Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt của công ty VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Năm 2022, Đức mua hàng tỷ mét khối khí đốt để lấp đầy kho dự trữ nhưng hiện tại chính phủ phải đối mặt với hậu quả tài chính khi mua với giá cao và giờ phải bán với giá thấp hơn. Để bù đắp khoản lỗ và trang trải chi phí dự trữ liên quan, Đức tính thuế bổ sung đối với các nước láng giềng khi mua khí đốt từ kho lưu trữ của nước này.
Khi mức thuế này tăng lên 1,86 Euro/MWh khí đốt, các nước láng giềng phía Đông của Đức đã phàn nàn rằng, mức phí cao hơn khiến việc chuyển đổi khỏi khí đốt Moscow trở nên tốn kém hơn.
Vấn đề đã được giải quyết tại cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 3 và EC đã phản ứng một cách thận trọng, nhưng tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.
Hiện tại, Vienna tiếp tục gây sức ép với Berlin.
Ông Othmas Karas nêu trong khiếu nại: “Tôi tin rằng, việc Đức thu thuế khí đốt không chỉ trái với luật pháp EU mà còn mâu thuẫn với một trong những nguyên tắc cơ bản của khối.
Khiếu nại này là để EC đánh giá rõ ràng xem liệu thuế khí đốt của Đức có tuân thủ luật pháp EU và các quy tắc của thị trường nội bộ hay không và những biện pháp nào có thể được thực hiện để ngăn chặn tác động tiêu cực hơn nữa gây bất lợi cho Áo".
Phó Chủ tịch EPP nhấn mạnh: “Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2023, khoản thuế khí đốt này của Đức đã khiến chúng tôi tiêu tốn khoảng 39 triệu Euro”.
Áo - quốc gia đã ký kết các hợp đồng khí đốt với Nga đến năm 2040 - đang gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn cung.
Năm 2024 - hơn hai năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, hơn 95% khí đốt của Vienna vẫn đến từ Moscow. Theo Vienna, Berlin có một phần trách nhiệm.
Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cho biết: “Thuế của Đức không những không giúp ích gì mà còn khiến việc đa dạng hóa khỏi khí đốt Nga trở nên đắt đỏ hơn”.