📞

APEC 2017: Việt Nam thể hiện đúng tinh thần của nền kinh tế chủ nhà

15:15 | 09/10/2017
Những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam liên quan tới các hoạt động của doanh nghiệp tại năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên, thể hiện đúng vai trò, tinh thần của nền kinh tế chủ nhà.

Đó là nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch CEO Summit 2017 tại buổi họp báo về các sự kiện của doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 được tổ chức sáng 9/10, tại Hà Nội.

Những sáng kiến của Việt Nam được ủng hộ cao

Tại buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc đã cập nhật tình hình chuẩn bị tổ chức các sự kiện do VCCI chủ trì liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao năm APEC 2017 vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch CEO Summit 2017 tại buổi họp báo sáng 9/10, tại Hà Nội. (Ảnh: NH)

Theo đó, bên cạnh hội nghị thường niên mang tính “truyền thống” của APEC là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit – ngày 8 -10/11), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề: Việt Nam đối tác kinh doanh tin cậy để tận dụng cơ hội, quảng bá xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Theo đại diện VCCI, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam sẽ là hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư và hợp tác quốc tế lớn nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên. Bên lề hội nghị, lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có triển lãm lớn về xúc tiến thương mại và đầu tư của 63 tỉnh, thành phố cùng hội tụ tại Đà Nẵng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam quảng bá và xúc tiến đầu tư.

Ông Lộc cũng cho biết, Hội nghị sẽ tập trung giới thiệu Việt Nam là đất nước đang đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững và là điểm đến thân thiện với doanh nghiệp. Trong đó, hội nghị sẽ triển khai các phiên thảo luận theo các chuyên đề: Nông nghiệp bền vững và thông minh, Tài chính cho phát triển; Y tế và Giáo dục; Cơ sở hạ tầng; Đặc khu kinh tế; Khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo.

“Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và phát biểu khai mạc. Đây là lần đầu tiên có một nền kinh tế thành viên APEC đề xuất tổ chức hội nghị này và đã được các thành viên khác đồng thuận, ủng hộ và đánh giá cao”, ông Lộc nhấn mạnh.

Về APEC CEO Summit 2017, ông Lộc cho biết, hội nghị với chủ đề: Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai sẽ do Chủ tịch Nước chủ trì và phát biểu.

APEC CEO Summit 2017 tập trung vào những chủ điểm chính như: Tương lai của toàn cầu hóa; Phát triển Nông thôn, donah nghiệp Nhỏ và Vừa, Khởi nghiệp; Phát triển tài nguyên bền vững và hiệu quả; Kinh tế Kỹ thuật số; Những vấn đề mới của Thương mại; Chuỗi giá trị toàn cầu; Công việc trong tương lai; Hội nhập khu vực – Kinh nghiệm của ASEAN; Tầm nhìn APEC sau 2020.

Dự kiến, APEC CEO Summit 2017 sẽ có sự tham gia của 1.200 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC với các diễn giả là các lãnh đạo APEC, CEO của các tập đoàn toàn cầu, học giả và chuyên gia.

Các Hội nghị của Doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017

- Từ 4 - 6/11: Kỳ họp ABAC lần 4

- Ngày 7/11: Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam

- Từ 8-10/11: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit) Ngày 10/11: Đối thoại giữa ABAC và Lãnh đạo APEC

Ông Lộc đánh giá, đây sẽ là cuộc hội ngộ của những người có quyền lực nhất trong khu vực, bao gồm những nhà lãnh đạo đất nước và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn để bàn về tương lai, về hướng đi của khu vực.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, Chủ tịch VCCI cũng thông báo về việc Việt Nam đã thực hiện thành công 2 sáng kiến về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong APEC và được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao. Đó là: Đề xuất về việc thành lập Mạng lưới khởi nghiệp APEC, đưa khu vực APEC thực sự trở thành vườn ươm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và Tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC, phát động phong trào phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội.

20 kiến nghị của ABAC đã “chạm” đến các vấn đề của doanh nghiệp

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Quốc tế cũng đã thông báo kết quả kỳ họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC lần 3 (ABAC 3) tại Canada tháng 7 vừa qua và các 20 kiến nghị của ABAC lên Bộ trưởng Thương mại APEC.

Theo đó, với phương châm cởi mở, bao trùm và sáng tạo, ABAC đã xây dựng Báo cáo 2017 và đưa ra các kiến nghị hướng tới một khu vực APEC mở cửa hơn và hội nhập hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, mang lại lợi ích cho tất cả cộng đồng.

Trong 20 kiến nghị của ABAC gửi tới các nhà lãnh đạo APEC, có 6 kiến nghị liên quan đến hội nhập là: Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; Thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); Tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; Xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; Thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; Xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: NH)

Về Kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người, có 4 kiến nghị: Ủng hộ chương trình kết nối APEC; Nâng cao kết nối kỹ thuật số và Internet; Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động có tay nghề và xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vào thị trường toàn cầu thông qua kinh tế số và thương mại điện tử.

Về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp MSME và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, có 10 kiến nghị, bao gồm: Đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo; Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính; Tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; Đẩy mạnh tính bao trùm trong kinh tế, tài chính và xã hội; Đảm bảo an ninh lương thực; Tăng cường an ninh năng lượng; Thúc đẩy tăng trưởng xanh; Đẩy mạnh tính bao trùm trong phát triển ngành khai khoáng; Xây dựng đội ngũ lao động có sức khỏe tốt; Tăng cường hợp tác công - tư về phát triển thị trường tài chính.

Đánh giá về điều này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, 20 kiến nghị của ABAC đã “chạm” đến những vấn đề của doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế APEC đang phải đổi mặt. Ngoài ra, điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chương trình nghị sự về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch ABAC Quốc tế cho biết, ABAC đánh giá cao năm APEC Việt Nam 2017 và hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho công đồng doanh nghiệp khu vực hướng tới phát triển bền vững đổi mới và bao trùm cho cộng đồng APEC.