Cảnh sát Anh và những người biểu tình phe cực hữu trước Quốc hội ngày 12/6. (Nguồn: Getty Images) |
Các nhóm biểu tình gồm phe cực hữu "muốn bảo vệ các tượng đài lịch sử" và nhóm biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Trong đó, nhiều đối tượng quá khích đòi dỡ bỏ tượng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Anh vì cho rằng những nhân vật này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, hoặc tham gia buôn bán người nô lệ da đen.
Những người thuộc phe cực hữu đã tụ tập tại khu vực trước cửa tòa nhà quốc hội nơi có tượng của cố Thủ tướng lừng danh nước Anh Winston Churchill và tượng đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph.
Khoảng 200 người biểu tình thuộc phe cực hữu, đa số là nam giới da trắng, đã có những hành động quá khích như ném vỏ chai vào cảnh sát, ném pháo sáng vào đám đông. Trong khi đó, những người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc bắt đầu từ công viên Hyde Park đi lên Piccadilly Circuss, Haymarket đến quảng trường Trafalgar và kết thúc tại Whitehall.
Chính quyền thành phố London đã cho quây che một số tượng đài được cho có thể bị một số người trong phong trào Black Lives Matter quá khích phá hỏng như tượng cố Thủ tướng Churchill tại quảng trường đối diện tòa nhà Quốc hội, tượng những người phụ nữ trong thế chiến thứ hai tại Westminster, hay tượng Charles 1 tại Charing Cross, và Robert Clive tại Whitehall.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Anh Priti Patel đã lên tiếng chỉ trích những hành động quá khích và khẳng định bất cứ kẻ nào gây ra hành động phá hoại hoặc bạo lực sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, đồng thời nêu rõ "tấn công cảnh sát là điều không thể chấp nhận được".
Bà cũng kêu gọi người tham gia biểu tình giải tán về nhà vì nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 trong cộng đồng khi hàng nghìn người tập trung biểu tình không thể giữ được giãn cách xã hội 2m như yêu cầu.
Trong khi đó, Thị trường thành phố London Sadiq Khan phê phán những người yêu cầu đòi dỡ bỏ một số tượng nhân vật lịch sử của Anh chính là những người phân biệt chủng tộc. Ông Khan cho rằng mọi người nên tập trung vào vấn đề bất bình đẳng kinh tế và cấu trúc, kỳ thị người da đen tại Anh hơn là vấn đề các tượng đài kỷ niệm và việc dỡ bỏ các tượng đài nhân vật lịch sử không làm thay đổi được vấn đề.
Trước làn sóng phản đối việc để tượng một số nhân vật lịch sử gây tranh cãi liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc, có ý kiến cho rằng có thể sẽ phải di chuyển một số tượng vào để trưng bày trong bảo tàng thay vì để ở nơi công cộng như hiện nay.
Phản ứng hành động của một số đối tượng quá khích vẽ sơn lên tượng cố Thủ tướng Churchill, Thủ tướng Anh đương nhiệm Boris Johnson đã lên tiếng cho rằng, tuy Churchill có một số ý kiến "không thể chấp nhận đối với chúng ta hiện nay", nhưng ông là một vị anh hùng dân tộc, đã cứu nước Anh khỏi "kẻ bạo chúa phát xít và phân biệt chủng tộc".
Cố Thủ tướng Churchill là Thủ tướng nổi tiếng của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ II. Công lao lớn nhất của Churchill là ông đã từ chối đầu hàng khi khả năng bị người Đức đánh bại là rất lớn và luôn phản đối bất kỳ một sự đàm phán nào với Đức, giữ vững chính sách buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, đã được thỏa thuận trong cuộc gặp Tam cường tại Hội nghị Tehran.