Ngày 28/1, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan phát biểu rằng, chính sách thương mại của xứ sở kangaroo sẽ dựa trên nguyên tắc “3P”: chủ động (Proactivity), nguyên tắc (Principle) và kiên nhẫn (Patience).
Bộ trường Thương mại Australia Dan Tehan được cho là một trong những người có quan điểm "cứng rắn" với Trung Quốc. (Nguồn: ABC News) |
Tuyên bố của ông Tehan được đưa ra sau khi Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor đặt dấu hỏi về cách tiếp cận của Australia trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
“Chúng tôi theo đuổi các cam kết với Trung Quốc dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, khiến Bắc Kinh và Canberra trở thành những đối tác thương mại tự nhiên. Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại, coi đây là cách tốt nhất để giải quyết những khác biệt”, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan nêu rõ.
Trước đó, ngày 27/1, Bộ trưởng Thương mại New Zealand O’Connor, người vừa mới ký hiệp định nâng cấp thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đã kêu gọi tăng cường thương mại đa phương toàn cầu.
Theo đó, việc chỉ trích chủ nghĩa dân tộc sẽ là trở ngại cho việc đoàn kết toàn thế giới sau đại dịch Covid-19. Ông O’Connor cũng cho rằng, chính sách đối ngoại nên vừa có thể “cẩn trọng về mặt từ ngữ”, vừa nói lên được các vấn đề quan trọng.
“Chúng tôi có quan hệ tốt với Trung Quốc và luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp với họ về những vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Chúng tôi tôn trọng mối quan hệ thương mại lành mạnh với Trung Quốc. Chúng tôi đã đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc, sự thẳng thắn là điều Bắc Kinh đánh giá cao và chúng tôi luôn làm như thế”, ông O’Connor trả lời trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
| Australia muốn thuyết phục Trung Quốc ngừng chiến dịch trừng phạt thương mại |
“Tôi không thể nói thay Australia cách nước này vận hành các mối quan hệ ngoại giao, nhưng rõ ràng, nếu Canberra làm theo chúng tôi, có thể họ cũng có được một kết quả như chúng tôi”.
Khi được hỏi về nguyên nhân New Zealand có thể nâng cấp hiệp định thương mại với Trung Quốc, ông Tehan cho rằng, dù không theo dõi chi tiết, song có vẻ như việc nâng cấp FTA giúp New Zealand có sự tiếp cận thương mại tự do ngang bằng với hiệp định Australia ký với Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 29/1, Bộ trưởng Thương mại New Zealand khẳng định, đã có cuộc đối thoại với người đồng cấp Australia ngay sau bài phỏng vấn trên CNBC.
“New Zealand có chính sách đối ngoại độc lập, cho phép vừa duy trì mối quan hệ thân thiết với Australia, vừa có quan hệ tốt với Trung Quốc”, ông O’Connor khẳng định.
Một số chính trị gia Australia bày tỏ sự không hài lòng với bình luận của ông O’Connor và cho rằng, Wellington nên đứng về phía Canberra.
Tin liên quan |
Đòn tấn công thương mại của Trung Quốc giúp Australia kiếm được nhiều tiền hơn |
Nghị sĩ đảng Tự do Dave Sharma, người từng là nhà ngoại giao, cho rằng: “Chúng tôi bác bỏ ý kiến cho rằng, giọng điệu của Australia phần nào đó chịu trách nhiệm cho những thách thức trong quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, đây là điều trái với sự thật. Ý kiến này thể hiện sự thiếu hiểu biết cơ bản mà chúng tôi không trông chờ ở một người bạn, một đối tác thân thiết như New Zealand”.
Ông John Menadue, một nhà ngoại giao khác lại cho rằng, nhiều chính trị gia Australia đã bỏ qua các kỹ năng ngoại giao cơ bản để phù hợp với lập trường cứng rắn trước Trung Quốc của Canberra trong bối cảnh xung đột giữa hai quốc gia này đã kéo dài gần một năm.
Cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế này nổ ra khi Australia thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona vào tháng 4/2020, nhưng không tham vấn Bắc Kinh, dẫn tới sự ngắt quãng trong trao đổi nhiều mặt hàng giữa hai nước, bao gồm rượu vang, than, thịt bò và lúa mạch.
Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr cho rằng, phản ứng của Canberra cho thấy Chính phủ Australia không còn muốn giữ gìn quan hệ song phương với Trung Quốc, kể cả khi điều này đồng nghĩa với việc “nhường” New Zealand hay Mỹ buôn bán với Trung Quốc.
“Canberra tự hào là nước cứng rắn nhất với Trung Quốc trong số các đồng minh của Mỹ. Đây là sự thay đổi đáng kể, thậm chí chính sách của Thủ tướng Scott Morrison hiện nay còn cứng rắn hơn dưới thời cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull”.
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc ấm lên trong năm mới. Tuần trước, Thủ tướng Scott Morrison bác bỏ ý kiến cho rằng, Australia đã phạm sai lầm khi kêu gọi điều tra vê nguồn gốc virus corona trước khi hợp tác với các quốc gia khác.