📞

ASEAN 2022: 'Con tàu' ASEAN vững vàng vượt thách thức, hình mẫu của thành công

Vy Vy 19:37 | 13/01/2023
ASEAN đã vượt qua một năm đầy thách thức, khẳng định được vai trò trung tâm và cùng các đối tác chứng minh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17 tại Campuchia tháng 11/2022. (Nguồn: TTXVN)

Cùng ứng phó các thách thức chung

Campuchia đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan vào tháng 11/2022, sau một thời gian dài gián đoạn do đại dịch Covid-19. Sự hỗ trợ và giúp đỡ, hợp tác và linh hoạt của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài đã giúp Campuchia chèo lái thành công con tàu ASEAN trong suốt năm 2022 với chủ đề “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”.

Mọi người đều có thể nhất trí rằng 2022 là một năm vô cùng khó khăn, với nhiều vấn đề rất nan giải, tác động đến khu vực và thế giới, cùng lúc với các vấn đề địa chính trị đang nổi lên khác như tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, khủng hoảng Myanmar, căng thẳng leo thang ở Bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan, trong khi chúng ta đang nỗ lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.

Tuy vậy, ASEAN và các đối tác đã thành công trong việc thể hiện cho thế giới thấy rằng chủ nghĩa đa phương là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề toàn cầu.

Tháng 1/2022, Campuchia bắt đầu đảm nhiệm vai trò chủ tịch trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực. Đây là một điểm sáng rất tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Tổng hợp những thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao và hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), hơn 130 văn kiện đã được thông qua và ghi nhận; 7 quốc gia mới gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), nâng số thành viên lên tổng cộng 50; Mỹ và Ấn Độ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN; Brazil và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực; Timor Leste đã được chấp thuận về nguyên tắc để trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN.

Việc Timor Leste được chấp nhận sau hơn một thập kỷ nộp đơn xin gia nhập ASEAN là một thành tựu quan trọng. Trong năm chủ tịch của Campuchia, vấn đề này đã được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN.

ASEAN tiếp tục nối lại quan hệ hợp tác hiệu quả với tất cả 11 đối tác đối thoại. Bên cạnh nhiệm vụ nặng nề là đồng chủ trì nhiều hội nghị cấp cao với các đối tác đối thoại tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen cũng đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng chủ trì thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, lần đầu tiên được tổ chức tại Washington từ ngày 12-13/5/2022. Ngoài ra, ông còn cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đồng chủ trì Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-EU ngày 14/12/2022.

Về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, các cuộc họp đã biểu dương những nỗ lực của Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN (5PC) nhằm giúp Myanmar khôi phục hòa bình, ổn định và trở lại cuộc sống bình thường.

Nỗ lực vì hòa bình, ổn định

Liên quan đến Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Năm ngoái, Campuchia đã tổ chức 2 cuộc họp liên tiếp để đàm phán về COC, lần đầu vào tháng 5 tại Siem Reap và lần sau vào tháng 10 tại Phnom Penh. Các cuộc họp này là lần đầu tiên các cuộc đàm phán thực tế về COC được nối lại sau hai năm gián đoạn vì đại dịch.

Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25, trong đó tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.

Về cạnh tranh giữa các siêu cường, đáng chú ý là ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa, đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Siem Reap. Cuộc gặp được mô tả là “hiệu quả và chuyên nghiệp” và là “một cuộc đối thoại thực chất về giảm rủi ro chiến lược và tăng cường an ninh cho các hoạt động”.

Đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN hoan nghênh mọi sáng kiến từ các đối tác bên ngoài nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về lồng ghép 4 lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Lộ trình ASEAN về Thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trên đây là những ví dụ thực tế về vai trò của ASEAN trong nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Thành công của các hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan dưới sự chủ trì của Campuchia đã góp phần tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; đồng thời ủng hộ tính phù hợp của cơ chế ASEAN trong việc cung cấp một nền tảng mở và toàn diện cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết mối lo ngại chung, các khác biệt và giảm căng thẳng.

Khi năm 2025 đang đến gần, ASEAN cũng cần xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Campuchia đã cùng Malaysia - quốc gia giữ vai trò chỉ đạo thường trực Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) đồng chủ trì 5 cuộc họp của HLTF-ACV. Các cuộc họp đã thông qua khuyến nghị về tăng cường năng lực của ASEAN và hiệu quả của thể chế, đồng thời lưu ý các yếu tố cốt lõi được đề xuất trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, cho phép ASEAN phản ứng nhanh chóng và thích ứng tốt hơn với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ.

(theo khmertimeskh.com)