Cụ thể, Thủ tướng May cho biết sẽ chi 1,7 tỷ Bảng (2,24 tỷ USD) để hỗ trợ cải tạo các thành phố và 2,3 tỷ Bảng (hơn 3 tỷ USD) để thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển vào khoảng năm 2021 - 2022.
Trong một bài báo đăng trên tờ Times, bà May cho biết, đây là "cách tiếp cận dài hạn mới để định hình một nền kinh tế mạnh mẽ và công bằng hơn trong những thập kỷ tới".
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Reuters) |
Việc công bố khoản đầu tư trên là một phần trong nỗ lực thúc đẩy kế hoạch ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond dự kiến sẽ được công bố vào ngày 22/11 tới. Thách thức chủ yếu của kế hoạch ngân sách này là nâng cao năng suất yếu kém của Anh hiện đang bị tụt hậu so với các đối thủ quốc tế và cũng là yếu tố chủ yếu kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Khoản đầu tư mới mà Thủ tướng May công bố cũng phù hợp với "Chiến lược Công nghiệp" của Anh, theo đó thúc đẩy tạo thêm nhiều việc làm với mức lương hấp dẫn song đòi hỏi chuyên môn cao. Đây cũng là chiến lược mà Thủ tướng May công bố trước đó sau khi bà nhậm chức hồi năm ngoái nhằm giúp củng cố nền kinh tế Anh trước những hậu quả liên quan đến Brexit.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang ngày càng gay gắt, Anh đang nỗ lực trở thành nhân tố đi đầu trong việc phát triển "các ngành công nghiệp của tương lai" như trí tuệ nhân tạo và ô tô không người lái sau khi rời khỏi "mái nhà chung" EU vào tháng 3/2019.
Thủ tướng May trước đó đã đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên mức 2,4% sản lượng kinh tế trước năm 2027 - phù hợp với mức đầu tư trung bình của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Cùng ngày, Tập đoàn công nghiệp ADS cảnh báo, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Anh có thể phải chịu thêm khoản phí 1,5 tỷ Bảng (2 tỷ USD) mỗi năm sau Brexit nếu các doanh nghiệp xuất khẩu trang thiết bị và bộ phận lắp ráp sang EU phải đối mặt với các hình thức kiểm tra bổ sung tại biên giới. Theo đó, ADS cho rằng, thất bại trong việc đạt được thỏa thuận về các thủ tục thuế quan nhiều khả năng sẽ phát sinh thêm chi phí tài chính lớn.
Nghị sỹ Rachel Reeves thuộc ủy ban doanh nghiệp của Nghị viện Anh nhận định, khoản phí phát sinh này sẽ tác động tiêu cực đến các quyết định đầu tư trong tương lai, có nguy cơ khiến ngành hàng không vũ trụ của Anh kém cạnh tranh.
Anh đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại toàn diện và tự do nhất có thể với EU thời hậu Brexit. Hiện các cuộc đàm phán về Brexit vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết, bao gồm nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU.
Trước đó, hôm 10/11, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã ra tối hậu thư yêu cầu Anh trong hai tuần phải có các nhượng bộ về thỏa thuận "ly hôn" nếu muốn bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán song phương trong tháng 12 tới. Theo ông, việc Anh tăng đề nghị chi trả cho "hóa đơn rời EU" - mà các quan chức cấp cao EU đưa ra ở mức 60 tỷ Euro (tương đương 70 tỷ USD), có ý nghĩa "sống còn" trong đàm phán giữa hai bên.