Cách tiếp cận liên ngành và đa bên là cần thiết để tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ vào các quá trình xây dựng hòa bình và ngăn ngừa, giải quyết xung đột và hậu xung đột. (Nguồn: ASEAN.org) |
Sáng kiến này nhằm thực thi Tuyên bố chung ASEAN về thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2017.
Hơn nữa, việc xây dựng Kế hoạch cũng là một trong những khuyến nghị chính của Nghiên cứu khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh được khởi động vào năm 2021 với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Ekkaphab Phanthavong nhấn mạnh: “Các nguyên tắc cốt lõi của chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh hiện phù hợp hơn so với trước đây".
Đại dịch Covid-19 đã củng cố bài học được rút ra từ các tình huống khủng hoảng khác, theo đó, để tìm kiếm và đạt được các giải pháp bền vững cho các vấn đề xã hội, điều quan trọng là phải dựa trên quan điểm giới để hiểu tác động và tạo ra các phản ứng toàn diện nhằm phục hồi các cộng đồng và các quốc gia.
Trong thời gian qua, Ủy ban phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) đã chủ trì phối hợp thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh trên ba trụ cột Cộng đồng ASEAN và soạn thảo Kế hoạch hành động khu vực trong lĩnh vực này.
Việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực nói trên có sự tham gia, giám sát của nhiều cơ quan ngành ASEAN về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhân quyền, quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo.
Bà Samvada Kheng, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề phụ nữ Campuchia, đầu mối ACW tại Campuchia, đồng thời là Chủ tịch Nhóm cố vấn mở rộng ASEAN về WPS khẳng định: “Cách tiếp cận liên ngành và đa bên là cần thiết để tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ vào các quá trình xây dựng hòa bình và ngăn ngừa, giải quyết xung đột và hậu xung đột".
Cách tiếp cận này cũng phù hợp với các cam kết khu vực và quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tuyên bố chung ASEAN về thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm cố vấn mở rộng ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh được tổ chức vào ngày 28/1 vừa qua, các đại biểu đã chia sẻ thông tin cập nhật và thảo luận về các sáng kiến liên quan đến WPS trong các lĩnh vực của mình.
Cuộc họp cũng cập nhật tiến độ xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh, nhất là phạm vi và khuôn khổ của văn kiện vốn được xây dựng tập trung vào 5 chiến lược chính và các hành động ưu tiên.
Hiện công tác xây dựng Kế hoạch hành động này đang được chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Chương trình đối tác về tối ưu hóa hợp tác khu vực trong các Cộng đồng Chính trị - An ninh, và Văn hóa - Xã hội (ASEAN-USAID PROSPECT), UN Women, Canada và Ban Thư ký ASEAN.
Dự kiến văn kiện này sẽ được đệ trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 vào tháng 11/2022.
| ASEAN ứng phó với những thách thức chưa từng có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng, 2021 là năm ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, ... |
| Tình hình Myanmar: Trung Quốc cảnh báo gia tăng bạo lực, Chủ tịch ASEAN kiến nghị 4 điểm nỗ lực cải thiện tình hình Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân (Zhang Jun) ngày 28/1 cho rằng, thế giới cần nỗ lực tránh để bạo ... |