📞

Anh đối mặt với nhiều thách thức kinh tế hậu Brexit

11:31 | 23/11/2016
Trước thềm cuộc họp của Hạ viện Anh nhằm công bố báo cáo mùa Thu, giới chức Anh thừa nhận nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới việc Anh rời EU (Brexit).

Các chuyên gia cũng nhận định, kinh tế Anh sẽ tiếp tục đứng trước khó khăn khi tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit vấp phải những trở ngại.

Đối mặt với sự sụt giảm mạnh

Ngày 21/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã thừa nhận rằng, chính phủ nước này đang đối mặt với những thách thức rõ rệt liên quan tới Brexit, đồng thời nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị tài chính đầy đủ để đối phó với những thách thức kinh tế trong một vài năm tới khi Anh chính thức ra khỏi "mái nhà chung".

Trả lời phỏng vấn báo giới trước khi công bố báo cáo mùa Thu tại Hạ viện vào hôm nay (23/11), Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ Anh là duy trì sự tín nhiệm và tính bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ công vẫn ở mức lớn. Ông Hammond cho biết, báo cáo mùa Thu sẽ tập trung đề cập đến cách thức để nước Anh có thể nắm bắt được những cơ hội cũng như đối phó với những thách thức trước khi rời EU.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: The Telegraph)

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày, ông Hammond một lần nữa bác bỏ lời kêu gọi của Công đảng liên quan việc cắt giảm phúc lợi trị giá 12 tỷ Bảng Anh (14,9 tỷ USD) mà người tiền nhiệm George Osborne đã công bố.

Hiện các nhà bình luận chính trị hy vọng báo cáo nói trên của Bộ trưởng Hammond sẽ có câu trả lời về việc kinh tế Anh phải đối mặt với lỗ hổng tài chính ước tính lên tới 100 tỷ Bảng Anh (123,43 tỷ USD) sau khi người dân nước này lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua. Những kế hoạch khác được chờ đợi công bố trong đợt này là việc đầu tư 1,3 tỷ Bảng Anh (1,6 tỷ USD) cho dự án nâng cấp đường sá ở Anh và việc dỡ bỏ đề xuất tăng thuế nhiên liệu ô tô. Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Hammond sẽ hủy bỏ kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho người thu nhập thấp và những người không có việc làm.

Trước đó, ngày 15/11, Phòng Thương mại Anh (BCC) dự báo kinh tế Anh sẽ đạt 1,8% trong năm 2016, giảm so với mức dự báo trước đó là 2,2% và 1% vào năm 2017, giảm so với dự báo trước đó là 2,3%. BCC cũng cho biết, dự kiến đầu tư kinh doanh giảm còn 2,2% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017, sụt giảm mạnh so với ước tính trước đó là 4,5%. BCC khẳng định, việc Anh quyết định rời khỏi EU sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng, đồng thời lưu ý rằng, chi tiêu tiêu dùng cũng có xu hướng giảm.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Anh trong năm 2016, từ 2% xuống 1,7% và trong năm 2017, từ 2% xuống còn 1%, do kế hoạch phát triển kinh tế của nước này chưa rõ ràng cũng như do những phản ứng tiêu cực từ nền kinh tế sau cuộc trưng cầu ý dân.

Viễn cảnh khó khăn

Trước những thách thức đối với nền kinh tế, các ngân hàng đầu tư lớn và các cơ quan nghiên cứu độc lập về kinh tế của Anh đều cho rằng xứ sở sương mù sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế trong một thời gian dài. Theo đó, sức mua và việc làm sẽ sa sút trong 12 tháng tới. Tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô cũng được dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong năm 2017 và 2018 khi nước Anh tiến hành đàm phán về mối quan hệ mới với các quốc gia thành viên trong EU.

Một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh, Chủ tịch tập đoàn CK Hutchison Holdings, Li Ka-shing nhận định nước Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn về kinh tế và thị trường tiền tệ trong 2 đến 3 năm tới. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế châu Âu và thế giới.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, trong tương lai, diễn biến của nền kinh tế Anh sẽ phụ thuộc vào những sự kiện chính trị. Chính phủ Anh cho biết sẽ không thể tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với EU về vụ "ly dị" này trong năm 2016. Như vậy là tương lai của nước Anh sẽ tiếp tục bấp bênh. Điều này sẽ khiến các hộ gia đình và các công ty có thể trì hoãn các quyết định chi tiêu và đầu tư cho tới khi có triển vọng rõ ràng hơn về quan hệ Anh - EU. Và, quá trình đưa Anh ra khỏi EU có thể phải đến cuối năm 2019 mới được hoàn tất, do ảnh hưởng của một số yếu tố.

Ngày 2/10 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nhằm bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi EU vào đầu năm 2017, và kết thúc vào khoảng đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc kích hoạt Điều 50 có thể sẽ bị trì hoãn tới tận mùa thu năm 2017. Lý do là Tòa án Tối cao Anh đã đưa ra phán quyết cho rằng Chính phủ Anh không thể khởi động quá trình đàm phán rời khỏi EU mà cần phải có sự thông qua của Quốc hội. Thêm vào đó, các Bộ cũng chưa tuyển được đủ số lượng chuyên gia cần thiết để phục vụ cho kế hoạch này và nội dung đàm phán cũng chưa xây dựng được lộ trình cụ thể.

Thủ tướng May hiện đã thành lập Bộ phụ trách các cuộc đàm phán Brexit tuy nhiên Bộ trưởng David Davis cũng mới chỉ tuyển dụng được khoảng 50% số nhân viên cần thiết để giúp cơ quan này hoạt động theo kế hoạch. Một cơ quan mới thành lập khác là Bộ Ngoại thương do Bộ trưởng Liam Fox đứng đầu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn các chuyên gia về đàm phán bởi trên thực tế sau nhiều thập kỷ là thành viên của EU, mọi quá trình đàm phán đều do các chuyên gia của liên minh thực hiện nên hiện ở Anh chỉ có rất ít các chuyên gia đàm phán có kinh nghiệm.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (vào tháng 4 -5/2017) và cuộc bầu cử Quốc hội Đức (dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10/2017) cũng sẽ gây những cản trở nhất định đối với tiến độ đàm phán.

Như vậy, Anh sẽ vẫn là thành viên đầy đủ của EU ít nhất là cho tới năm 2019. Tuy nhiên, khi Anh và EU còn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về quan hệ song phương, sự bất ổn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế của cả hai bên mà đặc biệt là nước Anh.

(theo The Telegraph)