Những hoài nghi về toàn cầu hóa
AMM diễn ra trong hai ngày ngày 17-18/11 tại thủ đô Lima của Peru quy tụ Bộ trưởng Thương mại và Ngoại giao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Mục tiêu của hội nghị là nhằm cải thiện năng lực thích nghi với quá trình toàn cầu hóa và tái định hình chính sách thương mại của APEC trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm và sự hoài nghi về toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã hoàn thiện một loạt sáng kiến hợp tác mới với chủ đề tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, trong đó ưu tiên thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để cải thiện việc làm và mức sống, tăng cường giao thương thực phẩm trong khu vực, hiện đại hóa các doanh nghiệp vừa/nhỏ và phát triển nguồn nhân lực.
Hội nghị Bộ trưởng APEC (AMM) quy tụ các Bộ trưởng Thương mại và Ngoại giao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. (Nguồn: APEC News) |
"Chúng ta cũng thấy điều gì đang diễn ra trên thế giới bây giờ rồi đấy. Đó là tình trạng chống toàn cầu hóa, điều mà chúng ta đang phải đối mặt. Liệu chúng ta có nên xây dựng tiến trình hội nhập? Phải chăng toàn cầu hóa chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn chứ không phải cho chúng ta?”, Phó Tổng thống thứ hai của Peru Mercedes Araoz nhấn mạnh.
Theo bà Mercedes Araoz, điều quan trọng nhất là mọi người đều được hưởng lợi vì đó mục tiêu chung của APEC. Đồng thời, bà Mercedes Araoz cũng kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC cùng chung tay xây dựng một lộ trình toàn cầu hóa, chủ động kiến tạo luật chơi nhưng không phá vỡ những mục tiêu cốt lõi của APEC.
Chủ động trước mọi thách thức
Đồng quan điểm này, Ngoại trưởng Peru Ricardo Luna cho rằng APEC cần có nhận thức rõ ràng về những thách thức có thể gặp phải trong thời gian tới, bao gồm sự bất ổn, suy thoái kinh tế, suy thoái môi trường, sự xuất hiện của xu hướng bảo hộ, bất bình đẳng và sự thay đổi đột ngột trong các thỏa thuận địa kinh tế và địa chính trị .
“Những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta cần phải vượt qua những thách thức này và tiếp tục hợp tác với nhau để giảm thiểu ảnh hưởng và thậm chí là giúp cho nền kinh tế của chúng ta mạnh mẽ, bền bỉ hơn”, ông Ricardo Luna kêu gọi.
Theo Ngoại trưởng Peru, APEC cần phải dựa vào thế mạnh của mình và tái khẳng định tầm quan trọng của tự do thương mại và đầu tư, đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường hợp tác kỹ thuật và kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn.
Bày tỏ quan điểm chủ động trước những hoài nghi về toàn cầu hóa, Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros đã đưa ra ý tưởng mới: "Xét bối cảnh toàn cầu hiện nay, chúng ta nên thiết lập một hình mẫu về thương mại cho thế giới thông qua tiến hành các sáng kiến và hành động để đạt được những mục tiêu cốt lõi của APEC về thương mại”.
Theo ông Ferreyros, trong năm tới, APEC cần triển khai nghiên cứu, xem xét về một thỏa thuận tự do thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm tất cả 21 nền kinh tế APEC. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực thi các thỏa thuận lớn trong khu vực này.
"Chúng ta đều hiểu rằng những thách thức phía trước là rất lớn nhưng chúng ta có thể tin tưởng nếu tiếp tục nỗ lực cho tự do hóa thương mại, chúng ta sẽ thu được lợi ích cao hơn và tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế của mình. Cụ thể là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và thiết lập các tiêu chuẩn sống cao hơn cho người dân", Bộ trưởng Ferreyros kết luận.
Gần đây, nhiều sự kiện như Brexit hay tỷ phú theo chủ nghĩa dân tuý Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến tương lai của kinh tế thế giới cũng như tiến trình hội nhập trở nên khó dự báo. Diễn ra trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao APEC và nhiều hội nghị bên lề ở Peru có nhiều nội dung xoay quanh chủ đề này.