Anh hùng còn chi là thành quả từ quá trình tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những bài thơ chưa từng được biết đến của Nguyễn Huy Thiệp, một số truyện ngắn đã xuất bản nhưng vì lẽ nào đó bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá theo dấu mốc cuộc đời nhà văn.
Bìa sách ‘Anh hùng còn chi’. (Nguồn: Nhã Nam) |
Tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn:… Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi.
Tác phẩm được chia làm ba phần: Tác phẩm - gồm những bài thơ chưa công bố của tác giả, các truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, kịch bản phim truyện; Ký họa trên gốm; Tư liệu ảnh về Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ.
Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ, và tập thơ đầu tiên trong cuốn sách này, “Những vần thơ chua xót”, nhà văn đã hoàn thành lúc 27 tuổi. Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật ký, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng.
Tập thơ thứ hai được chọn lựa từ những vần thơ nhà văn viết sau khi lâm bệnh nặng để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ cho đầu óc tỉnh táo.
Trong ba truyện ngắn được chọn lựa đưa vào tập sách, có Cô My và Vết trượt là hai tác phẩm được sáng tác cùng thời gian với Tướng về hưu, và Những bài hát là tác phẩm được viết giữa giai đoạn “cập thời vũ” gây náo động văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp.
Cuốn sách cũng giới thiệu hai kịch bản phim do chính ông viết là Tướng về hưu (hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm thành phim cùng tên năm 1988) và “Không còn vua”, viết xong năm 2002.
Những bài tiểu luận, tạp văn phần lớn lần đầu được in của Nguyễn Huy Thiệp cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương.
Về các tác phẩm ký họa trên gốm, thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp thích vẽ và đã từng theo học vẽ và minh họa báo, nhưng ông vẽ nhiều và thường xuyên nhất là ký họa trên gốm.
Trong các bức ký họa gốm ở phần hai cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh gia đình, văn nhân, bạn hữu thân sơ và những cá tính văn chương lớn mà nhà văn yêu thích như Puskin, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Hoài, Lê Lựu…
Ông cũng vẽ lại bìa, nhân vật trong tác phẩm của mình nhân các dịp đặc biệt. Ông vẽ chăm chút, cẩn thận và đã vẽ hàng trăm ký họa gốm như thế.
Phần ba của cuốn sách bao gồm những bức ảnh chụp nhà văn tại những dấu mốc quan trọng trong đời, những sự kiện văn chương ông tham dự và gặp gỡ.
Bạn đọc sẽ được thấy hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp từ khi còn dạy học ở Sơn La, khi ông khai trương nhà hàng Hoa Ban, khi ông nhận giải thưởng tại Italy, tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam… và ảnh ông chụp chung với gia đình, các nhà văn, bạn hữu văn chương như Nguyễn Khải, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy…
Những trang tư liệu trong ‘Anh hùng còn chi’. (Nguồn: Nhã Nam) |
Những trang cuối của cuốn sách có ảnh chụp một số bản thảo viết tay, đánh máy các sáng tác của nhà văn, một số bút tích, thư từ và ảnh chụp bản viết/vẽ tay một số bài thơ đã được đưa vào tập di cảo này.
Và bạn cũng sẽ nhìn thấy ở cuốn sách này đôi ba bài “vần vè”, những nét “hí hoáy” cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp khi lâm trọng bệnh. Tất cả những việc “thường” ấy, trước hay sau, đều vận vào danh vị nhà văn của ông như một lẽ thường mà ông chẳng thoái thác hay làm quan trọng hóa.
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là nhà văn nổi bật nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác ở đa dạng thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn học đến kịch, kịch bản phim... nhưng để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn với Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần… Các truyện ngắn của ông đã được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới, giúp nhà văn nhận được những giải thưởng cao quý như Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino, Italy (2008), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2022). |