📞

APEC giải quyết nguy cơ do bệnh lý tâm thần

10:12 | 14/04/2016
Nhóm 21 nền kinh tế APEC đang ngày càng có nhiều tiến bộ trong công tác giải quyết nguy cơ toàn cầu do các bệnh lý tâm thần.
Các vấn đề tâm thần đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với môi trường sống và làm việc của cộng đồng. (Nguồn: Philipino Times)

Trên thế giới hiện nay có hơn 450 triệu người mắc chứng rối loạn tâm thần hoặc thần kinh, một phần tư trong số đó gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Điều này có nghĩa là các vấn đề tâm thần đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với môi trường sống và làm việc của cộng đồng. Về mặt kinh tế, tác động trực tiếp và gián tiếp của các bệnh tâm thần dự kiến sẽ tăng từ 2.500 tỷ USD trong năm 2010 lên 6.000 USD tỷ trong năm 2030 - chiếm một nửa tổng chi phí toàn cầu tiêu tốn cho các bệnh mãn tính.

Tháng 4/2016, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn APEC Alan Bollard, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đã nhóm họp tại trụ sở WB tại Washington D.C (Mỹ). Những người đứng đầu các tổ chức hàng đầu thế giới đã kêu gọi toàn thế giới giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần (mental wellness) trở thành ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy phát triển toàn cầu.

APEC "làm mọi cách"

Ông Bollard nhấn mạnh: "Châu Á -Thái Bình Dương là nơi có khoảng 3 tỷ người và chiếm phần lớn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu". Do đó, ông khẳng định, chăm sóc sức khỏe tinh thần là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với APEC. Và đây cũng là lý do để APEC xây dựng Lộ trình Nâng cao Sức khỏe Tinh thần trong một châu Á - Thái Bình Dương Khỏe mạnh (RPMW-HAP), nhằm thúc đẩy công tác nâng cao sức khỏe tổng thể của cộng đồng cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực".

Năm 2015, APEC tiến hành sáng kiến quan trọng - Trung tâm Kỹ thuật số (Digital Hubs) APEC, nhằm tạo ra một loạt các công cụ kỹ thuật số giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tâm thần cũng như hỗ trợ các bệnh nhân phục hồi. "APEC rõ ràng đang làm mọi cách mà các quốc gia và tổ chức có thể để ngăn chặn tác động ngày càng tăng của bệnh tâm thần", Chủ tịch nhóm kế hoạch Diễn đàn Đổi mới Khoa học Đời sống APEC Maureen Goodenow nói.

Theo bà Goodenow, APEC trong nhiều năm qua đã nỗ lực cải thiện sức khỏe tinh thần cộng đồng bằng cách nâng cao môi trường làm việc và dân sinh. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, loại bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội là ưu tiên hàng đầu. Lý giải cho ưu tiên này, bà nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chú ý vào các lĩnh vực ưu tiên phổ biến thông qua đánh giá nhu cầu chiến lược của các nền kinh tế thành viên và thể chế hàng đầu khu vực".

Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bàn tròn Sức khỏe Tâm thần APEC 2015 tại Philippines. (Nguồn: Bộ Y Tế Việt Nam)

"Chưa từng có"

Giám đốc điều hành chương trình Trung tâm Kỹ thuật số APEC Raymond Lam nói: "Chưa bao giờ khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một nền tảng cấp khu vực giúp tạo thuận lợi cho tiến trình hợp tác liên chính phủ, giữa hai lĩnh vực công - tư, để nâng cao sức khỏe tâm thần trong môi trường kinh tế đa dạng như vậy". Ông Raymond nhấn mạnh rằng thành tựu này là "chưa từng có".

Hiện Trung tâm Kỹ thuật số được thành lập chính thức tại Đại học British Columbia (Canada) với một trong những cơ quan tham gia hội đồng quản lý là tổ chức Nghiên cứu Rối loạn Tâm lý Xã hội (MDS) Canada và Đại học Alberta (Canada). Điều này đồng nghĩa với việc Nội các mới của Canada lần đầu tiên có cơ hội nâng cao vị thế lãnh đạo của mình trong APEC. "Đây là một bước tiến tuyệt vời đối với vai trò lãnh đạo của Canada trong APEC để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Giám đốc điều hành tổ chức Nghiên cứu Rối loạn Tâm lý Xã hội Canada Phil Upshall nhận định. Ông Upshall gọi đây là "cơ hội lịch sử" để giúp đỡ các công dân trong khu vực cũng như giúp họ cảm nhận được nhiều lợi ích thiết thực mà mối quan hệ hợp tác tương trợ quốc tế mang lại.

Hợp tác công - tư

Trong số các mạng lưới liên kết cấp độ khu vực và toàn cầu được xây dựng nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và thực hiện chính sách đảm bảo sức khỏe tâm lý, chương trình Trung tâm Kỹ thuật số APEC mở ra cơ hội hợp tác liên chính phủ với các cơ sở tư nhân trong lĩnh vực này. Tính đến nay đã có hơn 100 cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức hàn lâm tham gia mạng lưới mới của APEC.

"Chúng tôi tự hào khi trở thành một đối tác hỗ trợ Trung tâm Kỹ thuật số APEC thông qua Chương trình Tâm lý Khỏe mạnh (HMP)", Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Jasssen (Bỉ) Kris Sterkens nói. Theo ông, thách thức to lớn của công tác giảm thiểu tác hại từ bệnh lý tâm thần là đòi hỏi sự hợp tác cởi mở và hiệu quả từ tất cả các tổ chức liên quan. "Không một tổ chức đơn nhất nào có thể tự giải quyết vấn nạn này", ông Sterkens khẳng định.

(Theo APEC Bulletin)