Ảnh ấn tượng tuần (15-21/3): Mỹ-Trung ‘khẩu chiến’ nảy lửa, căng thẳng Myanmar và lực lượng đặc nhiệm Bulgaria tập trận
Dương Liễu
06:45 | 22/03/2021
TGVN. Hội đàm cấp cao Mỹ-Trung Quốc, tình hình Myanamar, Covid-19, xả súng đẫm máu tại Atlanta (Mỹ) khiến 8 người thiệt mạng,… là những ảnh ấn tượng trong tuần được NBC, CNN, Reuters… tổng hợp.
Bức ảnh ấn tượng chụp tại cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Alaska, Mỹ, ngày 18/3. Cuộc trao đổi công khai nảy lửa giữa Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (thứ hai, bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ hai, bên phải), cho thấy 2 nước sẽ khó tìm được điểm chung. (Nguồn: Getty)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken chụp ảnh với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và những người đồng cấp Nhật Bản khi đến thăm Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, ngày 16/3. Từ trái sang là các ông Austin, Blinken, Suga, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các quan chức cấp cao chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden. (Nguồn: AP)
Hình ảnh người biểu tình đối đầu với lực lượng chức năng, phản đối chính biến ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: Getty)
Mẹ của Khant Ngar Hein khóc trong đám tang của anh ở Yangon, Myanma. Ngar Hein là một sinh viên y khoa 18 tuổi, đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình phản đối chính biến. (Nguồn: AP)
Phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại Gold Spa ở Atlanta, Mỹ, ngày 16/3. Các vụ xả súng đã xảy ra liên tiếp tại 4 cửa tiệm spa riêng rẽ ở ngoại ô thành phố Atlanta, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Cảnh sát cho biết, nghi phạm Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi, đã phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, hiện giới chức vẫn chưa xác định nguyên nhân khiến nghi phạm ra tay. (Nguồn: Reuters)
Thi thể nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường vụ xả súng tại Atlanta. (Nguồn: Getty)
Ảnh chân dung của những người dân New York, Mỹ qua đời vì đại dịch Covid-19 được chiếu lên Cầu Brooklyn, ngày 14/3, nhân kỷ niệm 1 năm ngày thành phố này ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19. (Nguồn: Getty)
Nhân viên chăm sóc y tế giúp chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 từ một bệnh viện ở Ceska Lipa bị quá tải đến bệnh viện ở Semily, Czech, ngày 18/3. Sau làn sóng dịch tồi tệ nhất châu lục vào tháng 10/2020, những tháng đầu năm nay, Czech tiếp tục phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19, với số ca tử vong hằng ngày khoảng 200 người trong những tuần gần đây, một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. (Nguồn: Getty)
Nhân viên y tế chờ người dân đến để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở ngoại ô Montevideo, Uruguay. Quốc gia Nam Mỹ đang đối mặt với sự gia tăng mạnh các ca nhiễm SARS-CoV-2. (Nguồn: AP)
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 trong khi chờ mua khí đốt giá rẻ từ liên đoàn tàu chở dầu Petrobrás ở khu ổ chuột Vila Vintem, Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: AP)
Hoàng tử Philip, Công tước xứ Edinburgh của Anh, phu quân của Nữ hoàng Elizabeth II, rời bệnh viện King Edward VII ở trung tâm London, ngày 16/3, sau 4 tuần điều trị bệnh nhiễm trùng và bệnh lý liên quan đến tim mạch. (Nguồn: Getty)
Người dân biểu tình bên ngoài trụ sở Thượng viện Pháp ở Paris nhằm chống lại luật an ninh toàn cầu. (Nguồn: Getty)
Những người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ tùy thân trèo lên bờ kè sau khi băng qua sông cạn Rio Grande ngăn cách Ciudad Juarez (Mexico) với El Paso (Texas, Mỹ), ngày 17/3. Số lượng người nhập cư vào Mỹ theo biên giới phía Tây Nam với Mexico hiện đang tăng vọt dọc. (Nguồn: Getty)
Lực lượng đặc nhiệm thuộc Trung đoàn 101 Alpine, Bulgaria tham gia cuộc tập trận quân sự chiến thuật ở vùng núi Rhodope, Smolan, Bulgaria. (Nguồn: EPA)
Những đứa trẻ sống tại các khu lều tạm bợ thắp đèn trời ở làng Betint, tỉnh Idlib, Syria khi cuộc nội chiến bước sang năm thứ 11. (Nguồn: Getty)
Người đàn ông ở Dar es Salaam, Tanzania, đọc tờ báo có đăng tin Tổng thống Tanzania John Magufuli qua đời, ngày 18/3. Theo Phó Tổng thống Samia Suluhu Hassan, Tổng thống Magufuli, 61 tuổi, đã qua đời vì bệnh tim, sau hơn một thập kỷ chiến đấu với bệnh tật. (Nguồn: Getty)
Đốt cháy lâu đài bằng gỗ, một nghi thức điển hình tại lễ hội Maslenitsa (lễ hội tiễn mùa Đông) ở Nikola-Lenivets, Nga, ngày 13/3. Lễ tiễn mùa Đông Maslenitsa bắt nguồn từ công việc đồng áng của những người nông dân Nga. Mùa đông nước Nga tuyết rơi phủ kín mặt đất, ruộng đồng, khiến cho cây cối không nảy mầm được, nếu kéo dài mãi dễ sinh nạn đói. Bởi vậy, người nông dân mong mùa Đông mau qua, mùa Xuân mau đến. (Nguồn: AP)
Những người nông dân hò hét để cầu nguyện cho thời tiết thuận lợi và một vụ mùa bội thu trước khi thu hoạch chè ở Dazhou, Trung Quốc. (Nguồn: Getty)
Do đang vào mùa khô và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước của đầm phá Suesca ở Colombia đã giảm 90%, ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động vật hoang dã và thảm thực vật. Các nhà chức trách đã phải vào cuộc để tìm cách ngăn chặn việc đầm phá này biến mất do khô hạn. (Nguồn: Getty)
Người dân ngắm núi lửa Fuego khi nó phun trào từ đỉnh Acatenango, Guatemala. (Nguồn: AP)
Toure, một thợ thu hoạch muối người Gambia, đang làm việc tại hồ Retba (hay còn gọi là Hồ Hồng – Pink Lake) ở Senegal, ngày 16/3. Hồ Hồng, được ngăn cách với Đại Tây Dương bởi một các đụn cát, có nước màu hồng bởi tảo Dunaliella salina sống trong hồ. Lòng hồ cũng chứa lượng muối cao, lên đến 40% ở một số khu vực. (Nguồn: Getty)
Abu Jakka Farhan, một thợ tìm nấm cục, (còn gọi là nấm truyp, loại nấm thơm, mọc ngầm dưới đất) được đẩy bằng xe lăn khi đi tìm nấm trên sa mạc ở Samawa, Iraq. Với giá 7 USD/kg, nấm cục sa mạc của Iraq rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại ở châu Âu, nơi có thể lên tới hơn 100 USD/kg, nhưng với nền kinh tế Iraq đang gặp khủng hoảng, tìm kiếm nấm là một phương kế sinh nhai được nhiều người dân lựa chọn. Hình ảnh chụp ngày 23/2 và được phát hành trong tuần qua. (Nguồn: Reuters)
Ca sĩ Beyonce, trái, và Megan Thee Stallion nhận giải Grammy cho màn trình diễn rap hay nhất (trong ca khúc Savage), ngày 14/3. Cũng với lễ trao giải năm nay, nữ ca sĩ 28 tuổi Beyonce đã phá kỷ lục mọi thời đại khi là nữ nghệ sĩ nữ giành được nhiều giải Grammy nhất. (Nguồn: Getty)
Taylor Swift biểu diễn liên khúc Cardigan, August và Willow trong lễ trao giải Grammy lần thứ 63. Taylor Swift cũng là nữ ca sĩ chiến thắng tại hạng mục Album của năm với Folklore, chính thức trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên lập kỷ lục khi chiến thắng tới 3 lần tại hạng mục này. (Nguồn: Getty)
Baikal, một con hổ Siberia 14 tuổi, được phẫu thuật răng để tránh nhiễm trùng tại công viên động vật và thực vật Mulhouse, Pháp. (Nguồn: Getty)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.