📞

ASEAN trong năm 2023: 'Sứ mệnh' của Chủ tịch Indonesia và hành trình đầy thử thách

Vy Anh 19:28 | 05/01/2023
Ngày 1/1, Indonesia đã chính thức bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, bắt đầu "sứ mệnh" lèo lái con thuyền ASEAN "vượt mọi cơn sóng" để tiến về phía trước.
Indonesia chính thức bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023. (Nguồn: AFP)

Ý tưởng và kế hoạch "nở rộ"

Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post ngày 3/1, nhà báo kỳ cựu về ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn đã đánh giá về những thách thức đối với Indonesia khi đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023.

Theo ông Kavi Chongkittavorn trong 25 năm qua, bất cứ khi nào Indonesia giữ chức Chủ tịch ASEAN thì những ý tưởng và kế hoạch lại "nở rộ".

Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) là những ví dụ mới nhất về cách thức mà Indonesia thúc đẩy để định hình tương lai của khu vực. ASEAN, dưới vai trò Chủ tịch của Indonesia thường hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả và tính năng động trong việc quản lý công việc của chính mình cũng như quan hệ đối ngoại với tất cả các cường quốc.

Tuy nhiên, lần này, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức mới do những thay đổi địa chính trị và địa kinh tế từ bên trong cũng như bên ngoài.

Tại cuộc họp kín tiếp theo của ASEAN dự kiến vào ngày 3-4/2, Indonesia sẽ phác thảo chương trình nghị sự và các ưu tiên của ASEAN. Sau thành công của việc đăng cai G20, tầm vóc của Tổng thống Indonesia đã tăng lên đáng kể. Các ưu tiên của Chủ tịch ASEAN năm nay có thể được xác định là y tế khu vực và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số, tất cả đều được nhấn mạnh trong suốt năm 2022.

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn nhận định với quy mô của Indonesia, việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế và chuỗi sản xuất không gián đoạn sẽ là điều cần thiết. Với ASEAN, môi trường kinh tế hiện nay tương đối ổn định. Đà này cần phải được duy trì ngay cả khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Indonesia năm nay cũng rất bận rộn trong việc hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 để tìm người kế nhiệm Tổng thống Widodo. Các đảng tranh cử sẽ bắt đầu tìm kiếm các ứng cử viên tổng thống cho chiến dịch tranh cử năm tới. Do đó, Indonesia phải nỗ lực hết sức để củng cố vai trò trong khu vực và duy trì di sản chính trị của Tổng thống đương nhiệm.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng cần phải lưu tâm đến khủng hoảng Myanmar, tình hình Biển Đông, xung đột Nga-Ukraine và bán đảo Triều Tiên. Đối với tình hình Myanmar, trong hai năm qua, ASEAN đã tìm cách thực thi Đồng thuận 5 điểm, vốn đã được thống nhất vào tháng 4/2021.

Theo chuyên gia Kavi Chongkittavorn, Indonesia hy vọng tìm kiếm sự can dự gián tiếp hoặc trực tiếp với các bên xung đột tại Myanmar. Rõ ràng, cần phải tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để khởi động các cuộc đối thoại chính trị toàn diện.

Thách thức đa dạng, đoàn kết là chìa khóa

Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Jakarta, ông Rizal Sukma cũng nhận định tình hình năm 2023 rất khác so với năm 2011 khi Indonesia làm Chủ tịch ASEAN.

Trở lại năm 2011, Chủ tịch ASEAN Indonesia đặt mục tiêu thúc đẩy chương trình nghị sự tiến thêm một bước: Từ xây dựng cộng đồng khu vực sang xây dựng một ASEAN tự tin và gắn kết, đóng vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Hơn nữa, năm 2011 cũng là năm ASEAN sẵn sàng tiến bước sau khi thông qua Hiến chương ASEAN năm 2008. Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia 2011 đã kết thúc với việc thông qua Thỏa thuận Bali III. Vào thời điểm đó, ASEAN đang trên đường thực thi vai trò chủ thể toàn cầu, không chỉ đảm bảo an ninh khu vực mà còn đóng góp vào sự ổn định toàn cầu.

Theo ông Rizal Sukma, ASEAN hiện đang phải đối mặt với một số thách thức và vấn đề lớn trong đó có cả sự thống nhất và vai trò trung tâm. Những thách thức này đòi hỏi ASEAN - với tư cách là một thể chế, bất kể nước nào làm Chủ tịch - phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để điều hướng sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN sẽ tiếp tục vật lộn giữa sự cần thiết duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình, đồng thời không bị lôi kéo chọn phe giữa các nước lớn.

Với tư cách là Chủ tịch, ông Rizal Sukma cho rằng Indonesia phải liên tục nhấn mạnh các lợi ích chiến lược của ASEAN. Trong khi các cường quốc ngoài khu vực có thể muốn thúc đẩy tầm nhìn của riêng họ về một trật tự khu vực, ASEAN cần tiếp tục ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Nhiệm vụ chính của Chủ tịch Indonesia trước thách thức này là đảm bảo việc vận hành AOIP.

Thách thức thứ hai là sự cấp thiết đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu đang xấu đi. Các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã tàn phá nhiều quốc gia, con đường phục hồi sẽ dài và thậm chí khó khăn đối với nhiều nước. Đây là lý do chính giải thích tại sao trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, cũng như trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Jakarta muốn tập trung vào phục hồi kinh tế, thể hiện qua mong muốn đưa ASEAN trở lại thành “tâm điểm của tăng trưởng”.

Thách thức thứ ba là đảm bảo rằng Đông Nam Á vẫn là một khu vực hợp tác hơn là xung đột. Điều này đòi hỏi phải quản lý các điểm nóng tiềm tàng, và quản lý tranh chấp Biển Đông là vấn đề rất quan trọng trong chương trình nghị sự.

Thách thức thứ tư là tiếp tục các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Các mối đe dọa đối với sự phù hợp, sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ gia tăng nếu ASEAN không thể giải quyết được tất cả các thách thức nêu trên. ASEAN nhận thức được vấn đề này và - theo đề nghị của Indonesia - đã bắt đầu xem xét cách thức tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của mình.

Đó không phải là những thách thức dễ giải quyết và tất cả đều có tầm quan trọng như nhau đối với ASEAN. Điều quan trọng là Chủ tịch Indonesia phải đảm bảo rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình không phải là nhiệm kỳ để giải quyết một vấn đề duy nhất.

(theo Bangkok Post)