Người dân Thái Lan đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại đền Erawan, Bangkok, ngày 17/8. (Nguồn: Apichart Jinakul) |
Ngày 11/9 luôn gợi nhắc người dân ở New York, Mỹ nói riêng và người dân thế giới nói chung về một thảm họa khủng bố, khi tòa tháp đôi tại Trung tâm thương mại New York bị đánh sập trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Hàng nghìn người vô tội đã thiệt mạng, kéo theo đó là sự trì trệ của nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Sau sự kiện nói trên, những cuộc đánh bom đã xuất hiện ở Bali (Indonesia), đầu tiên là vào tháng 12/2002 và sau đó là tháng 10/2005, khiến hàng trăm người thiệt mạng và nền du lịch Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giờ đây, một lần nữa những lo ngại về du lịch Đông Nam Á lại dấy lên khi Thái Lan cũng trở thành mục tiêu của khủng bố.
Sau vụ đánh bom vừa qua tại ngôi đền Erawan, nhiều quốc gia đã ban hành cảnh báo du lịch, nhắc nhở người dân cẩn trọng khi tới Thái Lan. Mặc dù các cuộc điều tra vẫn đang được tiếp hành nhưng các quốc gia Đông Nam Á nên chung tay để cùng bảo vệ ngành du lịch của nước mình và khu vực, bởi du lịch vẫn là nhân tố đóng góp hàng đầu cho nền kinh tế từng nước thành viên ASEAN và nền kinh tế chung của Hiệp hội. Dù cho thế giới có nhiều biến động và mục tiêu khủng bố có thể ở khắp nơi nhưng các nước ASEAN vẫn phải đảm bảo khu vực Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn, đầy tính cạnh tranh.
Do đó, thứ nhất, các nước ASEAN phải nỗ lực xây dựng tính linh hoạt và thích ứng trong hệ thống khách sạn và nhà điều hành tour trong bối cảnh thành phần khách du lịch ngày càng đa dạng. Cơ sở vật chất cho ngành du lịch các nước phải đáp ứng được phong phú nhu cầu của khách như du lịch kèm theo làm việc, hội thảo, triển lãm…
Kèm theo đó, các nước ASEAN cũng cần chú trọng tới các chiến dịch marketing phù hợp. Hiện nay, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng số khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan hàng năm. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên trong thời gian tới nếu nước này áp dụng hiệu quả các chiến dịch marketing cũng như tạo sự an tâm về môi trường an ninh cho du khách.
Thứ hai, các nước ASEAN cũng cần nỗ lực tìm ra nguồn quỹ cho các hoạt động bảo dưỡng địa điểm du lịch hiện tại và kiến thiết những địa điểm mới trong tương lai. Có thể nói, không phải nước nào trong ASEAN cũng có nguồn kinh phí như Singapore để tài trợ cho những điểm du lịch hút khách, Do vậy, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cần kết hợp khéo léo để đưa nền du lịch trong nước và khu vực phát triển.
Giải đua “Công thức 1 Singapore Grand Prix” do Singapore Airlines tài trợ diễn ra tới đây là ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa doan nghiệp nhà nước và tư nhân trong phát triển du lịch quốc đảo sư tử.
Thứ ba, các nước ASEAN phải nhận thức được rằng, chính yếu tố con người và những dịch vụ mà người dân cung cấp đóng vai trò quyết định trong việc thu hút khách du lịch tới ASEAN. Yếu tố con người luôn được khách du lịch đặt lên hàng đầu khi tới thăm một quốc gia nào đó. Song song với đó, các nước ASEAN cũng cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, sự tập trung đào tạo con người cũng quan trọng như xây dựng một cơ sở hạ tầng nòng cốt.
Sau các cuộc khủng bố, Trung tâm thương mại Thế giới đã được tái thiết và mang một diện mạo hoàn toàn khác, các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển tại Bali cũng “sống lại” và thu hút khách du lịch từ Australia, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Cũng như vậy, đền Erawan ở Bangkok đã được tu sửa và tái mở cửa… Ngành du lịch vẫn phải phát triển song song với nguy cơ về khủng bố. Vì vậy, bên cạnh đầu tư phát triển du lịch kiện toàn về yếu tố an ninh, tạo ra những luật lệ, trật tự nghiêm ngặt cũng vô cùng quan trọng.
Mai Thy (theo Bangkok Post)