📞

Áp dụng công nghệ vào giảng dạy và học tiếng Anh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên trong thời đại AI

Triều Dương 10:52 | 19/09/2024
Công nghệ có thể cung cấp những công cụ đo lường nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) cùng Công ty TNHH DOL English, ngày 19/9 tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: UEF)

Ngày 18/9, Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH DOL English, hướng đến mục tiêu giúp sinh viên của trường đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra (IELTS quốc tế từ 5.5 trở lên) thuận lợi, hiệu quả.

Theo các nội dung hợp tác, DOL English sẽ cung cấp chương trình giảng dạy, luyện thi IELTS chất lượng cao cho sinh viên theo học tại trường; Bố trí giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp; Cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho người học; Đảm bảo chất lượng đầu ra cho người học theo cam kết; Cung cấp nền tảng công nghệ để các bên cùng quản lý số lượng người học đăng ký học chương trình IELTS.

TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng Đại học UEF cho biết: "là người đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy TP. Hồ Chí Minh và phụ trách mảng quốc tế, tôi từng có cơ hội tham quan và nghiên cứu nhiều mô hình đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học trên thế giới. Một điều tôi nhận thấy là, ngay cả những đại học danh tiếng cũng không nhất thiết phải tự thực hiện toàn bộ quá trình đào tạo tiếng Anh cơ bản hay luyện thi cho sinh viên.

Nếu có, họ thường chỉ có các khoa chuyên sâu về ngôn ngữ, đào tạo các chuyên ngành như cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ ngôn ngữ Anh, chuyên ngành phiên dịch, sư phạm, thương mại... Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học hàng đầu thường tập trung vào chuyên môn chính và hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên nếu cần".

TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc cho rằng, công nghệ có thể cung cấp những công cụ đo lường nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Công nghệ giúp việc thu thập dữ liệu trở nên tự động, đồng thời mang lại kết quả đo lường có độ tin cậy cao hơn, tạo ra nền tảng vững chắc cho việc ra quyết định trong quá trình giảng dạy và học tập. Chính vì vậy việc hợp tác cùng doanh nghiệp bên ngoài càng trở nên cần thiết.

Còn theo ThS. Lê Đình Lực, CEO của DOL English, thực tế, có hai lợi ích lớn đến từ phương pháp học tiếng Anh thông qua công nghệ, một cho học viên và một cho giáo viên.

Đầu tiên, đối với học viên, nếu các đơn vị giảng dạy tiếng Anh có thể số hóa toàn bộ nội dung học tập, tạo ra trải nghiệm mượt mà, giao diện đẹp mắt và nội dung chất lượng cao phục vụ cho việc học, học viên sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian tự học tại nhà. Với việc có sẵn đáp án và lời giải thích chi tiết, học viên có thể học và hoàn thành bài tập bất kỳ lúc nào, ngay cả vào những giờ khuya như 1-2 giờ sáng mà không cần đợi đến lớp để hỏi giáo viên.

Điều này giúp quá trình học trở nên nhanh chóng, tiện lợi và linh hoạt hơn, đồng thời giúp học viên chủ động hơn trong việc phát triển kỹ năng và kiến thức. Niềm đam mê học tập cũng vì thế mà tăng lên, từ đó nâng cao hiệu quả học tập rõ rệt.

Thứ hai, về phía giáo viên, khi học viên đã hoàn thành bài tập trên nền tảng công nghệ, giáo viên có thể dễ dàng theo dõi quá trình học của học viên, biết được họ đang gặp khó khăn ở đâu. Khi dữ liệu đầu vào đầy đủ và chính xác, việc hỗ trợ và điều chỉnh phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng trở nên dễ dàng và hợp lý hơn, bởi quyết định được đưa ra dựa trên thông tin thực tế từ quá trình học tập của học viên.

Đây chính là hai ưu điểm nổi bật của việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy và học tiếng Anh.

"Hiện nay, việc sử dụng tiếng Anh với chứng chỉ IELTS và khả năng thực sự vận dụng tiếng Anh trong môi trường học tập – từ việc đọc tài liệu nước ngoài, phát biểu trong lớp, đến viết luận – là vô cùng quan trọng đối với sinh viên đại học. Với mục tiêu này, việc hợp tác giữa nhà trường và một đơn vị giảng dạy tiếng Anh uy tín, có ứng dụng công nghệ, là điều hết sức cần thiết", ông Lê Đình Lực cho hay.