Tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu là một bài toán khó chưa có lời giải. (Nguồn: Reuters) |
Nước Anh sẽ đối mặt với tình trạng thiếu thốn nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men nếu London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không kèm thỏa thuận. Đây là một phần nội dung trong tài liệu dự báo của Văn phòng Nội các Anh về những hậu quả mà "cơn địa chấn Brexit cứng" có thể gây ra.
Trong văn bản này, giới chức Anh nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do thủ tục hải quan đình trệ gây tắc biên tại các cửa khẩu hàng hóa giữa Anh và Pháp - nơi 85% xe ô tô chở hàng nhập khẩu của London đi qua. Khoảng thời gian "ách tắc" có thể kéo dài tới 3 tháng. Nguyên nhân sâu sa của vấn đề là bắt nguồn từ chính điều khoản biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland bởi các kế hoạch hiện thời của Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn hoạt động kiểm tra hải quan sẽ không có tác dụng.
Theo Sunday Times, văn bản này được coi là sự đánh giá toàn diện nhất về sự sẵn sàng của Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Nước Anh đang trên trên đà rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp và lâm vào tình thế mâu thuẫn với EU khi Thủ tướng Boris Johnson kiên quyết đưa London rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu vào ngày 31/10 tới cho dù không có thỏa thuận nếu EU vẫn không tái đàm phán về thỏa thuận "ly hôn".
Trong khi đó, EU khẳng định lập trường sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà khối này và người tiền nhiệm của tân Thủ tướng Johnson, bà Theresa May đã đạt được hồi tháng 11/2018. Hiện ông Johnson đang đối mặt sức ép nặng nề từ các chính trị gia nhằm ngăn chặn Brexit hỗn loạn. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tuần qua tuyên bố sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Johnson vào đầu tháng 9 nhằm tìm cách trì hoãn Brexit với mục tiêu sau cùng là đạt được Brexit có thỏa thuận. Cùng với đó, những người phản đối "Brexit cứng" cho rằng kịch bản này sẽ là một thảm họa đối với nước Anh, gây tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến thị trừng tài chính chao đảo và làm suy vị thế trung tâm tài chính thế giới của London.
Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng "Brexit cứng" có thể gây ra kinh tế đình đốn trong ngắn hạn, song kinh tế Anh sau đó sẽ nhanh chóng hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn.