Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19. |
Thế giới như chúng ta biết sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau dịch Covid-19. Đại dịch sẽ được kiểm soát nhưng có thể để lại những dấu ấn đối với lối sống và cách làm việc của con người, cũng như đối với cách thức quản lý của chính phủ các nước.
Khó biết được đầy đủ mức độ của những thách thức phía trước, nhưng chúng ta có thể thấy rõ một số vấn đề trong giai đoạn này. Đối với Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo khu vực này cần chú ý và giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn vượt qua thách thức.
An ninh lương thực và y tế
An ninh lương thực và an ninh y tế sẽ có vị trí ngày càng quan trọng tại tất cả các diễn đàn quốc tế, nơi hình thành các chính sách và kế hoạch hành động, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đối thoại với các đối tác của khu vực, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
An toàn lương thực, công nghệ y tế và khả năng tự cung ứng cũng sẽ là các vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự quốc gia của tất cả các nước thành viên ASEAN.
Các viện nghiên cứu ở ASEAN có thể hợp tác sản xuất vật tư y tế và bộ xét nghiệm... |
Một kết quả khác của dịch Covid-19 là việc thúc đẩy các viện nghiên cứu trong khu vực hợp tác sản xuất trang thiết bị vật tư y tế và bộ xét nghiệm như phòng áp lực âm, tấm che mặt hay khẩu trang.
Nhu cầu từ đại dịch như một chất xúc tác tích cực cho sự nổi lên nhanh chóng các nhà công nghệ địa phương trong những lĩnh vực này cũng như sự cộng tác lớn hơn, chẳng hạn giữa trường y và trường kỹ thuật, giữa viện nghiên cứu và khu vực tư nhân.
Sự thúc đẩy tiến tới hợp tác này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á hiện nay. Bài học then chốt mà các chính phủ có thể rút ra từ cú sốc của việc phong tỏa và các nguồn cung bị gián đoạn là cần tập trung thúc đẩy nền kinh tế trong nước và xây dựng khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực như lương thực và y tế. Mục đích là có thể tránh phải đối mặt với những thiếu hụt trong các cuộc khủng hoảng tương lai.
Mặc dù tâm lý tự bảo vệ mình của mỗi nước là điều có thể hiểu được, nhưng sẽ là khôn ngoan hơn rất nhiều đối với các nước, nếu có thể tăng cường hỗ trợ lẫn nhau để cải thiện an ninh lương thực và y tế.
Ví dụ, Thái Lan và Singapore dồi dào lương thực, với cách quản lý và công nghệ tiên tiến của mình, cần phải chung tay để nâng cao an ninh lương thực và y tế cho cả hai nước lẫn khu vực. Các nước có lợi thế so sánh khác nhau ở ASEAN có thể kết nối và hợp tác theo nhiều cách khác để biến khu vực này thành một trung tâm an ninh lương thực và y tế.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc
Năm 2003, ASEAN phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng lớn về y tế - dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS). Theo sáng kiến của Thủ tướng Singapore khi đó là Goh Chok Tong, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã được triệu tập ở Bangkok, chỉ sau 7 ngày thông báo và chuẩn bị, với sự tham dự của tất cả lãnh đạo 11 nước đi cùng với đại diện chuyên gia y tế của nước mình.
Một quyết định đồng thuận đã được đưa ra để thực hiện một loạt tiêu chuẩn chung về sức khỏe cộng đồng và các biện pháp đồng bộ được áp dụng tại các sân bay, bến cảng và trạm kiểm soát biên giới ở tất cả 11 nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Hội nghị thượng đỉnh này đã đem lại một diễn đàn cực kỳ hữu ích để trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm. Các điểm tiếp xúc đặc biệt tại tất cả 11 nước đã được thiết lập. Chúng ta đã có thể chấm dứt sự bùng phát của dịch bệnh trong vòng 2 đến 3 tháng.
Dịch cúm gia cầm đã tấn công khu vực năm 2003-2004. Bangkok đã triệu tập các cuộc họp của hơn 30 bộ trưởng y tế và nông nghiệp, và các quan chức, cũng như các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế để trao đổi cách làm và đề xuất tốt nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát trong một thời gian ngắn.
Trong hai đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, việc các chính quyền Đông Nam Á bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm của người dân đã góp phần tăng cường chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương.
Các chính phủ khi đó đã nhận thấy rằng việc thực hiện nghĩa vụ đầu tiên của nhà nước là bảo vệ người dân nước mình sẽ không thể thành công nếu không hợp tác với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa chung về sức khỏe cộng đồng.
Điều đáng lưu ý trong dịch bệnh lần này là cho tới giữa tháng 4, mặc dù các bộ trưởng và quan chức y tế các nước thành viên ASEAN đã liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng mỗi nước lại có cách đối phó riêng với dịch bệnh.
Chẳng hạn, một số nước đóng cửa biên giới, một số nước thì không; một số nước phong tỏa các thành phố, một số nước thì không; một số nước cấm đi lại quốc tế, một số nước thì không.
Dịch bệnh Covid-19 không có biên giới, nhưng thay vì thực hiện một cách tiếp cận xuyên biên giới để đối phó với nó thì nhiều nước trên khắp thế giới hiện nay lại tập trung nhiều hơn vào việc tự giải quyết ở trong nước, bên trong các đường biên giới của họ.
Trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc liên quan đến Covid-19, chúng ta đã chứng kiến các nước bên ngoài khu vực đa dạng hóa trang thiết bị và các nguồn cung y tế hay cấm xuất khẩu hàng hóa vì lo ngại thiếu hàng hóa phục vụ người dân nước mình.
Sự hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. |
Mặc dù việc các chính phủ ưu tiên cho lợi ích của người dân và đất nước trong thời điểm khủng hoảng không phải là sai, nhưng thực tế cho thấy sự hợp tác quốc tế bị gạt sang một bên là mối lo ngại lớn, đặc biệt do ảnh hưởng của cách hành xử này đối với thế giới hậu Covid-19.
Về mặt này, chúng ta phải tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là vai trò của chủ nghĩa đa phương, trong cuộc chiến chống đại dịch không biên giới này.
Vai trò của các tổ chức khu vực
Bất chấp sự thất vọng về hợp tác quốc tế trong đại dịch và sự hạn chế vai trò của các thể chế đa phương như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Ngân hàng thế giới (WB) trong việc nhanh chóng tăng cường hợp tác, chúng ta đã bắt đầu thấy sự hợp tác giữa các tổ chức khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đã tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 14/4 để bàn về cách thức tăng cường hợp tác chống Covid-19.
Trong những tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực tương tự trong hợp tác về kinh tế và y tế cộng đồng ở cấp khu vực, giữa các nước thành viên thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).
Các thành viên Hội đồng châu Âu họp trực tuyến về đại dịch Covid-19 ngày 26/3. (Nguồn: AP) |
Chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc tích cực giúp đỡ nhiều nước ở châu Âu và châu Á. Có lẽ các tổ chức khu vực muốn trở thành các thể chế đi đầu trong việc hợp tác toàn cầu. Việc một nước muốn đơn phương giúp đỡ các nước có lẽ sẽ trở thành xu hướng phổ biến.
Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, sẽ có vai trò như thế nào sau khi dịch bệnh giảm bớt? Liệu vai trò lãnh đạo của Mỹ hiện nay có thể giúp nước này trở thành người giữ cân bằng chính trị thế giới hay người giúp đỡ về kinh tế mà các quốc gia có thể tin tưởng?
Liệu Trung Quốc, với những rắc rối nợ của riêng mình, có thể tiếp tục có những trợ giúp kinh tế khổng lồ hay là động cơ cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á và các khu vực khác hay không?
EU có thể đóng vai trò gì, với những rắc rối kinh tế và những vấn đề về hợp tác khu vực của chính khối này?
Trong khi đó, Nga vẫn chưa khẳng định được vai trò quốc tế của mình do tác động của giá dầu giảm và ảnh hưởng của đại dịch.
Với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay, thế giới hậu Covid-19 có thể không phải là thế giới lưỡng cực. Thay vào đó, nó có khả năng là một thế giới đa cực với các tổ chức khu vực trở thành các bên tham gia then chốt.
Trong tương lai, vị trí lãnh đạo có thể được phân chia lại phụ thuộc vào các vấn đề. Một số nước có thể trở thành siêu cường quân sự, một số nước có thể trở thành siêu cường kinh tế, một số nước có thể trở thành siêu cường về công nghệ, và một số nước khác có thể trở thành siêu cường về lương thực và y tế công.
ASEAN cần có chiến lược định vị vai trò của mình trong thế giới hậu Covid-19. (Nguồn: Jakarta Post) |
Không siêu cường nào có thể trở thành một siêu cường trong mọi lĩnh vực. Những lĩnh vực mới như lương thực và y tế, mà các nước sẽ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, có thể bị chi phối bởi các cường quốc khác với các cường quốc trước đây.
Liệu một thế giới đa cực, dựa trên các vấn đề, có thể xác định được cách thức tiến hành các quan hệ quốc tế trong tương lai hay không?
Nếu có, ASEAN sẽ đứng ở đâu trong một thế giới hậu Covid-19 phân mảnh như vậy? ASEAN cần có chiến lược như thế nào trong việc trong việc định ra vai trò của mình trong một thế giới mà an ninh lương thực và y tế ngày càng có vai trò quan trọng?
Lối sống và công việc kinh doanh
Kinh doanh là một lĩnh vực nữa mà thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại như cũ. Với sự phát triển của công nghệ số trong các lĩnh vực như truyền thông và hội nghị, giáo dục, dịch vụ tài chính, y học, lối sống và bán lẻ, kinh doanh gắn với công nghệ sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Du lịch truyền thống, các chiến lược tăng trưởng theo hướng xuất khẩu truyền thống, các ngành công nghiệp chế tạo sản xuất truyền thống và các nhà phân phối hậu cần truyền thống là những bên thua thiệt trong thời kỳ gián đoạn lớn này.
Ví dụ, kinh doanh du lịch chịu thiệt hại khi các công ty chuyển sang hình thức họp trực tuyến. Nhiều ngành công nghiệp đã chuyển sang sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo để vượt qua những thách thức đặt ra do yêu cầu tránh lây nhiễm.
Trong khi không thể phủ nhận những sự thay đổi đang diễn ra này, thách thức lớn nhất đối với chúng ta là xác định được mức độ của những sự thay đổi như vậy. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho chúng ta rất khó thích ứng với những thay đổi sắp tới.
Một lần nữa, các nước Đông Nam Á sẽ phải tự hỏi: Họ sẽ phải chuẩn bị như thế nào để thích ứng với những thay đổi gây gián đoạn về lối sống và phương thức kinh doanh? Phương châm “ASEAN lấy con người làm trung tâm” và ý tưởng “không để ai bị bỏ lại phía sau” được nhắc đến rất nhiều sẽ được thực hiện như thế nào trong thế giới hậu Covid-19?
Nền kinh tế thế giới
Đối với nền kinh tế thế giới, chúng ta đã chứng kiến những gói kích thích lớn cả về tài chính lẫn tiền tệ ở hầu hết các nước, quy mô của các gói kích thích phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi nước.
Chúng ta cũng đã chứng kiến những phản ứng tích cực của các thị trường tài chính đối với các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và các gói kích thích tài chính của các chính phủ tồn tại ngắn đến mức nào khi đương đầu với sự tăng cao về số ca mắc Covid-19.
Các chính phủ cũng đang phải đối mặt với việc tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa chính sách y tế công và chính sách kinh tế. Nếu chính sách về y tế công quá nghiêm ngặt, mối nguy hiểm là những phí tổn đối với người dân và các doanh nghiệp sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, việc thực hiện những nỗ lực để có được sự cân bằng như đã nói không phải là điều dễ dàng.
Trong tương lai, các nước phải vật lộn để duy trì tài trợ cho các biện pháp tài chính và tiền tệ được đưa ra để chống lại dịch bệnh. Tăng thuế là một lựa chọn. Nhưng thách thức là làm thế nào để không làm gia tăng gánh nặng cho người nghèo, những nhóm người chịu thiệt thòi và những người bị mất việc làm trong giai đoạn phong tỏa.
Và điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế thế giới nếu hơn 200 quốc gia và nền kinh tế đang phải đối mặt với cùng những vấn đề rắc rối về tài chính như nhau? Điều gì sẽ xảy ra đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và các hoạt động nghề nghiệp gắn với ngành công nghiệp này nếu nhu cầu đối với nhiên liệu và khí đốt phải mất thời gian dài mới khôi phục được về mức như trước khi xảy ra dịch bệnh?
Dưới tác động của dịch Covid-19, nếu nhu cầu dầu mỏ không bao giờ quay trở lại như cũ thì thế giới sẽ ra sao? |
Hiện đang diễn ra cuộc tranh luận về việc cuộc khủng hoảng Covid-19 này sẽ kéo dài bao lâu và khi nào nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Sự phục hồi sẽ diễn ra theo mô hình chữ U, chữ V hay thậm chí chữ W?
Dù sự phục hồi là hình chữ gì đi chăng nữa thì “trạng thái bình thường mới” là cái mà các nhà tư duy và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cần phải nắm lấy và tìm ra những cách thức để đảm bảo rằng mọi người có thể chuẩn bị tốt hơn cho bản thân trước những biến động và không bị bỏ lại phía sau.
Lời kêu gọi hành động
Những thay đổi trong bức tranh chiến lược quốc tế, cùng với những tác động chính trị, kinh tế và công nghệ, đã làm gia tăng sự cần thiết phải thiết kế lại chiến lược của ASEAN trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng ASEAN cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng để ASEAN đóng vai trò khu vực có ý nghĩa hay thậm chí là vai trò toàn cầu trong một thế giới đa cực, dựa trên nhiều vấn đề.
An ninh lương thực và y tế cần phải là ưu tiên cấp bách trong chương trình nghị sự, và mỗi nước thành viên ASEAN có thể đề xuất cách thức tiềm năng và có lợi thế so sánh để góp phần xây dựng kế hoạch hành động của cộng đồng ASEAN.
ASEAN cũng cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa khu vực, coi đó là cách thức để chống lại dịch Covid-19. Các quốc gia ASEAN đã hợp tác hiệu quả trong các cuộc khủng hoảng trước đó như dịch SARS, dịch cúm gia cầm, bão nhiệt đới năm 2004 và bão lốc xoáy Nargis năm 2008.
Chúng ta không bao giờ có thể bảo vệ hay giúp được người dân của chúng ta một cách hiệu quả nếu mỗi nước hành động một mình. Chúng ta càng yêu quý người dân của chúng ta thì chúng ta càng phải hướng đến sự hợp tác quốc tế.
Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng ASEAN cần lập ra một chương trình để giáo dục người dân về thế giới hậu Covid-19 và cách thức ứng phó và thích nghi với những xáo trộn trong cuộc sống và hoạt động mưu sinh của họ.
Các chính phủ ASEAN cũng cần rất nhiều sự trợ giúp trong lĩnh vực chính phủ điện tử và giáo dục trực tuyến để đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người dân, giúp họ có thể tồn tại trong thế giới hậu Covid-19.
Giờ là lúc cần làm như vậy. Mặc dù vẫn còn khó có thể hình dung thế giới hậu Covid-19 sẽ như thế nào, nhưng cần phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.