TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Abe không chắc có thể thuyết phục ông Trump về TPP | |
Quan hệ Mỹ-Ấn sẽ được tăng cường dưới thời Donald Trump? |
Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy đó không hẳn là những bất ngờ. Đó là xu hướng đòi đổi thay quyết liệt, xóa đi những gì không còn phù hợp với thực tiễn.
Những sự kiện ngoài dự đoán
Nền chính trị Mỹ chuyển động theo chiến dịch tranh cử kéo dài cả một năm trời, trong đó “ngày phán xét” được chọn là ngày 8/11. Theo luật Mỹ, ứng cử viên trong các đảng chính trị như Dân chủ hay Cộng hòa phải tranh cử qua bầu cử sơ bộ trên phạm vi toàn quốc để chọn một ứng cử viên, đại diện cho đảng của mình ra tranh cử Tổng thống.
Tham gia bầu cử sơ bộ năm nay, đảng Cộng hòa có 17 ứng cử viên, trong đó tỷ phú Donald Trump được coi như ngoài tầm ngắm vì không có chút kinh nghiệm chính trị nào. Trong khi đó, đảng Dân chủ có 6 ứng cử viên với ứng cử viên nặng ký nhất là bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ, một chính trị gia lão luyện và có nhiều kinh nghiệm tranh cử. Nhưng ông Trump, với những khẩu hiệu tranh cử giải tỏa nỗi bất bình cũng như đáp ứng khao khát muốn thay đổi của cử tri, đã trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa. Thậm chí, ông Trump còn thắng áp đảo đối thủ Hillary Clinton trong ngày bầu cử chính thức 8/11 mặc cho kết quả những cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy đường vào Nhà Trắng của ông không hề sáng sủa.
Không chỉ thua trong cuộc đua đến ghế Tổng thống, thất bại của đảng Dân chủ còn thể hiện ở việc đảng Cộng hòa đã nắm toàn bộ quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Phải chăng những thay đổi, tiến bộ mà ông Obama hứa hẹn như khẩu hiệu tranh cử “Change we need” (Sự thay đổi mà chúng ta cần) năm 2008 không đủ để khiến cử tri Mỹ hài lòng và họ buộc phải có một sự lựa chọn khác?
Trước đó vài tháng, ứng cử viên Rodrigo Duterte cũng bất ngờ trở thành Tổng thống mới của Philippines. Một người vốn là thị trưởng của một thành phố, chưa từng có kinh nghiệm quản trị ở cấp quốc gia, không ít lần “vạ miệng” lại chiến thắng trước những ứng cử viên giàu kinh nghiệm và được Tổng thống đương nhiệm khi đó ủng hộ. Trong khi ứng viên giàu kinh nghiệm như Mar Roxas rất khó để tiếp xúc với người dân và có xu hướng tiếp nối chính sách của Tổng thống cũ, việc ông Duterte tập trung vào tuyên chiến với tham nhũng và tội phạm đã nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri là dân thường - những người quá chán nản với tệ nạn tham nhũng, tội phạm và không nhận được nhiều lợi ích từ quá trình phát triển kinh tế. Đa số người dân Philippines muốn sự thay đổi.
Brexit là một đòn giáng mạnh mà cử tri Anh dành cho những nỗ lực nhất thể hóa Liên minh châu Âu (EU), thể chế liên kết khu vực được đánh giá là hội nhập sâu nhất và thành công nhất trong lịch sử. Người Anh vốn không thực sự thoải mái trong cơ chế hợp tác với EU, bằng chứng rõ nhất là việc đứng ngoài khu vực tự do đi lại Schengen và kiên quyết sử dụng đồng Bảng thay vì gia nhập khối các nước sử dụng đồng Euro. Những nỗi bức xúc, những trải nghiệm cay đắng mà người Anh cho rằng EU mang tới như vấn đề chủ quyền, đóng góp tài chính, việc bị kiểm soát bởi những luật lệ của EU, nỗi lo sợ người nhập cư... là những thực tại mà họ muốn thay đổi hoặc không muốn đối diện. Thế nhưng, sự kiện Brexit có thể mang tới hậu quả cho nước Anh là việc Scotland có thể ly khai. Trong khi đó, hậu quả đối với châu Âu là sự thụt lùi quá trình hội nhập và cũng có thể là điểm khởi đầu cho sự đảo chiều của tiến trình hội nhập ở cấp độ khu vực lẫn toàn cầu.
Việc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và EU đều ít nhiều điều chỉnh chính sách đối ngoại không gì khác ngoài lý do họ không chấp nhận những xu hướng, mô hình, hiện trạng của quan hệ quốc tế ngày nay. Mục tiêu tìm cách thay đổi là nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt.
Mỹ không còn xoay trục sang châu Á nhanh như dự kiến mà bắt buộc tập trung các nguồn lực trở lại Trung Đông khi vấn đề xung đột Syria và cuộc chiến chống khủng bố chưa có cách giải quyết. Sự sao lãng của Mỹ trở thành cơ hội để Trung Quốc giành lại ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Nga bất ngờ “làm lành” với Thổ Nhĩ Kỳ và xích lại gần Trung Quốc. Gần đây, EU với chiến lược toàn cầu mới cũng xác định phải năng động hơn, tự chủ hơn về đối ngoại và an ninh. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi cho thấy sự năng động khi không chỉ “hành động hướng Đông” mà còn chú trọng hợp tác với Mỹ, Nga cùng các đối tác ở vùng Vịnh. Luật an ninh mới của Nhật Bản chính thức có hiệu lực, cho phép nước này triển khai quân đội ra nước ngoài và đóng một vai trò nổi bật hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình và phòng vệ tập thể. Các nước như Thái Lan, Malaysia hay Philippines cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và mục tiêu tối đa hóa lợi ích quốc gia vẫn được đặt lên trên hết.
Thay đổi tiếp theo là xu hướng đi xuống của lực lượng cánh tả trong đời sống chính trị ở Mỹ Latinh. Sau hơn một thập kỷ lựa chọn các chính khách dân túy cánh tả, giờ đây, cử tri các nước Mỹ Latinh như Argentina, Brazil, Ecuador đã hoặc sẽ chuyển sang lựa chọn các nhà lãnh đạo thuộc phái trung dung, thậm chí cánh hữu. Trong khi đó, Venezuela, một thành trì dân túy từng là nhà bảo trợ năng lượng cho một số quốc gia láng giềng, đang sa lầy vào khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đang bị thách thức nghiêm trọng. Các chính phủ trên sụt giảm uy tín là do kinh tế khó khăn, dẫn tới hệ quả là các cử tri nói “Không” với đảng cầm quyền. Tình hình kinh tế hiện nay xấu đi đáng kể so với thời kỳ Mỹ Latinh bắt đầu quay sang cánh tả.
Những điểm sáng
Điểm sáng trong những nỗ lực thay đổi thế giới nằm ở những thỏa thuận như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Hiệp định COP 21) chính thức có hiệu lực sau khi được 195 nước thông qua cách đây gần một năm. Việc Hiệp định COP 21 được thực thi có đóng góp lớn từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 9/2016, Trung Quốc và Mỹ - hai nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới - tuyên bố phê chuẩn Hiệp định COP 21.
Mục tiêu tìm cách thay đổi là nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt. |
Điểm sáng thứ hai là việc Chính phủ Colombia và tổ chức Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) chính thức ký kết Hiệp định Hòa bình sau 4 năm đàm phán. Hiệp định này được cho là sẽ chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 52 năm qua giữa quân đội Colombia với FARC cũng là cuộc xung đột dai dẳng nhất ở khu vực Tây bán cầu. Sau khi Hiệp định Hòa bình ở Colombia được ký kết, EU nhanh chóng loại bỏ FARC ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington sẽ xem xét khả năng này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đã xảy ra khi Hiệp định này bị đa số cử tri Colombia bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, cũng có nghĩa là Hiệp định không có hiệu lực và hai bên sẽ phải đàm phán lại. Dù vậy, cả Chính phủ Colombia lẫn FARC đều cam kết tiếp tục đi theo con đường đàm phán hòa bình, tránh sử dụng bạo lực. Ngày 12/11, hai bên thông báo nhất trí về một hiệp định hòa bình mới với nhiều sửa đổi so với hiệp định đầu tiên.
Trong khi đó, vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại nơi mà Nga gọi là quần đảo Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc đã có những tiến triển mới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thống nhất cùng tìm ra phương hướng giải quyết tranh chấp kéo dài hàng chục năm qua và mong muốn hợp tác kinh tế Nga - Nhật sẽ tạo đà để giải quyết xung đột về lãnh thổ.
***
Đã có những thay đổi và nỗ lực thay đổi. Thế giới nói chung đang trong một bước chuyển bởi thực tiễn vượt xa những gì các nhà chiến lược tính toán. Sự chuyển mình của thế giới nói chung và các nước nói riêng, cũng giống như mọi mặt khác của đời sống xã hội, có nét tích cực lẫn tiêu cực. Dù muốn hay không, những thay đổi đó vẫn diễn ra và quan trọng là các nước phải hiểu và thích nghi được với xu hướng đó.
Thủ tướng Abe không chắc có thể thuyết phục ông Trump về TPP “Tôi vô cùng thất vọng, chúng ta đang ở một hoàn cảnh rất khó khăn”. |
Quan hệ Mỹ-Ấn sẽ được tăng cường dưới thời Donald Trump? Không giống như nhiều nước châu Á khác, Ấn Độ lại cho rằng sự thay đổi người cầm cương ở Washington có thể giúp Ấn ... |
Liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương ra sao khi TPP bị khai tử Sau những tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump, có một thực tế không thể phủ nhận là Hiệp định Đối ... |