📞

ASEAN vững niềm tin bước về phía trước

09:30 | 11/08/2016
“Bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tập hợp gồm 10 quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á đã làm được một điều mà nhiều nước trong và ngoài khu vực dù muốn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Trong bài báo nhân dịp kỷ niệm Ngày ASEAN (8/8/2016) đầu tiên sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành (31/12/2015), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đây chính là thời khắc để chúng ta cùng nhìn lại hành trình của Cộng đồng trong gần một năm qua, từ đó có thêm niềm tin tiếp tục vững bước trên chặng đường phía trước.

Gian nan không cản bước tiến

Không ai phủ nhận rằng, thời điểm “khai sinh” ra Cộng đồng ASEAN là lúc giao thời đầy khó khăn, phức tạp. Làn sóng bạo lực cực đoan, khủng bố, xung độ và bất ổn nổi lên không chỉ ở những điểm nóng lâu nay như Trung Đông, châu Phi, Nam Á mà tại cả những khu vực vốn yên bình hơn như châu Âu, châu Mỹ. Bên cạnh đó, các nguy cơ an ninh phi truyền thống và căng thẳng gia tăng gần đây tại Biển Đông khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ xung đột tiềm ẩn…

Thế nhưng, khó khăn, gian nan không làm giảm bước tiến của ASEAN. Trong bức tranh nhiều “màu xám” của thế giới, “Cộng đồng ASEAN đang nổi lên như một điểm sáng khẳng định giá trị trường tồn của hợp tác, đối thoại và hội nhập”, Phó Thủ tướng nhận định.

“Điểm sáng” đó chính là những kết quả thực tiễn mà ASEAN đạt được như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan vừa qua ở Vientiane (Lào). Tại Hội nghị, theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, các nước ASEAN cho rằng dù chỉ hơn nửa năm kể từ khi chính thức thành lập Cộng đồng, ASEAN đã đạt được nhiều tiến độ đề ra.

Cụ thể, ở trụ cột chính trị-an ninh, 140/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể 2025 đang được triển khai hiệu quả, làm nổi bật thế mạnh của ASEAN trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung.

Về kinh tế, trong khi kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2014 giảm 16%, FDI vào ASEAN vẫn tăng đều đặn trong 3 năm từ 2013-2015.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49.

Trên bình diện văn hóa - xã hội, với phương châm “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”, lợi ích của Cộng đồng ASEAN hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống thường ngày, từ giáo dục đến y tế, văn hóa, du lịch, môi trường, an sinh xã hội… Việc ASEAN đặc biệt đề cao phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu cũng thể hiện rõ tầm nhìn vượt thời gian, bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ “công dân ASEAN”.

Bên cạnh đó, có thể khẳng định chưa có tổ chức khu vực nào đạt được nhiều thành công như ASEAN trong việc thu hút sự can dự chiến lược của tất cả các nước lớn. Nhờ đó, các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+, ASEAN+1, ASEAN+3… vẫn là những khuôn khổ quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, tạo thói quen hợp tác, thúc đẩy phát triển. Tại AMM-49, đã có thêm 4 nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), 2 quốc gia tham gia quy chế đối tác theo lĩnh vực, đồng thời các nước cũng có những cam kết về chương trình hợp tác với ASEAN trên cơ sở hai bên cùng có lợi…

Khi lợi ích chung lớn hơn sự khác biệt

“Thống nhất trong đa dạng” đã trở thành khẩu hiệu của ASEAN. Thời gian qua, đã có không ít hoài nghi, băn khoăn về sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN. Nhưng bất chấp những tác động không nhỏ từ môi trường bên ngoài, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong Cộng đồng đã tạo sức mạnh đoàn kết giúp ASEAN vượt qua sự khác biệt. Bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi nước thành viên, sức mạnh đó còn bắt nguồn từ quyết tâm và sự chung sức, đồng lòng của các nước ASEAN trong việc bảo vệ, gìn giữ những nguyên tắc cốt lõi, cùng chia sẻ và đề cao các giá trị hòa bình, hợp tác và ý thức cùng chung vận mệnh.

Thực tế này đã được chứng minh gần đây nhất qua bản Thông cáo chung gồm 192 đoạn và Tuyên bố chung 6 điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại AMM-49 về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó khẳng định lại những nguyên tắc nền tảng của hợp tác, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và ý chí phấn đấu vì một Cộng đồng chung. Kết quả này, dù đạt được với không ít khó khăn, đã làm sáng tỏ một nguyên lý: vận mệnh chung, lợi ích chung của 10 nước anh em trong đại gia đình ASEAN luôn lớn hơn những khác biệt. Lợi ích đó, như tóm lược của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là 3 chữ “P” trong tiếng Anh, đó là Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity) và Người dân (People).

Đặc biệt, trong vấn đề “gai góc” nhất là Biển Đông, ASEAN vẫn tiếp tục nhất trí rằng hòa bình, an ninh là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển.

Về giải quyết tranh chấp, ASEAN nhất trí nguyên tắc giải quyết các  tranh chấp một cách hòa bình, bao gồm cả việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với những nguyên tắc được pháp luật quốc tế thừa nhận, trong đó có cả Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trong quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc, cần thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những kết quả nói trên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, phải đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, “mới thấm thía, trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định mà các nước ASEAN chúng ta đang có được”.

Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN còn cả một chặng đường dài mới hoàn thiện. Theo nhận định của nhiều hãng tin lớn trong khu vực, những thỏa thuận đạt được gần đây đã giúp bảo đảm tình hình không leo thang căng thẳng, không những thế còn tạo không gian cho đàm phán, cơ hội cho thương lượng. Dư luận cũng cho rằng, nguyên tắc ra quyết định dựa trên đồng thuận của ASEAN hiện gặp nhiều chỉ trích vẫn là cơ chế thích hợp nhất để giúp khối xử lý khác biệt và sự đa dạng giữa 10 nước thành viên, đảm bảo cho tiếng nói của những nước nhỏ được các nước khác tôn trọng và lắng nghe.

***

ASEAN là nhịp cầu đưa Việt Nam tới khu vực và quốc tế, góp phần tạo lập vị thế của đất nước như ngày hôm nay. Chặng đường xây dựng Cộng đồng ASEAN trùng với thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, trong đó khẳng định, tham gia các hoạt động của ASEAN là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại của Việt Nam với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.

Những đóng góp của Việt Nam được thể hiện ngay từ khi gia nhập ASEAN; qua quá trình xây dựng Kế hoạch để triển khai Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025; cũng như vai trò đi đầu trong việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việt Nam cũng là đầu mối trong việc chủ trì các phần về đầu tư, dịch vụ trong các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại, liên kết kinh tế...

Một ASEAN từng đi qua hai thế kỷ có thử thách nào chưa vấp phải, có khó khăn nào chưa vượt qua. Nhưng, như lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, với những gì đạt được thời gian qua, có thể vững tâm về sự nghiệp xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN chứng minh chân lý: Đoàn kết là sức mạnh, còn chia rẽ là tự hủy hoại lợi ích của chính mình.

Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc ASEAN cần nỗ lực chung sức, đồng lòng để phát huy vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết để bảo vệ những lợi ích chung và chính đáng của mình. Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam luôn sẵn sàng chung sức, đồng lòng cùng các nước thành viên đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh.