Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước AUKUS bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Australia (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhóm họp tại Washington DC ngày 8/12. (Nguồn: Twitter) |
Trang abc.net.au vừa qua đã đăng một số bài viết khẳng định Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) sẽ đi đúng lộ trình để có thể sớm hiện thực hóa sứ mệnh là giúp Australia có được tàu ngầm trang bị vũ khí thông thường chạy bằng năng lượng hạt nhân càng sớm càng tốt. Đồng thời, AUKUS cũng mong muốn có sự tham gia của Nhật Bản trong thời gian tới.
Sự hội tụ chiến lược
Ngày 9/12, trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng lần thứ 10 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia và Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Australia muốn Nhật Bản tham gia AUKUS, đồng thời tuyên bố mối quan hệ an ninh giữa Tokyo và Canberra là "không thể thiếu" trong bối cảnh các mối liên kết chiến lược đang ngày càng gia tăng.
Cả hai nước cũng đã cam kết tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ phức tạp và tinh vi hơn, trong đó có khả năng các máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản luân phiên ở Australia trong tương lai. Đây là một dấu hiệu về sự hội tụ chiến lược giữa hai nước.
Bộ trưởng Marles và Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, tại Tokyo, ngày 9/12 trong hội nghị an ninh thường niên 2+2.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Marles tuyên bố Australia có ý định tăng cường hội nhập công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản về mặt song phương, và cả thông qua các cơ chế ba bên với Mỹ, thậm chí thông qua cả AUKUS khi các bên đã sẵn sàng.
Mặc dù không có khả năng Nhật Bản tìm mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo AUKUS, nhưng các quan chức Australia đã nói rõ rằng động thái này có thể được nghiên cứu riêng theo thỏa thuận nhằm phát triển năng lực công nghệ quốc phòng tiên tiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết cả 3 nước thành viên AUKUS đều muốn có sự tham gia của Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tập trung vào việc đảm bảo rằng tàu ngầm sẽ thực sự bắt đầu được chuyển giao. Tôi nghĩ rằng hoàn toàn có cơ hội để Nhật Bản tham gia công việc mà chúng tôi đang làm và quan điểm đó được chia sẻ bởi cả Anh và Mỹ".
Ông Marles cũng đề cập mối quan hệ quốc phòng song phương đang được tăng cường nhanh chóng giữa Australia và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết cả hai nước đã "được hưởng lợi từ mạng lưới liên minh của Mỹ", nhưng hiện "sẵn sàng tự xây dựng mối quan hệ Nhật Bản-Australia như một lực lượng hùng mạnh riêng".
Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước cam kết cả hai quốc gia sẽ "đẩy nhanh việc xem xét" đưa máy bay F-35 của Nhật Bản đến Australia "nhằm hướng tới việc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu của Nhật Bản, bao gồm cả F-35, ở Australia trong tương lai". Các máy bay F-35 của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia sẽ lần đầu tiên đến Nhật Bản vào năm tới để tham gia các cuộc tập trận quân sự.
Sẽ kịp "deadline"
Mục tiêu chính của thỏa thuận AUKUS là vạch ra lộ trình để Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Công nghệ này được coi là quan trọng đối với khả năng phòng thủ trong tương lai của Australia vì các tàu ngầm hạt nhân được cung cấp năng lượng từ các lò phản ứng không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều năm.
Phát biểu sau cuộc họp cấp bộ trưởng của AUKUS vừa qua tại Washington DC, ông Marles nhấn mạnh: “Có một ý nghĩa to lớn về sứ mệnh và động lực chung giữa cả 3 quốc gia trong việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc Australia sẽ trả tiền mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như thế nào, và làm thế nào liên minh có thể thực hiện lời hứa vạch ra một kế hoạch vào tháng 3/2023? Chi phí cho một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khác nhau. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính năm 2019, một tàu ngầm lớp Virginia có giá khoảng 5,5 tỷ USD cho mỗi thân tàu. Khi được hỏi liệu người Australia có bị áp các khoản thuế mới để tài trợ cho việc mua sắm như vậy hay không, ông Marles đã khẳng định: “Không!”.
Trong các cuộc trao đổi giữa các quan chức 3 nước tại Washington DC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Australia có nguy cơ bị “hổng năng lực” khi hạm đội hải quân của nước này già đi.
Ông nói: “Chúng tôi nhận ra Australia đang ở đâu và khi nào khả năng của Canberra bắt đầu suy giảm. Tất nhiên, chúng tôi sẽ giải quyết tất cả những điều đó theo lộ trình đã đặt ra (với AUKUS)... Mục tiêu của chúng tôi là thiết kế lộ trình tối ưu để Australia có được tàu ngầm trang bị vũ khí thông thường chạy bằng năng lượng hạt nhân càng sớm càng tốt”.
Australia dự kiến vào đầu năm 2023 sẽ công bố loại tàu ngầm hạt nhân mà nước này sẽ mua. Mỹ khẳng định AUKUS đang đi đúng hướng để có thể công bố "lộ trình phía trước" về vấn đề tàu ngầm trước thời hạn tháng 3/2023.
Ông Austin nói: “Trong 15 tháng qua, chúng tôi đã đạt được tiến bộ lớn trong việc xác định lộ trình để Australia có được các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vũ trang thông thường. Tôi muốn tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo rằng Australia có được khả năng này trong thời gian sớm nhất có thể".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết việc tăng cường hợp tác quân sự sẽ dẫn đến "sự hiện diện luân phiên ngày càng tăng của các lực lượng Mỹ tại Australia, bao gồm luân chuyển các lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và luân chuyển năng lực của Hải quân và Lục quân Mỹ trong tương lai, theo đó cũng sẽ mở rộng hợp tác hậu cần".
Điều này sẽ góp phần tăng cường khả năng tương tác giữa Australia và Mỹ cũng như tạo ra các lực lượng nhanh nhẹn và linh hoạt hơn. "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm cách tích hợp hơn nữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng trong những năm tới", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.