Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về An sinh sức khoẻ cho người cao tuổi của năm nước ASEAN, do Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức. Tham gia báo cáo có các nhà nghiên cứu và làm thực tiễn từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam cùng nhiều đại diện của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về già hoá dân số và người cao tuổi Việt Nam.
Xu hướng già hóa dân số
Tại Hội thảo, PGS. TS. Giang Thanh Long (Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chương trình an sinh sức khoẻ cho người cao tuổi ở các nước châu Á nói chung và năm nước ASEAN trong nghiên cứu nói riêng. Dù có mức thu nhập bình quân đầu người khác nhau, các quốc gia này đều đang phải đối diện với xu hướng dân số già hóa nhanh. Bởi vậy, các nước đã và đang xây dựng các chương trình an sinh sức khoẻ cho người cao tuổi. Việc nghiên cứu thực trạng chính sách, chương trình ASXH của mỗi nước tạo ra cơ hội để các nước học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Các diễn giả tham dự Hội thảo. |
Theo các diễn giả, dân số già hoá nhanh gắn liền với việc bệnh tật thay đổi xu hướng chuyển sang các bệnh không lây nhiễm và mãn tính, kéo theo những yêu cầu cấp bách phải thay đổi toàn bộ hệ thống y tế từ nhân lực tới cơ sở hạ tầng… Do vậy, đây là những thách thức không nhỏ đối với ngân sách. Các diễn giả cũng tập trung phân tích các vấn đề an sinh sức khoẻ liên quan tới khả năng tiếp cận, mức độ phù hợp của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khả năng chi trả và sự hài lòng của người cao tuổi đối với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Do có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, mỗi nước lại có những thuận lợi và thách thức khác nhau trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của dân số đang ngày càng già nhanh.
Đề cao giá trị gia đình
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Theresa Devasahayan (Singapore) cho biết, Singapore coi trọng giá trị gia đình nên Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích con cái hoặc người trẻ tuổi chăm sóc người cao tuổi (ví dụ như giảm thuế hoặc hỗ trợ mua nhà đối với những người sống cùng cha mẹ già). Điểm đáng quan tâm nhất là chi phí sinh hoạt ở Singapore quá cao, thậm chí là cao hàng đầu thế giới, việc đảm bảo thu nhập để trang trải các loại phí, trong đó có chi phí chăm sóc sức khoẻ, cho người có thu nhập thấp và không ổn định rất quan trọng.
Đồng quan điểm này, theo PGS. Ling How Kee (Malaysia) chia sẻ, giá trị gia đình ở Malaysia rất được đề cao nên người cao tuổi thường mong muốn được sống với con, cháu. Tuy nhiên, do làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh, cuộc sống của người cao tuổi bị ảnh hưởng. Trong khi đó, PGS. Rossarin Gray (Thái Lan) cho biết, người dân nước này rất coi trọng gia đình. Dù con cái ít sống cùng bố mẹ hơn nhưng mối quan hệ gia đình không bị ảnh hưởng nhiều do họ thường xuyên liên lạc, thăm hỏi nhau.
Chia sẻ về điều kiện của một nước có thu nhập thấp, TS. Hein Thet Ssoe (Myanmar) nói rằng chính phủ nước này cũng khuyến khích con cái sống cùng với bố mẹ cao tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt về lối sống giữa các thế hệ cho thấy ngày càng nhiều người không muốn lựa chọn cuộc sống gia đình nhiều thế hệ. Dù vậy, họ thường sống gần để tiện hỗ trợ bố mẹ già khi cần. Về chính sách an sinh sức khoẻ cho người cao tuổi, Myanmar thực hiện trợ cấp hàng tháng cho tất cả những người từ 90 tuổi trở lên, trong đó có việc khám, chữa bệnh miễn phí.
Nhiều bài học khả thi cho Việt Nam
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đang xử lý với tình trạng dân số ngày càng già hoá. Chẳng hạn, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc cấp bảo hiểm y tế cho toàn dân, đặc biệt là thay đổi hệ thống chăm sóc lão khoa dựa trên cộng đồng. Để giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình trong bối cảnh kinh tế - xã hội có quá nhiều thay đổi, chính sách hỗ trợ tài chính cho người trẻ mua nhà để sống cùng bố mẹ, người già… cũng nên được cân nhắc trong thời gian tới.
Hiện nay, với xu hướng già hoá dân số phát triển, chính phủ Việt Nam không chỉ tập trung vào vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi mà còn nỗ lực cải thiện toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội, nhằm hướng tới một xã hội già hoá thành công – nơi mà mọi người cao tuổi đều có an sinh về thu nhập, về sức khoẻ và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong khu vực với điều kiện văn hoá và xã hội tương đồng là hết sức cần thiết.