Bốn nguồn tin thị trường cho biết, dầu thô Urals chất lượng hàng đầu của Nga đã được bán giảm giá sâu hơn trong tháng này sau “đòn tấn công” liên tiếp từ châu Âu nhắm vào nguồn tài chính chủ lực, mà Mỹ và phương Tây tin rằng, đó là nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Áp giá trần dầu Nga: Moscow đã có sẵn 'đường lui', thà bán dầu lỗ chứ quyết không nhượng bộ phương Tây? Ảnh: Tàu chở hàng ở Vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Chấp nhận bán 'lỗ'?
Lệnh cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga từ ngày 5/12 của Liên minh châu Âu đã khiến Moscow phải tìm kiếm các thị trường thay thế, chủ yếu ở châu Á, với khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày.
Nga tuyên bố, họ sẽ không tuân theo mức giá trần này ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, các đòn tấn công từ phương Tây đã dồn các nhà sản xuất Nga vào thế khó, không chỉ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau mà với cả các nhà cung cấp từ châu Á, châu Âu và Trung Đông, kể cả chấp nhận bán hạ giá.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, Ấn Độ đã trở thành cửa ngõ chính cho các chuyến hàng vận chuyển dầu Urals bằng đường biển. Đối với một số giao dịch trong tháng này, giá của dầu Urals tại các cảng Ấn Độ, bao gồm bảo hiểm và giao hàng bằng tàu, đã giảm xuống khoảng 12-15 USD/thùng, so với mức trung bình hàng tháng của dầu Brent, giảm từ 5-8 USD mỗi thùng vào tháng 10 và tiếp tục giảm 10-11 USD vào tháng 11.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, việc giảm giá được áp dụng trong một số trường hợp, thậm chí có khách hàng đã được mua dưới giá thành sản xuất chung (bao gồm thuế).
Áp lực đối với các nhà sản xuất càng gia tăng hơn nữa tại các cảng phía Tây của Nga vì tình trạng thiếu tàu chuyên dụng, phù hợp với thời tiết mùa Đông ở Nga. Vấn đề này đã làm tăng chi phí vận chuyển, mà người bán có thể phải “gánh” thêm, tùy thuộc vào các điều khoản đã thỏa thuận.
Giá cước vận tải đã tăng lên từ 11 - 19 USD/thùng so với mức dưới 3 USD/thùng như hồi trước tháng 2 và cao gần gấp đôi so với thời điểm giữa năm.
Theo tính toán của Reuters, chiết khấu đối với dầu Urals tại các cảng phía Tây của Nga để xuất bán cho Ấn Độ theo một số thỏa thuận đã tăng lên 32-35 USD/thùng, khi giá chưa bao gồm phí vận chuyển.
Hiện giá tiêu chuẩn của dầu Brent nằm ở khoảng dưới 80 USD/ thùng vào đầu tháng 12. Trong khi chi phí ước tính của dầu mỏ Nga từ các nhà sản xuất, bao gồm chi phí khai thác, thuế và vận chuyển tới các cảng xuất khẩu vào khoảng 15-45 USD/thùng, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin cho biết vào năm ngoái.
Các thương nhân cho biết, các nhà cung cấp dầu của Nga đang cố gắng tự vận chuyển dầu đến Ấn Độ bằng tàu của họ và các đối tác vận chuyển, điều này có thể làm giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất dầu vẫn phải dựa vào các công ty thương mại, có nghĩa là họ sẽ phải chia sẻ bất kỳ khoản lợi nhuận nào họ có.
Ấn Độ là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai ở châu Á. So với Trung Quốc, Ấn Độ có vị trí tốt hơn để mua dầu Urals của Nga, vì tuyến đường vận chuyển ngắn hơn và các nhà máy lọc dầu của nước này rất phù hợp để chế biến dầu Nga.
Ngoài ra, New Delhi cũng là đối tác công nhận các con tàu và bảo hiểm do các thực thể Nga cung cấp, vốn không còn được công nhận ở châu Âu.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, nguồn cung dầu Urals cho Ấn Độ trong tháng 11 đã tăng lên ít nhất 3,7 triệu tấn và đạt mức kỷ lục 53,2% tổng lượng hàng nhập khẩu thông qua các cảng biển vào tháng trước.
Tháng 11, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ, thay thế Iraq, theo dữ liệu thu được từ các nguồn thương mại. Trong khi, nguồn tin từ một nhà máy lọc dầu Ấn Độ cho biết: "Thị trường tràn ngập Urals. Nhiều thương nhân đang chuyển sang cung cấp dầu Urals cho cả các đợt giao hàng tháng 12 và tháng 1/2023.
Đối mặt với sức ép tài chính lớn
Giới quan sát bình luận, mức giá trần 60 USD/thùng đe dọa tiềm lực tài chính dài hạn của Nga. Lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu của Nga có thể không ảnh hưởng tức thời đến nguồn thu của nước này. Nhưng về lâu dài, "đòn" mạnh này sẽ tạo thêm sức ép về tài chính với Nga, đe dọa ngành dầu mỏ vốn đã phải chịu nhiều sức ép từ đòn cấm vận, co hẹp tiềm lực tài chính dài hạn trang trải cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Mức giá trần 60 USD/thùng được đánh giá là nằm trong khoảng giới hạn của hai biểu giá then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Nga. 60 USD cao hơn mức chi phí sản xuất là 40 USD/thùng, tức là Nga vẫn có thể thu lợi từ xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng giới phân tích cũng nhìn nhận, 60 USD/thùng thấp hơn nhiều so với mức giá cân bằng tài khóa của Nga, được xác định ở ngưỡng 70 USD/thùng.
Vậy nên, ngay cả khi dầu thô xuất khẩu ở mức giá trần, doanh thu của Nga sẽ thiếu hụt, không đủ để chi trả mọi chi phí và khiến thâm hụt ngân sách bị nới rộng. Theo Liam Peach, chuyên gia kinh tế cao cấp chuyên về các thị trường đang nổi tại Capital Economist, chi tiêu công tại Nga sẽ chịu sức ép và ngân sách sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt, buộc chính phủ phải duy trì chính sách tài khóa chặt.
Đòn trừng phạt giá trần này cũng giáng mạnh vào ngành năng lượng vốn được coi là xương sống của kinh tế Nga nhưng đang chịu sức ép lớn từ phương Tây, khiến việc tiếp cận vốn và nhập khẩu công nghệ chủ chốt gặp khó khăn.
Bất chấp việc Nga dịch chuyển dòng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, giới phân tích và quan chức Nga đều cho rằng, sản lượng khai thác của Nga sẽ giảm. Không chỉ khách hàng EU - gần đây vẫn là nhà nhập khẩu dầu Nga lớn nhất, đã cấm nhập khẩu, các hãng tàu vận chuyển đã thực sự gặp khó khăn trong việc mua bảo hiểm.
Trước thời điểm phương Tây đạt đồng thuận về áp giá trần, chính phủ Nga đã lên kế hoạch chấp nhận thâm hụt ngân sách trong 3 năm tới, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng quỹ ngoại biên để bù đắp sự thiếu hụt này. Nga đã tăng chi tiêu trong năm 2022 để hỗ trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine và thúc đẩy nền kinh tế. Tổng chi ngân sách đã tăng 17%, lên mức 29.000 tỷ Ruble (khoảng 460 tỷ USD).
Theo bà Elina Ribakova - Phó trưởng nhóm phân tích kinh tế tại Viện Tài chính quốc tế (IIF, Mỹ), giá trần có thể đẩy thâm hụt ngân sách của Nga lên mức 3,1% GDP trong năm 2023, thay vì mức 2% GDP như tính toán trước đó.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng sản lượng dầu thô khai thác của Nga sẽ giảm khoảng 1,4 triệu thùng trong năm 2023, khi ngày càng nhiều khách hàng "quay lưng" với nguồn năng lượng này từ Nga. Thực tế này làm trầm trọng thêm những vấn đề mà ngành năng lượng Nga phải gánh chịu do trừng phạt và cùng với đó là làn sóng các công ty năng lượng phương Tây rút khỏi Nga.
Jason Bush, chuyên gia phân tích cao cấp tại hãng tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định, nếu Nga không thể bán toàn bộ sản lượng khai thác, sẽ không còn động lực đối đối với đầu tư vào ngành dầu mỏ nhằm mở các mỏ và tăng thêm sản lượng. Nếu không mở các mỏ mới, sản lượng dầu thô của Nga sẽ tiếp tục giảm, bởi khả năng khai thác tại các giếng cũ cũng đã giảm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định rằng, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vào châu Âu và mức giá trần 60 USD/thùng dầu Nga đang đưa thị trường dầu mỏ thế giới vào một tình huống chưa từng có và rất khó xác định được các hệ lụy.