📞

Ảnh ấn tượng: Nga hé lộ kênh liên lạc bí mật với Mỹ, nhắc ‘lằn ranh rực lửa’ liên quan Ukraine, ông Trump nói 'thế giới đang hơi điên rồ'

Dương Liễu 08:11 | 09/12/2024
Nga hé lộ kênh liên lạc bí mật với Mỹ, hội đàm ba bên giữa Tổng thống Pháp, người đồng cấp Ukraine và Tổng thống đắc cử Mỹ, Ấn Độ khẳng định không muốn từ bỏ đồng USD, tình hình Syria hỗn loạn… là những ảnh ấn tượng trong tuần do The Atlantic, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư VTB ở Moscow, ngày 4/12. Ông Putin cáo buộc Mỹ sử dụng đồng USD như một công cụ chính trị và quân sự để áp đặt sức ép lên các quốc gia khác, đồng thời chỉ ra rằng việc lạm dụng này đang làm giảm ảnh hưởng của đồng bạc xanh trên toàn cầu. (Nguồn: RIA Novosti)
Từ trái sang: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 7/12. Phát biểu với báo giới trước khi bắt đầu hội đàm với Tổng thống Pháp, ông Trump nói: "Có vẻ như thế giới đang hơi điên rồ ngay lúc này và chúng ta sẽ nói về điều đó". Trong khi đó, sau cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ, ông Zelensky đánh giá cuộc hội đàm "tốt và hiệu quả". (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến sân bay Catumbela ở Angola, ngày 3/12. Chuyến thăm của ông Biden đến Angola đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-châu Phi. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm thăm Angola, là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới khu vực châu Phi cận Sahara kể từ năm 2015 và cũng là chuyến thăm duy nhất của ông Biden tới châu lục này trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm thực hiện lời hứa của ông tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi năm 2022. (Nguồn: Reuters)
Từ trái sang: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng những người đồng cấp Hakan Fidan (Thổ Nhĩ Kỳ) và Abbas Araghchi (Iran) tham dự cuộc họp theo định dạng Astana tại Diễn đàn Doha lần thứ 22 ở Doha, Qatar, ngày 7/12. Cùng ngày, Ngoại trưởng của 5 quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq và Saudi Arabia, và những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ra tuyên bố chung kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria nhằm chấm dứt các hoạt động quân sự và bảo vệ dân thường ở quốc gia Trung Đông này. (Nguồn: Anadolu Agency)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavorv trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Tucker Carlson, được công bố hôm 6/12. Ông Lavorv tiết lộ về sự tồn tại của các kênh liên lạc bí mật giữa Nga và Mỹ trong hai năm qua, chủ yếu được sử dụng để đàm phán việc trao đổi công dân. Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Nga, các thông điệp từ Washington thông qua những kênh này cũng thường mang tính chất đe dọa, yêu cầu Moscow "tính đến lợi ích" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính quyền Kiev. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Moscow xem đây là một "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua, thậm chí là một "lằn ranh rực lửa" đối với Nga. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Nga)
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar phát biểu tại Diễn đàn Doha ở thủ đô Qatar, ngày 7/12. Ông Jaishankar nhấn mạnh, Ấn Độ chưa bao giờ ủng hộ việc phi USD hóa. Hiện tại, không có đề xuất nào về việc sử dụng đồng tiền BRICS”. (Nguồn: PTI)
Những chướng ngại vật chống xe tăng, được gọi là chú nhím Czech, ở quận Saltivka, Kharkov, Ukraine, bị hư hại nặng trong các cuộc tấn công của Nga năm 2022. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Những chiếc máy bay của không quân Syria bị tịch thu sau khi phe đối lập chiếm sân bay quân sự Hama tại thành phố cùng tên. Ngày 8/12, thủ lĩnh phe đối lập Syria tại hải ngoại Hadi al-Bahra cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã rời Damascus, trong khi lực lượng phiến quân khẳng định đã tiến vào thủ đô mà không vấp phải sự kháng cự của quân đội. Phiến quân cũng đã kiểm soát thành phố then chốt Homs chỉ sau một ngày giao tranh, đặt chế độ kéo dài 24 năm của Tổng thống Assad trước nguy cơ tồn vong trực tiếp. (Nguồn: AP)
Trẻ em chơi đùa giữa đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy tại làng Mansouriyeh, ở miền Nam Lebanon. Tuần qua, các cuộc không kích của Israel vào phía Nam Lebanon diễn ra trong bối cảnh lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah có hiệu lực từ hôm 27/11. Chính phủ Lebanon ngày 7/12 quyết định điều động quân đội tới khu vực biên giới với Israel đang có xung đột này. (Nguồn: Reuters)
Lực lượng quân đội bên ngoài tòa nhà Quốc hội, tại Seoul, đêm 3/12, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật. Tuy nhiên, sau 6 tiếng, dưới sức ép của Quốc hội, ông Yoon đã phải tuyên bố bãi bỏ lệnh thiết quân luật. Phe đối lập tại nước này lập tức kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon. (Nguồn: Reuters)
Pháo hoa nổ trong cuộc biểu tình của những người ủng hộ các đảng đối lập nhằm phản đối quyết định của chính phủ về việc đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/2, tại Tbilisi, Georgia. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ khi đảng cầm quyền, có tư tưởng xa rời EU, tái đắc cử vào tháng trước. (Nguồn: Reuters)
Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống John Mahama vẫy cờ trong một đoàn xe vận động tranh cử, tại Accram, Ghana. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Các mảnh vỡ tại hiện trường vụ đánh bom xe máy ở trạm thu phí Pamplonita ở phía Tây Nam Colombia, ngày 7/12. Nhà chức trách cho biết, một chiếc xe máy chở đầy thuốc nổ đã phát nổ khiến tài xế thiệt mạng và 14 người khác bị thương. (Nguồn: Getty Images)
Cụ bà Esther Senot, người sống sót sau vụ thảm sát Holocaust, 97 tuổi, ngồi giữa nhóm học sinh người Pháp, nghe hướng dẫn viên giới thiệu tại đài tưởng niệm Auschwitz-Birkenau, Ba Lan, ngày 5/12. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Các thủy thủ hải quân tham gia hoạt động cứu hộ mô phỏng trong lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại Cổng Ấn Độ ở Mumbai, ngày 4/12. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Hình ảnh người đi bộ phản chiếu trên cửa sổ một cửa hàng gần Cổng Damascus ở Phố cổ Jerusalem. (Nguồn: AP)
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại khu định cư không chính thức Jakwa ở Bryanston gần Johannesburg, Nam Phi sau khi xảy ra đám cháy lớn thiêu rụi khoảng 300 ngôi nhà tại địa phương. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Diễn viên người Anh Tilda Swinton chụp ảnh trước khi tham dự buổi trình diễn thời trang Chanel Métiers d’art 2024-25 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 3/12. (Nguồn: AP)
Nova, tàu cánh ngầm chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới, di chuyển trên vùng biển trung tâm Stockholm, Thụy Điển khi bắt đầu hoạt động dịch vụ vận tải công cộng. Nova sử dụng cánh ngầm điều khiển bằng máy tính để nâng thân tàu và bay cách mặt nước một mét, giảm ma sát với nước và giảm 80% mức tiêu thụ năng lượng so với các tàu truyền thống. (Nguồn: Anadolu/Getty)
Bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy những mái vòm của Thư viện quốc gia Kosovo, ngày 6/12. Công trình do KTS người Croatia Andrija Mutnjaković thiết kế, xây dựng vào năm 1982, được xem như một ví dụ về kiến trúc theo chủ nghĩa thô mộc. Thiết kế của tòa nhà đã gây tranh cãi ngay từ đầu khi cố gắng dung hòa và pha trộn phong cách Hồi giáo với Byzantine. Kết quả cuối cùng mang lại một công trình khác lạ, được cho là quái dị. (Nguồn: AFP/Getty Images)
(theo The Atlantic, The Guardian...)