Ảnh ấn tượng (8-14/7): Tổng thống Nga nói về lối đi riêng của BRICS, ‘nóng rẫy’ vụ ông Trump bị ám sát, lý do Thủ tướng Hungary thăm Trung Quốc
Dương Liễu
08:28 | 15/07/2024
Tổng thống Nga tiếp Thủ tướng Ấn Độ, Hungary đánh giá về vai trò của Trung Quốc trong kiến tạo hòa bình cho xung đột ở Ukraine, NATO cam kết hỗ trợ Kiev, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát, Euro 2024… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 8/7. Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Orban đăng bức ảnh về chuyến công du của ông và nói rõ: “Trung Quốc là cường quốc chủ chốt trong việc kiến tạo hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine. Đây là lý do tại sao tôi đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ hai tháng sau chuyến thăm chính thức của ông ấy tới Budapest”. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, trọng tâm hiện nay là làm dịu hết sức có thể tình hình ở Ukraine và để cộng đồng quốc tế tạo điều kiện, hỗ trợ nối lại đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Moscow. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại dinh thự ở Novo-Ogarevo, ngày 8/7. Ngày 9/7, sau khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 22 “Nga-Ấn Độ: Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và mở rộng” tại thủ đô Moscow, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung. Văn bản đề cập việc phát triển các định hướng chiến lược trong hợp tác kinh tế Nga-Ấn đến năm 2030, hợp tác kinh tế song phương giữa LB Nga và CH Ấn Độ dự kiến được xây dựng trong 9 lĩnh vực ưu tiên. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện BRICS tại St. Petersburg, ngày 11/7. Ông Putin cho biết, trong tương lai, nhóm này có thể thành lập quốc hội của riêng mình để tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. Tổng thống Nga khẳng định, bằng cách cùng nhau hành động, BRICS có thể phát huy tiềm năng trong hợp tác kinh tế, đầu tư và công nghệ. Theo Tổng thống Putin, BRICS đang tăng tốc phát triển các công cụ tài chính đáng tin cậy để tạo thuận lợi trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên. (Nguồn: TASS)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC, ngày 11/7. Ông Biden tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tái tranh cử của mình trong bối cảnh ngày càng nhiều quan chức đảng Dân chủ kêu gọi ông rời đường đua vào Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)
Mọi người chào mừng tân Thủ tướng Anh Keir Starmer khi ông bước ra khỏi căn nhà số 10 phố Downing ở London vào cuối cuộc họp nội các hằng tuần, ngày 9/7. Ông Starmer trở thành Thủ tướng sau khi đảng Lao động trung tả giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử với tỷ lệ áp đảo, chấm dứt kỷ nguyên 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. (Nguồn: AFP/Getty)
Ông Donal Trump giơ nắm đấm ra hiệu khi được các nhân viên mật vụ bao vây sau vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của ông ở Butler, Pennsylvania, ngày 13/7. Trong cuộc họp báo vào đêm muộn cùng ngày, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận vụ nổ súng khiến ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bị thương trước đó là nỗ lực ám sát. Ông Trump an toàn, nghi phạm đã bị bắn hạ. Vụ việc khiến 1 khán giả thiệt mạng và 2 người khác bị thương. (Nguồn: AP)
Toàn cảnh lễ chào mừng dành cho các đồng minh và đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức trước bữa tối tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 10/7. Tuần qua, NATO đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh và các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm thành lập. Trong Tuyên bố chung 38 điểm được đưa ra sau Hội nghị, liên minh này khẳng định củng cố đoàn kết, nhấn mạnh NATO tiếp tục là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu trong tham vấn, phối hợp và hành động trước mọi vấn đề liên quan an ninh tập thể và của mỗi thành viên. (Nguồn: Reuters)
Nhân viên cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát tại bệnh viện nhi Okhmatdyt ở Kiev, Ukraine, ngày 8/7 sau vụ không kích. Ukraine cáo buộc Nga đã phóng tên lửa vào bệnh viện nhi ở Kiev, đồng thời tấn công các thành phố khác trên khắp quốc gia Đông Âu bằng tên lửa tầm xa, khiến ít nhất 41 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, chính vũ khí phòng không của Ukraine đã gây ra thiệt hại cho bệnh viện nhi trên, đồng thời khẳng định, các lực lượng vũ trang Nga chỉ tấn công những mục tiêu có liên quan tiềm năng quân sự của Kiev. (Nguồn: AFP/Getty)
Người phụ nữ Palestine bế con gái đi ngang qua đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công của quân đội Israel, ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 10/7. Xung đột Israel-Hamas tại Dải Gaza nổ ra từ tháng 10/2023 đến nay chưa tìm ra lối thoát. (Nguồn: Reuters)
Người dân biểu tình trong đêm bầu cử ở Place de la République tại Paris, Pháp, ngày 7/7. Trái với dự đoán về thắng lợi cho phe cực hữu, cuộc bầu cử kết thúc với liên minh cánh tả là bên ăn mừng sau cùng. Tờ Le Monde ngày 8/7 dẫn kết quả bầu cử từ Bộ Nội vụ Pháp cho hay, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) về đích với vị trí dẫn đầu, đạt 182 ghế tại Quốc hội. Xếp sau là khối trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với 168 ghế. Liên minh cực hữu dẫn đầu bởi đảng Mặt trận Quốc gia (RN), vốn được đồn đoán sẽ giành chiến thắng, chỉ xếp thứ 3 với 143 ghế. (Nguồn: AFP/Getty)
Người dân theo dõi tên lửa Ariane 6 được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Guiana ở Kourou, Guiana thuộc Pháp, ngày 9/7. Cơ quan Vũ trụ châu Âu hy vọng hệ thống tên lửa này sẽ giúp lục địa già tự chủ hơn trong lĩnh vực không gian vũ trụ và thậm chí thách thức sự thống trị của SpaceX trong thị trường phóng vệ tinh toàn cầu. (Nguồn: AFP/Getty)
Cầu thủ Lamine Yamal của Tây Ban Nha ghi bàn thắng tầm xa tuyệt đẹp vào lưới đội tuyển Pháp ở bán kết Euro 2024, ngày 9/7. Yamal, 16 tuổi, là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở giải vô địch bóng đá nam châu Âu. Bàn thắng này của anh đã giúp đội bóng xứ bò tót giành chiến thắng 2-1 trước những chú gà trống Gô-loa, đoạt tấm vé vào trận chung kết. (Nguồn: Getty)
Người hâm mộ Anh ăn mừng sau khi cầu thủ Harry Kane san bằng tỷ số 1-1 trong trận bán kết UEFA Euro 2024 giữa đội tuyển Anh và Hà Lan tại Boxpark Croydon, Đức, ngày 10/7. Đội tuyển Anh vào chung kết, gặp đối thủ Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty)
Người dân tham gia cuộc thi “chạy bò” hằng năm tại Lễ hội bò tót San Fermin ở Pamplona, Tây Ban Nha, ngày 7/7. (Nguồn: Reuters)
Các cậu bé chơi súng bắn bong bóng trên xe diễu hành trong lễ hội ma xó Phi Ta Khon ở Loei, Thái Lan, ngày 9/7. Thường diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7, kéo dài 3 ngày, Phi Ta Khon là một trong những lễ hội nổi tiếng tại quốc gia Đông Nam Á này, thu hút du khách thập phương bởi không khí náo nhiệt và những màn hóa trang ma quỷ đầy ấn tượng. Hàng nghìn người dân địa phương tham gia diễu hành trên các con phố, khoác lên mình những trang phục sặc sỡ và những chiếc mặt nạ ma quỷ được làm từ gỗ, tre, nứa và giấy bồi. Những chiếc mặt nạ này được trang trí cầu kỳ với nhiều màu sắc, hình dạng và kích thước khác nhau, tượng trưng cho linh hồn của những người đã khuất. (Nguồn: Getty)
Công nhân chăm sóc rau muống trồng trên mặt nước ở huyện Chun'an, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 9/7. (Nguồn: Getty)
Những người lính cứu hỏa từ Camarillo, California, sẵn sàng đối mặt với vụ cháy rừng được đặt tên là Lake Fire ở Los Olivos, California, Mỹ, ngày 9/7. Tuần qua, tiểu bang này hứng chịu đợt cháy rừng lớn, với hơn 219 mẫu Anh (hơn 88 ha) bị thiêu rụi. (Nguồn: AFP/Getty)
Xin Bao, một trong những chú gấu trúc khổng lồ mới nhất của San Diego, Mỹ, nằm chơi trong chuồng trong bức ảnh công bố vào ngày 9/7. Xin Bao và Yun Chuan là những chú gấu trúc khổng lồ đầu tiên đến Mỹ trong 21 năm qua, theo chương trình cho mượn gấu trúc của chính phủ Trung Quốc. Những con vật dễ thương này hiện đang thích nghi với môi trường sống tại nơi ở mới và sẽ sớm được ra mắt tại Sở thú San Diego. (Nguồn: Liên minh động vật hoang dã San Diego)
Chú gấu Bắc Cực nằm trên đá viên được mang đến tận chuồng trong đợt nắng nóng tại Vườn thú Prague, ở Praue, Cộng hòa Czech, ngày 10/7. (Nguồn: Reuters)
Hóa thạch stegosaurus 150 triệu năm tuổi được trưng bày tại nhà đấu giá Sotheby's ở New York, Mỹ, ngày 10/7. Hóa thạch có tên là "Apex" dự kiến sẽ thu về từ 4-6 triệu USD trong cuộc đấu giá vào ngày 17/7 tới, khiến nó trở thành một trong những hóa thạch đắt nhất từng được bán. (Nguồn: AFP/Getty)
Máy gặt đập liên hợp hoạt động trên cánh đồng gần Frankfurt am Main, Đức, chiều muộn ngày 10/7. (Nguồn: Reuters)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.