Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 tại Kuala Lumpur đã đạt được thỏa thuận về phương thức thực hiện RCEP. (Nguồn: AFP) |
Nước Chủ tịch ASEAN - Malaysia tuyên bố, các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được bước tiến lịch sử trong quá trình đàm phán và ASEAN sắp đạt được một thỏa thuận thương mại lớn hàng đầu thế giới.
Mỹ, Australia, Trung Quốc và Ấn Độ đều cử đại diện đến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các hội nghị liên quan lần này. “Chúng tôi hiểu rằng, rất khó và nhiều áp lực để tìm được tiếng nói chung cho khu vực ASEAN và các nước liên quan, nhưng chúng tôi rất quyết tâm hoàn thành hiệp định này để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng và sự thịnh vượng trong khu vực”, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb khẳng định.
Các quốc gia hy vọng có thể kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015, nhưng phía Malaysia cho rằng, phải đến năm 2016 mới có thể hoàn tất RCEP. Với thỏa thuận này, ASEAN và các đối tác đã đồng ý loại bỏ 65% rào cản thuế khi RCEP có hiệu lực. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên đến 80% trong vòng 10 năm tới.
Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed, cuộc họp tiếp theo với Ban đàm phán thương mại sẽ diễn ra ở Busan (Hàn Quốc) vào tháng Mười tới. “Tôi hy vọng, chúng ta sẽ có thể đạt được nhiều kết quả đáng kể hơn nữa như chúng ta đã làm ở Kuala Lumpur”, ông Mohamed nhấn mạnh.
RCEP được sự ủng hộ của Trung Quốc, vốn được xem là “đối thủ” của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng, TPP không xem RCEP như đối thủ cạnh tranh mà RCEP còn có thể phối hợp bổ sung cho TPP. “Không có mâu thuẫn giữa RCEP và TPP. Chúng tôi hoan nghênh cả hai Hiệp định, vì chúng đều thúc đẩy tự do hóa thương mại”, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tuyên bố.
RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do lớn đang được đàm phán bởi 10 nước ASEAN và các đối tác thương mại tự do bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định được hoàn tất sẽ tạo ra một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mở rộng bao gồm 3 tỷ người, với tổng GDP khoảng 17.000 tỷ USD và chiếm 40% tổng thương mại thế giới.
Nếu thỏa thuận đạt được, các quốc gia trong khối RCEP cam kết sẽ tự do hóa gần 100% thương mại. Các chuyên gia nhận định, cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do ba bên Trung - Nhật - Hàn (CJK FTA), cơ chế hợp tác mới này có thể góp phần đẩy nhanh tốc độ của đoàn tàu tự do hóa thương mại đang “giảm tốc” tại châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Huyền Trâm (theo Channel News Asia)