TIN LIÊN QUAN | |
Chuẩn bị khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 | |
APEC hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm |
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chính phủ Canada tổ chức.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu tập trung vào việc chia sẻ kiến thức của các tổ chức đào tạo doanh nhân trẻ, chuyên gia đứng đầu các vườn ươm và doanh nghiệp đã được ươm tạo, nhà đầu tư trong khu vực khởi nghiệp và MSME.
Toàn cảnh hội thảo |
Nhân tố thúc đẩy sáng tạo
Theo các chuyên gia, các MSME và khởi nghiệp là nhân tố thúc đẩy sáng tạo và phát triển mạnh mẽ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vị trí quan trọng trong việc định hình một nền thương mại mới. Trong bối cảnh ngày càng nhiều các quỹ đầu tư phi truyền thống đầu tư vào các công ty sáng tạo đã mang tới nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức và thúc đẩy ý tưởng mới, thay đổi để tạo hệ sinh thái sáng tạo lớn hơn mà các MSME đang thực hiện.
Thống kê của APEC từ nhiều nguồn cho thấy, trong khu vực APEC có khoảng 110 triệu MSME, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra việc làm cho 54% dân số. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng khá lớn, chiếm 4% giá trị gia tăng trong GDP của khu vực APEC cũng như 23,4% việc làm.
Riêng nền kinh tế chủ nhà Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp MSME đăng ký thành lập. Trong 2 tháng đầu năm 2017, đã có khoảng 14.500 MSME mới được thành lập, với vốn đăng ký là 6,7 tỷ USD. Các MSME Việt Nam đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm.
Nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Việt Nam cho rằng, mặc dù, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng các MSME hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó tiếp cận với nguồn tài chính, thị trường. Trong hơn 20 năm qua, các cuộc họp của APEC đều tập trung bàn dến việc làm thế nào để nâng cao năng lực của các MSME trong việc tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Dũng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các MSME trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng đã có nhiều khuyến nghị được đưa ra. Trong đó, các khuyến nghị tập trung thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử, số hóa thương mại trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng sự tiếp cận tài chính của doanh nghiệp; loại bỏ những rào cản cản trở doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam tại Hội nghị ABAC III, ngày 25/7 |
Quan trọng hơn cả, Chính phủ phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho các MSME phát triển, nhất là về mặt giảm thủ tục hành chính, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Kết quả nghiên cứu của Nhóm Công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa của APEC cũng cho thấy, để thúc đẩy các MSME phát triển, cần cải thiện việc tiếp cận tài chính và cấp vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh doanh; tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ để các doanh nghiệp này giảm bớt những gánh nặng về thủ tục và quy định; đồng thời khuyến khích các nền kinh tế đơn giản hóa và đồng bộ hóa các quy định và thủ tục hành chính.
Tại Việt Nam, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đã được ban hành trong thời gian gần đây, tạo ra một xu hướng phát triển mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn chung về tiếp cận tài chính, thị trường... Một khảo sát thuộc Chương trình Đối tác, Thúc đẩy doanh nghiệp APEC – Canada mới đây cho thấy, việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp MSME Việt Nam còn khá hạn chế, nhất là ở khâu bản quyền, công nghệ xanh/sạch, công nghệ tài chính.
Điểm sáng của hoạt động khởi nghiệp Việt Nam được cho là có sự tham gia của nhiều người trẻ có tâm huyết và ham học hỏi. Qua thời gian làm việc và tiếp xúc với một số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, bà Vilupti Lok Barrineau, Giám đốc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (Canada) cho rằng, có rất nhiều cơ hội để khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhiều người Việt trẻ rất nhiệt huyết và hào hứng trong việc tự mở kinh doanh riêng và làm chủ cuộc sống của họ. Họ cũng rất cởi mở trong việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trong APEC.
“Chúng tôi rất hào hứng khi là nhà tài trợ vững mạnh cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Canada rất mong muốn tăng cường mối quan hệ hơn nữa với Việt Nam thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Vilupti Lok Barrineau nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các nhà đầu tư đưa ra lời khuyên cho khởi nghiệp và MSME trong việc gọi vốn đầu tư. Đây được xem là cơ hội để các MSME tiếp cận thông tin, loại bỏ những rào cản, từng bước xâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hội thảo này cũng cung cấp những hiểu biết mới cho các Bộ trưởng và các cơ quan đại diện tìm cách thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong khu vực APEC.
Thúc đẩy những bước chuẩn bị cuối cùng cho Tuần lễ cấp cao APEC Theo Trợ lý Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017 Đỗ Hùng Việt, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM ... |
29/8: Khai mạc Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC Các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM 3) đã kết thúc với hoạt động ... |
APEC và bước tiến dài của Việt Nam Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban Thư ký APEC 2006 Lê Công Phụng cho rằng thông qua APEC, Việt Nam ... |