Sự ra đời của thoả thuận AUKUS liệu có đáng lo ngại đối với Nga? (Nguồn: Min News) |
Nga cũng chịu tác động bởi AUKUS
Sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên gồm Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) cùng với việc “hợp đồng thế kỷ” của Pháp nhằm chế tạo một thế hệ tàu ngầm mới chạy bằng động cơ diesel cho Australia bị phá vỡ đã nhận được những phản ứng khác nhau từ Nga.
Một số người cảm thấy "hả hê" trước xung đột nảy sinh giữa Mỹ và Pháp, trong khi một số khác bày tỏ quan ngại rằng, liên minh này sẽ nhắm đến Moscow giống như nhắm đến Bắc Kinh.
Trong khi đó, một bộ phận khác lo lắng về tác động tiềm tàng khi Mỹ quyết định chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với một quốc gia phi hạt nhân là Australia.
Những phản ứng và quan ngại của Nga là có cơ sở, song tất cả những quan điểm này đều tập trung vào những hậu quả ngắn hạn của việc thành lập của AUKUS.
Tuy nhiên, quyết định thành lập một liên minh ba bên và việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Australia cũng sẽ có những tác động lâu dài, bao gồm những tác động đối với Nga.
Trước hết, sự ra đời của AUKUS đã khẳng định rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông coi việc kiềm chế Trung Quốc là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại.
Việc hợp lực chống Trung Quốc rõ ràng đã gây ra mối bất hòa nghiêm trọng với Pháp, đẩy Australia vào một tình thế khỏ xử và có nguy cơ đưa ra thêm nhiều cách hiểu khác về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tiếp đến, trong bối cảnh Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc đơn phương cạnh tranh với Trung Quốc ở lĩnh vực hàng hải, đặc biện là ở Đông Thái Bình Dương, Washington được cho là không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào những đối tác đáng tin cậy nhất.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chỉ có một lợi thế so với các tàu ngầm năng lượng diesel hiện đại: phạm vi hoạt động lớn hơn.
Nếu những chiếc tàu ngầm mới này chỉ nhằm mục đích bảo vệ Australia, thì không cần phải nâng cấp thành tàu ngầm hạt nhân.
Tuy nhiên, nếu chúng được dùng để tiến hành những hoạt động mật trong vài tháng ở các vùng biển xa xôi hơn như Eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, biển Arab... thì tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân sẽ là một lợi thế đáng kể.
Lợi ích sát sườn của Nga
Đối với Nga, việc thành lập liên minh AUKUS đồng nghĩa rằng, bất kỳ hành động nào của Moscow từ nay trở đi đều được Washington xem xét trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu Mỹ-Trung.
Việc thành lập một cấu trúc an ninh mới được coi là sự thừa nhận gián tiếp của Washington rằng, mô hình liên minh cứng nhắc của thế kỷ XX không còn phù hợp với thế kỷ XXI. Vì vậy, AUKUS là một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế hiện đại cho NATO.
Sự ra đời của AUKUS cho thấy việc kiểm soát những huyết mạch hàng hải sẽ tiếp tục là một ưu tiên của Mỹ.
Mỹ không có khả năng thiết lập quyền kiểm soát đáng kể đối với hành lang vận tải đường bộ ở khu vực Á-Âu, và Washington cũng không cần phải làm vậy, bởi những tuyến vận tải hàng hóa chủ chốt trên phạm vi toàn cầu trong tương lai gần sẽ là những tuyến hải vận.
Vì vậy, chính những đại dương trên thế giới, chứ không phải lục địa Á-Âu, mới là đấu trường chính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Nga - một cường quốc có sức mạnh chủ đạo trên đất liền, đây nhìn chung là một điều tốt lành, miễn là Moscow không cố dính líu vào tâm điểm của cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trên lý thuyết, trong vài thập niên tới, các tàu ngầm của Australia có thể sẽ xuất hiện ngoài khơi đảo Sakhalin và bán đảo Kachatka của Nga, hay thậm chí bắn qua eo biển Bering vào Bắc Băng Dương, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng mới đối với Hạm đội phương Bắc của xứ sở Bạch dương.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để nhận định rằng, các tuyến đường hoạt động chính của hạm đội tàu ngầm này sẽ nằm xa hơn về phía Nam và sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến những lợi ích của Nga.
Đáng chú ý, cùng thời điểm AUKUS được thành lập, Trung Quốc cũng đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama coi là một phần của chiến lược kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định.
Cơ hội gia nhập CPTPP của Trung Quốc rất mong manh. Thế nhưng, khi đệ đơn xin gia nhập, Bắc Kinh muốn một lần nữa chứng minh rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn giới hạn cuộc cạnh tranh với Washington trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và công nghệ.
Mặt khác, với sự ra đời của AUKUS, Mỹ và các đối tác đang tăng cường phát tín hiệu về ý định mở rộng đối đầu với Trung Quốc sang lĩnh vực công nghệ quân sự và đấu trường địa chính trị.
Trở lại lịch sử hồi tháng 5/1882, khi Đức, Áo-Hung và Italy nhất trí thành lập khối quân sự và chính trị Liên minh Ba nước, ít ai tại châu Âu lường trước được những hậu quả có thể xảy ra trong dài hạn.
Mục đích của liên minh này đơn thuần là kiềm chế Pháp, do Paris theo đuổi chủ nghĩa phục thù sau thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ giai đoạn từ năm 1870-1872.
Vào thời điểm đó, Berlin, Vienna hay Rome đều không có kế hoạch dự phòng nào với những tính toán về tác động dài hạn. Vì vậy, hơn 30 năm sau, cả châu Âu bị nhấn chìm trong cuộc chiến đẫm máu chưa từng có tiền lệ.
Ngày nay, AUKUS giống như một cấu trúc ọp ẹp, thiếu ổn định và được vội vàng lắp ráp lại với nhau.
Nhưng 20 hay 30 năm sau, tư duy logic dẫn đến việc thành lập một liên minh quân sự và chính trị mới này có thể đẩy những nước thành viên vào tình thế mà cả chính họ lẫn đối thủ đều không thể thoát ra khỏi, kèm theo đó là những hậu quả nặng nề nhất đối với những nước thành viên và phần còn lại của thế giới.
Đó là mối nguy lớn mà AUKUS có thể gây ra trong dài hạn.
*Tiến sĩ Andrey Kortunov hiện là Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC).