Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa của cuộc họp lần này và sự tham dự của đoàn Việt Nam?
AMM Retreat là Hội nghị cấp Bộ trưởng rất quan trọng, đầu tiên trong năm 2017 do Philippines làm Chủ tịch ASEAN luân phiên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị này và sẽ trao đổi với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN một số nội dung quan trọng liên quan đến triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 28 và 29 (năm 2016), mang tính định hướng trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2017, đồng thời thảo luận về quan hệ đối ngoại của ASEAN và tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Trong vai trò chủ nhà, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte, tuy mới được thành lập hơn nửa năm, đã nhiều lần khẳng định đây là dịp để Philippines tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực và của tổ chức ASEAN, cùng các quốc gia thành viên và đối tác thúc đẩy thực hiện các mục tiêu nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025, duy trì vai trò nòng cốt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực và các vấn đề thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Philippines Lý Quốc Tuấn (ảnh) trả lời phỏng vấn TG&VN trước thềm Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM Retreat) diễn ra tại Philippines từ ngày 19/2 - 21/2. |
Nhận xét của Đại sứ về sự chuẩn bị của Philippines cho năm Chủ tịch ASEAN?
Năm 2017 là năm kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của ASEAN, cũng là lúc nhìn lại hai năm hình thành Cộng đồng ASEAN và 10 năm ký Hiến chương ASEAN. Do vậy, vai trò Chủ tịch ASEAN của Philippines càng quan trọng và rất ý nghĩa.
Nước chủ nhà Philippines sẽ tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh vào các tháng 4 và 11/2017, sẽ tổ chức 15 cuộc họp cấp Bộ trưởng, 30 cuộc họp cấp quan chức cao cấp (SOM) và hơn 60 cuộc họp cấp nhóm làm việc. Thành công và kết quả của các hội nghị cấp cao, hội nghị cấp Bộ trưởng và các hội nghị liên quan trong năm ASEAN 2017 không chỉ thể hiện vai trò nước Chủ tịch, năng lực tổ chức, điều phối của chủ nhà, mà còn phản ánh sự trưởng thành và vị thế vững mạnh của ASEAN - với sự rộng mở về liên kết, độc lập tự chủ trong các quyết sách và giữ vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác, đưa ASEAN tiếp tục trở thành đối tác không thể thiếu của các quốc gia, tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc.
Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm chào đón sự kiện ASEAN tròn 50 tuổi sẽ được tổ chức vào tháng 8, nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và nhân Ngày thành lập ASEAN (ngày 8/8). Bên cạnh đó, một lễ kỷ niệm đặc biệt cũng sẽ được tổ chức vào tháng 11, dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Về cơ bản, công tác chuẩn bị của Philippines cho ASEAN 2017 rất khẩn trương và chu đáo. Các cuộc họp không chỉ diễn ra tại thủ đô Manila mà sẽ được tổ chức tại nhiều thành phố lớn khác của Philippines. Đây cũng là cơ hội để Philippines thể hiện hình ảnh nước chủ nhà năng động, phát triển trong mắt bạn bè quốc tế. Chính phủ Philippines đặc biệt coi trọng việc đảm bảo an ninh cho các cuộc họp và các đoàn đại biểu tham dự nên đã dự kiến dành 1/3 tổng chi phí tổ chức cho công tác này.
Chính phủ Philippines đã thành lập Ủy ban tổ chức Quốc gia (NOC) về ASEAN 2017 với sự tham gia của nhiều quan chức có kinh nghiệm của Phủ Tổng thống, lãnh đạo Bộ, ngành và những chuyên gia trong vấn đề nội dung, hậu cần, lễ tân đối ngoại… nhằm đảm bảo cho năm ASEAN 2017 thành công. Bản thân Philippines đã từng tổ chức thành công nhiều hoạt động ngoại giao đa phương, đăng cai các hoạt động lớn có tầm cỡ khu vực và quốc tế, trong đó gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào năm 2015. Với sự nhiệt tình, lòng hiếu khách và tác phong chuyên nghiệp trong điều hành, tổ chức, tôi tin tưởng Philippines sẽ hoàn thành tốt trọng trách của nước chủ nhà ASEAN năm 2017.
Đại sứ đánh giá thế nào về chủ đề của năm cũng như sáu ưu tiên kèm theo? Nhiều người cho rằng Philippines cần là “đầu tàu” đưa ASEAN vào một giai đoạn phát triển mới?
Với Chủ đề của năm ASEAN 2017: “Đối tác cho sự thay đổi, hội nhập với thế giới” và sáu ưu tiên kèm theo, Philippines thể hiện cam kết đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025, hướng tới duy trì một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, xây dựng vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Đồng thời, với việc nhấn mạnh “yếu tố con người là trung tâm” của ASEAN, Philippines hy vọng sẽ tiếp tục cùng các quốc gia thành viên khác tạo điều kiện thuận lợi nhất để các công dân ASEAN có thể có một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Có thể thấy, những chủ đề ưu tiên do Chính phủ Philippines đề ra cho năm 2017 nhận được sự ủng hộ cơ bản của các nước thành viên, bởi đấy cũng là quan tâm chung của các nước ASEAN. Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chính phủ Philippines tỏ rõ quyết tâm xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN, giúp họ tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển, bắt kịp với nền kinh tế điện tử toàn cầu. Đối với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Philippines chú trọng yếu tố con người và sức khỏe con người, những người yếu thế trong xã hội, kêu gọi hợp tác giữa các quốc gia thành viên, hiện thực hóa một ASEAN không có tệ nạn ma túy; tăng cường khả năng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh các biện pháp xóa đói giảm nghèo; hợp tác đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, cùng các nguy cơ phi truyền thống khác mà khu vực đang gặp phải.
Đại sứ có thể chia sẻ sự phối hợp của Việt Nam và Philippines trong các vấn đề của ASEAN để xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột?
Những năm qua, nhất là từ cuối năm 2015 đến nay, cùng với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương Việt Nam - Philippines đã có những bước phát triển mạnh. Việt Nam và Philippines đều là hai thành viên tích cực trong khối ASEAN, có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự phát triển, hòa bình, an ninh khu vực. Trong mọi thời điểm, Việt Nam và Philippines luôn giữ được cơ chế hợp tác ổn định, dựa trên nền tảng tin cậy chính trị và định hướng đúng đắn của lãnh đạo cấp cao, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và vì lợi ích chung của ASEAN và cả cộng đồng.
Về trụ cột an ninh - chính trị, Chính phủ hai nước luôn đề cao việc xây dựng một khu vực năng động, gắn kết, hoà bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bè bạn và các bên đối tác trong một thế giới toàn cầu hóa, đan xen về lợi ích và phụ thuộc lẫn nhau. Việt Nam và Philippines đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực; tự do hàng hải và hàng không; giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khẳng định tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Về trụ cột kinh tế, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đang trên đà phát triển, trong đó, Việt Nam là một đối tác xuất khẩu lớn của Philippines. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2,92 tỷ USD năm 2016. Về văn hóa - xã hội, hai bên duy trì các hoạt động giao lưu, các chương trình nghệ thuật, biểu diễn nhằm tuyên truyền, quảng bá về bản sắc văn hóa và những nét đẹp riêng của mỗi quốc gia, tạo cầu nối về tinh thần, tăng cường hiểu biết sâu hơn giữa nhân dân hai nước và giữa các quốc gia ASEAN.
Hai bên đồng thời luôn khẳng định ủng hộ lẫn nhau hoàn thành tốt vai trò chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam. Tôi tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam - Philippines sẽ ngày càng phát triển mạnh, thiết thực và đi vào chiều sâu. Với tư cách là Đối tác chiến lược duy nhất trong ASEAN của Philippines, hai nước sẽ có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm; hỗ trợ tốt cho nhau trong các diễn đàn của khu vực và quốc tế.
“Thành tựu lớn nhất của ASEAN trong 50 năm qua là giữ được môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, không xảy ra xung đột giữa các nước, đồng thời giữ được sự đoàn kết, thống nhất về mặt an ninh, chính trị nội khối. Về khía cạnh kinh tế, nửa thế kỷ qua, Hiệp hội đã tạo ra được sự tăng trưởng tương đối đồng đều, 10 nước thành viên gộp lại đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Về văn hóa xã hội, ASEAN đã tạo ra được sự hài hòa giữa các nước, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên. Hiệp hội xây dựng được tinh thần ASEAN và tiếng nói ASEAN trên trường quốc tế”. (PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) |