằng, trong nghề ngoại giao và nghề giảng dạy, cả kiến thức và phương pháp đều có thể học hỏi được từ những người đi trước.

Đối với bản thân tôi điều học được và tâm đắc nhất là cách đối nhân xử thế trong ngoại giao, cũng như trong giảng dạy. Ông luôn có cách tiếp cận đơn giản, không đao to búa lớn và xử lý rất mềm mại mọi khúc mắc.

Ông luôn hiểu người nghe cần nghe cái gì ở mình và luôn tạo ra không khi thoải mái cho các học viên, người nghe.

Trong giảng dạy hay chia sẻ, nguyên Phó Thủ tướng thường dùng những từ ngữ đơn giản nhất để diễn đạt những vấn đề phức tạp nhất, học phải đi đôi với hành. Trong các lớp học của ông bao giờ cũng có kiến thức đi cùng các kinh nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, cũng có những điều rất khó để học được ở ông - một nhà ngoại giao uyên bác, một người thầy sâu rộng về kiến thức, lại vô cùng tâm lý về phương pháp truyền thụ.

Cá nhân ông có những tình cảm hay kỷ niệm gì đáng nhớ với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan?

Còn nhớ hồi tôi làm Tham tán công sứ ở Pháp vào cuối năm 1993, nguyên Phó Thủ tướng khi ấy là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thành viên đoàn Việt Nam tham dự hội nghị tài trợ đầu tiên cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Paris. Ông đã “gỡ bí” cho Đại sứ quán một số vấn đề tế nhị về lễ tân, cũng như về nội dung với những lời lẽ và cách ứng xử rất đơn giản mà hiệu quả.

Khi tôi phụ trách công tác đào tạo ở Học viện Ngoại giao vào năm 2003, ông cũng đã có những ý kiến chỉ đạo mang tính tầm nhìn về đào tạo truyền thông và báo chí đối ngoại. Vài năm sau trở lại Học viện vào năm 2008, chúng tôi triển khai mở Khoa Truyền thông Quốc tế và văn hoá đối ngoại…

Ấn tượng với tầm nhìn Vũ Khoan về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao
Ông Vũ Khoan luôn có cách tiếp cận đơn giản, không đao to búa lớn và xử lý rất mềm mại mọi khúc mắc.

Với tôi, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một nhà ngoại giao rất uyên bác, một trong những “cây cao bóng cả” như ngôn ngữ thường nói, trong ngành ngoại giao.

Ông cũng là một người thầy đúng nghĩa của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao – người vừa có khả năng thu hút vừa có khả năng truyền thụ kiến thức và kỹ năng cho cán bộ ngoại giao.

Cũng biết quy luật cuộc đời là sinh lão bệnh tử, nhưng tôi không khỏi không sốc và thương tiếc, trước sự ra đi của một người như ông. Không biết bao giờ mới lại có một người giống như Vũ Khoan...

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo cấp Vụ

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo cấp Vụ

Sáng ngày 24/5, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trao quyết định tiếp nhận, điều động và bổ ...

Nhớ chú Vũ Khoan!

Nhớ chú Vũ Khoan!

Lời tâm sự của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trước sự ra đi của ...

Giám đốc chương trình Việt Nam, Đại học Harvard Thomas J. Vallely: Ông Vũ Khoan là một nhà kỹ trị, có rất nhiều ý kiến và phản biện

Giám đốc chương trình Việt Nam, Đại học Harvard Thomas J. Vallely: Ông Vũ Khoan là một nhà kỹ trị, có rất nhiều ý kiến và phản biện

Trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc chương trình Việt Nam, Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt ...

Bà Virginia Foote: Ông Vũ Khoan, ‘mảnh ghép đặc biệt’ trong giai đoạn lịch sử

Bà Virginia Foote: Ông Vũ Khoan, ‘mảnh ghép đặc biệt’ trong giai đoạn lịch sử

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Việt Nam, đã chia sẻ cảm xúc trước sự ra đi của ...

Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi: Những bài học của bác Vũ Khoan cho thế hệ sau

Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi: Những bài học của bác Vũ Khoan cho thế hệ sau

Sự ra đi của bác Vũ Khoan là sự mất mát lớn cho đất nước, ngành Ngoại giao, và cho mỗi cá nhân trong ngành, ...