Thủ tướng Anh Theresa May đã khởi xướng kế hoạch trên từ tháng 1/2017, tức là 7 tháng sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, trong đó áp dụng cách tiếp cận can dự vào hoạt động kinh doanh, vốn từ lâu bị những người tiền nhiệm lãng quên kể từ thời cố Thủ tướng Margaret Thatcher những năm 80 của thế kỷ trước.
Một nhà máy ở London, Anh. (Nguồn: CAD Jewellery Skills) |
Bốn lĩnh vực mà Chính phủ hướng tới gồm: khoa học đời sống, xây dựng, trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp ôtô. Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu MSD (tên gọi Merck &Co tại Mỹ) đã cam kết một khoản đầu tư lớn từ trước khi Anh công bố chiến lược trên.
MSD cho biết sẽ thiết lập một cơ sở nghiên cứu phát minh khoa học phục vụ đời sống hiện đại nhất tại London (Anh) vào năm 2020, tập trung vào các nghiên cứu sinh học và các hoạt động cải thiện, đổi mới trong doanh nghiệp.
Giám đốc nghiên cứu MSD Roger M. Perlmutter cho biết, cơ sở mới này sẽ dựa trên nền tảng phát minh đã có và sẽ là một đóng góp quan trọng cho cộng đồng khoa học, phục vụ đời sống đang phát triển nhanh chóng và sôi nổi ở London, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này của châu Âu tham gia hơn nữa.
MSD có ý định lập ra 150 trung tâm nghiên cứu mới và đang cân nhắc các địa điểm trong khu vực London.
Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark cho biết, Anh có các trường đại học và viện nghiên cứu nằm trong số những trường tốt nhất thế giới, cũng như các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất bằng phương pháp tiên tiến, đến dịch vụ tài chính, khoa học phục vụ đời sống và các ngành công nghiệp sáng tạo.
Theo ông Clark, bất cứ chiến lược nghiêm túc nào cũng cần tập trung giải quyết các điểm yếu ngăn cản nước này phát triển tiềm năng và tăng cường sức mạnh. Ông khẳng định Chiến lược Công nghiệp mới làm được điều này.
Bộ trưởng Clark đánh giá sản lượng của Anh chưa thực sự tốt, làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Các cơ quan dự báo ngân sách của Anh tuần trước đã phải giảm dự báo tăng trưởng trong 5 năm tới, chủ yếu vì giảm sản lượng, yếu tố được coi như "gót chân Achilles" của nền kinh tế kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông Clark cho biết, Chiến lược Công nghiệp mới sẽ củng cố cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư kinh doanh như một nỗ lực nhằm cải thiện sản lượng.
Brexit vẫn là nỗi quan ngại lớn nhất của các công ty Anh và công ty đa quốc gia đang hoạt động tại nước này. Các doanh nghiệp chỉ còn ít tháng để đưa ra các quyết định đầu tư trong tương lai, vì vậy họ rất mong chờ thông tin rõ ràng về việc Brexit sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với EU đang tiến triển rất chậm.