📞

Anh - Iran và Vùng Vịnh: Lực bất tòng tâm

Dịch Dung 20:43 | 24/07/2019
TGVN. Khủng hoảng tại Vùng Vịnh. Bài toán khó với Anh là không thể không trả đũa Iran nhưng không dám leo thang căng thẳng, càng không thể gây chiến với Iran. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Anh - Iran và Vùng Vịnh: Lực bất tòng tâm. Tranh biếm họa của João Fazenda. (Nguồn: The New Yorker)

Ở trước tình thế phải tự tìm biện pháp đối phó Iran, phía Anh xem ra mới sực tỉnh thấy rằng khả năng và ưu thế của mình thật rất hạn chế. Nhu cầu ấy lại trở nên cấp thiết đối với phía Anh vào thời điểm xem ra không thể không còn thuận lợi hơn được nữa.

Thế khó của nước Anh

Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh lựa chọn chủ tịch mới cho đảng này và đồng thời là thủ tướng mới cho nước Anh. Không phải bà Theresa May hay ông Jeremy Hunt mà cựu thị trưởng thủ đô London và cựu bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson mới là người có tiếng nói quyết định. Người này còn phải thành lập chính phủ mới, còn phải bố trí bộ máy nhân sự, còn phải tìm cách duy trì đa số mong manh của phe cầm quyền trong quốc hội.

Phía Anh biết rằng, phải đối phó Iran sau khi phía Tehran bắt giữ con tàu Stena Impero của Anh ở Vùng Vịnh, nhưng bế tắc ý tưởng về phải đối phó như thế nào, đơn giản vì gần như chẳng có con chủ bài đắc dụng nào có thể phát huy công dụng đối phó Iran giúp phía Anh đạt được mục tiêu đề ra.

Bài toán khó đối với phía Anh ở chỗ, chính phủ Anh không thể không trả đũa Iran nhưng không dám leo thang căng thẳng và đối địch với Iran, càng không thể gây chiến tranh với Iran. Nước Anh không giàu về tiền của như Mỹ, không hùng mạnh về quân sự, đặc biệt về hải quân như Mỹ, không có sự bố trí chiến lược và triển khai quân đội sẵn sàng ứng chiến ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Vùng Vịnh như Mỹ, lại còn không thể dễ dàng tập hợp được đồng minh và đối tác để "tiền hô hậu ủng" như Mỹ ở khu vực này. Vậy mà Mỹ vẫn còn phải chủ ý tránh để xảy ra đụng độ quân sự và chiến tranh trực diện với Iran. Nước Anh đã từng là cường quốc thế giới trên biển. Nhưng cái thời oanh liệt ấy đã qua từ rất lâu rồi và xem ra chẳng bao giờ có thể trở lại được nữa đối với nước Anh.

Mỹ dùng sách lược "gia tăng áp lực tối đa" để khuất phục Iran và hiện tin rằng, bây giờ thì chưa nhưng rồi sẽ đến lúc Iran sẽ phải nhượng bộ Mỹ. Anh lại gần như không có gì để gây áp lực được đối với Iran. Chính phủ Anh dẫu có áp dụng biện pháp trừng phạt nào đối với Iran thì cũng làm sao bằng mức độ quyết liệt và phạm vi rộng rãi của những biện pháp trừng phạt Iran mà Mỹ đã áp dụng đến nay. Anh cũng không thể hối thúc EU gia tăng mức độ trừng phạt Iran bởi EU hiện còn có lợi ích với việc thuyết phục Iran không từ bỏ giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA).

Anh không thể áp dụng biện pháp phong toả tài sản của Iran bởi phía Iran đâu có tài sản đáng kể gì ở Anh để nước này có thể phong toả. Mức độ quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Anh và Iran vẫn còn rất khiêm nhường nên ngừng trệ mối quan hệ hợp tác này cũng đâu có ảnh hưởng tiêu cực gì nhiều đối với Iran. Nước Anh không phải là điểm đến quan trọng đối với Iran nên cả khi áp dụng những kiểu biện pháp như hạn chế nhập cảnh cho quan chức Iran thì cũng chỉ hữu danh vô thực.

Mọi thứ đã khác xưa

Iran hiện tại không như Argentina thời phía Anh tiến hành cuộc chiến tranh ở quần đảo Malvinas/Falklands trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đụng độ quân sự mà xảy ra giữa Anh và Iran ở Vùng Vịnh thì chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào và một khi không chắc chắn được hoàn toàn là sẽ giành về phần thắng thì chắc chắn phía Anh sẽ không dám chơi cuộc chơi đối địch quân sự với Iran.

Anh vốn luôn như hình và bóng với Mỹ trong mọi chuyện xưa nay ở khu vực này. Nhưng phía Mỹ đã thể hiện thái độ rất rõ ràng là Anh phải tự lo liệu giải quyết chuyện của Anh với Iran. Mối quan hệ đặc biệt truyền thống giữa Mỹ và Anh xem ra đã dừng lại ở giới hạn là Mỹ sẽ không vì Anh mà để thêm gay cấn và thù địch với Iran.

Thực trạng hiện tại của phía Anh trong chuyện này đúng như câu "Lực bất tòng tâm".

Ý tưởng về dùng hải quân hộ tống tàu thuyền đi qua Vùng Vịnh, đặc biệt qua Eo biển Hormuz là của Mỹ và Mỹ đang xúc tiến vận động các nước tham gia. Nhưng Mỹ không sẵn sàng dùng hải quân Mỹ bảo vệ cho tàu thuyền của Anh. Mục đích của Mỹ là tận dụng cái danh và cái uy của liên kết này để cảnh báo và răn đe Iran chứ không phải để rồi tàu chiến áp tải tàu hàng trên thực tế. Mỹ không có nhiều tàu chở dầu và thừa hiểu rằng, Iran sẽ chủ ý hết sức tránh làm chuyện gì đó với tàu thuyền của Mỹ.

Tiến thoái lưỡng nan

Vì thế, phía Anh mới phải đưa ra sáng kiến là dùng EU để thay thế Mỹ. Sáng kiến này được Pháp hăng hái tham gia bởi tổng thống nước này Emmanuel Macron phát hiện thấy ở đấy cơ hội cho nước Pháp gây dựng vai trò chính trị quân sự và an ninh thế giới cũng như dẫn dắt EU, nổi trội hơn hẳn nước Đức.

Một vài thành viên EU khác ngỏ ý tham gia hay xem xét thì chủ yếu bởi muốn dây dưa chút ít để được ăn phần như Italy, Hà Lan, Thuỵ Điển hay Đan Mạch. Dù Anh có thành công chút ít với sáng kiến này thì đấy cũng không thể là giải pháp lâu dài bởi EU nói chung và mấy thành viên kia cùng Anh, thậm chí ngay đến cả Mỹ nữa, cũng không thể có đủ khả năng tài chính cho việc duy trì dài dài biện pháp này.

Nước Anh đã tự đẩy mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại trong quan hệ với Iran. Nhưng đấy là sản phẩm của chính phủ của bà May chứ không phải là mưu tính của ông Johnson. Người này chưa chính thức nhậm chức đã thừa hưởng thách thức này. Ở ông Johnson, người Anh và EU biết rõ chủ ý về giải pháp cho việc nước Anh ra khỏi EU, nhưng hiện hoàn toàn chưa được như thế về ông Johnson sẽ dẫn dắt nước Anh vượt qua thách thức này như thế nào.

Dịch Dung