Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan là một trong những kỳ hội nghị quan trọng nhất năm 2021 của ASEAN. Nhân dịp này, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có những chia sẻ với TG&VN về những vấn đề “nóng” của khu vực như đại dịch Covid-19, Biển Đông, Myanmar… |
Thưa ông, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) diễn ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới làm chao đảo Đông Nam Á, và biến khu vực trở thành tâm dịch, ông nhìn nhận như thế nào về thách thức này đối với ASEAN trong bối cảnh hiện tại? Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực trong thời gian vừa qua đã trở thành một thách thức rất lớn đối với ASEAN. Biến chủng mới Delta làm cho tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh, mạnh hơn, vì vậy, nó cũng khiến chiến lược chống dịch của một số quốc gia (có thể thành công trong những đợt dịch trước đây) phải thay đổi, đòi hỏi việc kết hợp thêm nhiều biện pháp chống dịch bên cạnh 5K. Thêm nữa, tại một số khu vực khác trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến căng thẳng nhưng các quốc gia đã thực hiện nhanh hơn chiến dịch tiêm chủng vaccine và dần dần bước ra khỏi đại dịch. Điều này cũng có thể khiến khu vực Đông Nam Á bị lùi lại phía sau. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ rằng, trong hơn 1 năm qua, từng nước ASEAN đã có kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh của riêng mình. Các nước đều nhận thấy bên cạnh chiến lược 5K cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine. Đây chắc chắn là câu chuyện được bàn luận kỹ lưỡng giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với nhau và với các đối tác trong khuôn khổ AMM lần này. Dịch bệnh đã xảy ở nhiều tháng nay ở nhiều nước ASEAN. Thế nhưng, dù khó khăn, những hoạt động của ASEAN vẫn tiếp tục được duy trì, thậm chí còn có sự kết hợp giữa các hoạt động trực tuyến và trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi để các nước cùng nhau bàn bạc những giải pháp để cùng nhau vượt qua đại dịch. |
Những gì mà Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 đã làm trong qua với một loạt các sáng kiến như Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, Khung phục hồi tổng thể ASEAN… có ý nghĩa như thế nào với ASEAN trong bối cảnh này, thưa ông? Trong năm 2020, Việt Nam đã kịp thời và cấp bách đưa ASEAN ứng phó với đại dịch; tiếp tục duy trì chương trình nghị sự của ASEAN, xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Những sáng kiến nêu trên của Việt Nam là cơ sở quan trọng cho ASEAN không chỉ trong năm ngoái, năm nay mà có thể cả trong thời gian tới để ứng phó với dịch Covid-19, thực hiện kiểm soát dịch bệnh. Thời gian qua, các nước ASEAN đã thử nghiệm các sáng kiến như Khung hành lang đi lại ASEAN, công nhận chứng chỉ vaccine… Trước diễn biến hiện nay của dịch Covid-19, nhiệm vụ của ASEAN là tiếp tục hiện thực hóa những sáng kiến của Việt Nam trong năm 2020; cập nhật để tiếp tục đưa ra những sáng kiến phù hợp với tình hình dịch bệnh, như sự xuất hiện của các biến chủng mới. Đặc biệt, câu chuyện vaccine cần phải được chú trọng. Sau hơn 1 năm chống dịch, ASEAN và các nước thành viên đều nhận thức chung được rằng bên cạnh thực hiện 5K, xét nghiệm, chiến lược vaccine đóng vai trò then chốt để tiến tới miễn dịch cộng đồng. |
ASEAN đang hướng tới triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine, ông nghĩ thế nào về kế hoạch này và vai trò của “ngoại giao vaccine” trong thời điểm hiện nay để đối phó với tình hình cấp bách của dịch Covid-19? Trước hết, có lẽ phải hiểu an ninh và tự cường vaccine theo nghĩa rộng. Đó là làm sao ASEAN vừa đảm bảo vừa chia sẻ nguồn cung vaccine; thông qua quan hệ đối tác thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine và dần dần tham gia vào chuỗi cung ứng. ASEAN cũng cần tính đến tham gia vào việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Để làm được điều đó, ASEAN cần phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu qua nhiều kênh khác nhau, trong nội bộ ASEAN và với các đối tác. Nếu như một thành viên ASEAN nào đó có thể thành lập trung tâm sản xuất vaccine trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ từ các nước khác thì có thể chia sẻ, hỗ trợ các nước thành viên Hiệp hội. ASEAN, trên tư cách tập thể cũng có thể đề nghị các đối tác hỗ trợ cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 hay Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN. Một số nước ASEAN, trong đó có cả Việt Nam đang tự nghiên cứu chương trình sản xuất vaccine của riêng mình. Nếu như thành công, Việt Nam hay các nước ASEAN khác cũng rất cần sự hỗ trợ của đối tác về công nghệ và tài chính để có thể nhân rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực. Trong chiến lược an ninh và tự cường vaccine có thể thấy rất rõ các nỗ lực “ngoại giao vaccine”, phát huy sự năng động của từng quốc gia nhưng lại có thể đóng góp cho cả khu vực. Thưa ông, ASEAN đã đưa ra Đồng thuận 5 điểm về Myanmar và bổ nhiệm Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Hiệp hội? Vấn đề hiện nay ở Myanmar không chỉ là chuyện riêng của nước này mà còn ảnh hưởng tới khu vực cũng như Cộng đồng ASEAN. ASEAN có những nguyên tắc, quan điểm, lập trường của mình về vấn đề Myanmar, thể hiện ngay sau cuộc chính biến ở nước này. Theo đó, ASEAN mong muốn Myanmar ổn định trở lại, các bên liên quan ở Myanmar phải đối thoại và giải quyết với nhau, không được để xảy ra xung đột. Myanmar cũng cần phải đưa ra một giải pháp chính trị mà các bên có thể chấp nhận được. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ các bên của Myanmar đi vào đối thoại, tìm giải pháp chính trị. ASEAN cũng cử đặc phái viên và tham gia hỗ trợ nhân đạo. Từ Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021, ASEAN đã liên tục trao đổi với các bên ở Myanmar. Rõ ràng, câu chuyện của Myanmar là phải do Myanmar giải quyết, tuy nhiên các bên ở Myanmar cũng phải có trách nhiệm giải quyết bằng đối thoại, hòa bình. ASEAN vẫn kiên trì trong nỗ lực hỗ trợ Myanmar, can dự và liên hệ với các bên để không xảy ra xung đột đổ máu và có thể đối thoại, giải quyết vấn đề với nhau. Trước mắt, vấn đề Myanmar còn nhiều phức tạp và khó khăn, do đó, ASEAN cần phải kiên trì, thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm. Việc ASEAN đạt nhất trí cử phái viên về Myanmar tại AMM-54 vừa rồi là bước khởi đầu quan trọng. Các bên và nhất là giới cầm quyền ở Myanmar cần phải tạo thuận lợi, hợp tác đầy đủ, nhất là việc phái viên ASEAN có thể tiếp cận với các bên liên quan. ASEAN cần phải chỉ rõ cho Myanmar thấy rằng nếu để tình hình tiếp tục căng thẳng, Myanmar sẽ phải chịu hậu quả rất lớn. Các bên Myanmar có trách nhiệm hợp tác với ASEAN và đây là hướng đi có lợi nhất cho nước này. Đã có nhiều quốc gia, trong đó có cả đối tác của ASEAN gia tăng những biện pháp hạn chế hay cấm vận Myanmar. Vì lợi ích của chính mình, Myanmar nên hợp tác với ASEAN, nơi mà Myanmar có thể đặt niềm tin nhất vào lúc này. Các nước bên ngoài có thể có những quan điểm, chỉ trích khác nhau về tình hình Myanmar nhưng tất cả đều ủng hộ rất cao Đồng thuận 5 điểm về Myanmar của ASEAN. Với Myanmar, đây hoàn toàn là cơ hội để có thể tranh thủ ASEAN. |
Vấn đề Biển Đông, vai trò của luật pháp quốc tế cũng như những nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng được nhấn mạnh trong khuôn khổ AMM, ông đánh giá và kỳ vọng như thế nào về COC? Sự nhất quán về lập trường của ASEAN về Biển Đông được các nước, kể cả Trung Quốc ủng hộ. Lập trường này bao gồm việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; không làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy xây dựng lòng tin và tiếp tục đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Đây là một thế mạnh của ASEAN. Nếu nhìn lại, tình hình Biển Đông đâu đó vẫn có những diễn biến phức tạp, làm căng thẳng thêm tình hình. Các nước ngày càng quan tâm hơn tới việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế. Từ đó, đặt ra một câu hỏi rằng, việc các nước quan tâm nhiều như vậy có làm phức tạp thêm tình hình hay không? Chắc chắn là không. Bởi ở Biển Đông, ai cũng cần và có lợi ích trong việc bảo đảm luật pháp quốc tế, an ninh, tự do hàng hải, hàng không, thông thương thương mại; ai cũng phải có trách nhiệm. Như vậy, rõ ràng câu chuyện Biển Đông không chỉ là riêng giữa các bên tranh chấp với nhau mà là câu chuyện chung của khu vực và quốc tế. Trong thời gian vừa qua, tuy dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng cả ASEAN và Trung Quốc vẫn duy trì đối thoại, để tìm cách thúc đẩy đàm phán COC. Đúng là sẽ còn trở ngại! Các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, trước hết, tránh làm gì phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông như không được xâm phạm vùng biển, đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước khác hay không được ỷ mạnh, mà lấn, ép. Nhất là, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Đó cũng là các nguyên tắc căn bản của ASEAN, Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và được quốc tế ủng hộ. Việc xây dựng COC cũng phải dựa vào những điều căn bản nêu trên và COC phải là một công cụ góp phần quản trị tốt hơn hành vi các bên, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; giúp xây dựng lòng tin, giải quyết hoà bình tranh chấp và các bên không làm gì phức tạp thêm tình hình. Trong quá trình đàm phán COC, hay DOC trước đây, cũng đã có những đề xuất về cơ chế giám sát thực thi hay giải quyết tranh chấp. Điểm chính là làm sao làm tốt hơn việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, trong đó có tuân thủ quyền và lợi ích của các nước ven biển đối với vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến phán quyết 2016 của Tòa trọng tài, có nhiều điểm là cốt lõi của UNCLOS 1982, dù biết rằng Trung Quốc phản đối, như nguyên tắc đất trị biển, quy chế đảo, hoặc không thể áp đặt phi lý yêu sách “Đường chín đoạn”… Rõ ràng, cần nhìn thẳng, soi vào luật pháp quốc tế như vậy là cách tốt nhất cho xây lòng tin và thúc đẩy COC, vì lợi ích chung của các nước, khu vực và thế giới. Để có được COC cần nỗ lực của tất cả các bên. Nhưng, không thể vội vàng, hình thức để có được COC bằng mọi cách, điều cần có là một COC hiệu quả, thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế. Thà chậm, kiên trì phấn đấu, còn hơn vội vàng để chỉ có một COC “tồi”. |
Được mọi người nhắc tới với cái tên gần gũi khó quên “Vinh SOM”, công tác gắn liền với ASEAN nhiều năm trong sự nghiệp ngoại giao, nếu có thể so sánh những khó khăn hiện nay của ASEAN với một giai đoạn lịch sử của Hiệp hội, thì đó là giai đoạn nào, theo ông? Giá trị cốt lõi nào có thể làm nền tảng để ASEAN vượt qua sóng gió và tiến về phía trước? Làm về ASEAN thì càng thấy mình trong ASEAN, luôn luôn xây dựng ASEAN, môi trường xung quanh gắn chặt với các nước trong khu vực. Nếu nhìn lại hành trình 54 năm qua, ASEAN trải qua nhiều giai đoạn thách thức, khó khăn khác nhau, đến từ nhiều yếu tố trong hay ngoài khu vực, chủ quan hay khách quan. ASEAN đã vượt qua những nghị kỵ, đối đầu và khác biệt để trở thành tập thể đoàn kết với 10 thành viên, cùng nhau xây dựng Cộng đồng gắn kết. Thế nhưng, có thể thấy chưa khi nào khu vực đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, khó khăn lớn nhất chính là đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 cũng là thách thức của cả thế giới, hầu hết các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều đang ngưng trệ, tập trung mọi nguồn lực để phòng chống đại dịch. Thách thức cũ lại cộng thêm thách thức mới với ASEAN. Cũng đúng vào thời điểm này, cạnh tranh nước lớn gia tăng chưa từng có, khác trước rất nhiều trong khi ASEAN đang hướng tới tầm nhìn 2025, bước vào thời điểm nước rút đưa Cộng đồng ASEAN đi vào thực chất, vươn lên tầm cao hơn. Đây là những khó khăn chưa từng có, chẳng thể so sánh trong lịch sử! Tuy vậy, lúc này có thể nhận thấy rõ ASEAN đang ở một thế rất khác. Mỗi nước thành viên đang ứng phó tương đối hiệu quả với dịch bệnh, liên kết và nỗ lực hướng tới Cộng đồng đã ở tầm cao hơn, vì vậy, con tàu ASEAN vẫn “lăn bánh”. Hơn nữa, các đối tác vẫn đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và cùng hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực, tạo ra tiền đề để ASEAN có thể phát huy được vai trò và vượt qua khó khăn. Hơn lúc nào hết, ASEAN phải phát huy được tính tự cường, năng động của mình để vượt qua được thách thức. |
Thực hiện: Hà Phương Đồ họa: Anh Tuấn Ảnh: Nguyễn Hồng |