Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop. |
Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng của bà Julie Bishop diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Australia - ASEAN, điều đó cho thấy Australia coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Nói như Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị, đây là cơ hội thuận lợi tiếp tục tăng cường những thế mạnh trong hợp tác giữa hai nước.
Thúc đẩy hợp tác toàn diện
Chương trình làm việc dày đặc "phủ sóng" các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng… của Ngoại trưởng Julie Bishop thể hiện mong muốn của hai bên nhằm đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Australia ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Trong hai ngày, chính trị gia 57 tuổi đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và có các cuộc gặp làm việc với Lãnh đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch Đầu tư và Công an. Bà đã cùng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự Lễ khai trương Dự án nâng cao chất lượng hệ thống trồng rau an toàn và chấm dứt bạo lực gia đình ở vùng Tây Bắc Việt Nam do Australia tài trợ.
Tại các cuộc tiếp xúc với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Australia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định chính sách nhất quán coi trọng củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện với Australia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời mong muốn Australia tiếp tục ủng hộ, viện trợ phát triển cho Việt Nam trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tại hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop đã nhất trí sớm hoàn tất Chương trình Hành động giai đoạn 2014-2016 nhằm tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, giáo dục - đào tạo, du lịch, lao động…
Ông Phạm Bình Minh đã đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại thường niên về lãnh sự, đối thoại nhân quyền. Phó Thủ tướng cảm ơn Australia đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và đề nghị Australia ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Ngoại giao kinh tế là trung tâm
Hiện Australia là bạn hàng thương mại lớn thứ tám, quốc gia cung cấp viện trợ phát triển song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Đất nước kangaroo đứng thứ 21 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch hai chiều hai nước cũng có tăng trưởng đáng kể, đạt 7 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo Việt Nam và Australia, so với tiềm năng thì những con số này chưa được như mong muốn bởi hai nước có nền kinh tế bổ trợ cho nhau. Ông Hoàng Vĩnh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia trong một cuộc trao đổi với TG&VN cho rằng đầu tư của Australia vào Việt Nam "có dấu hiệu phát triển tốt song chưa phải là nhiều".
Tính bổ sung của hai nền kinh tế Việt Nam và Australia cũng được nhấn mạnh trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng với Bộ trưởng Julie Bishop. Australia có nhu cầu nhập khẩu lớn về các mặt hàng mà ta có thế mạnh xuất khẩu như may mặc, da giày, đồ gỗ, hạt điều, thuỷ sản… còn Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về một số mặt hàng thế mạnh của Australia như lúa mỳ, bông, sữa, gỗ nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng...
Bên cạnh đó, Australia có nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng và có công nghệ, thiết bị khai thác nguồn tài nguyên này thuộc loại hàng đầu thế giới mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn trong những năm tới đây.
Đặc biệt, công nghiệp và năng lượng đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh "là lĩnh vực đã và sẽ là trọng tâm lớn nhất giữa hợp tác hai nước". Ông Vũ Huy Hoàng cũng thông báo, Việt Nam hiện đang triển khai dự án sản xuất phôi thép lớn. Với nguồn quặng sắt không đủ, Việt Nam chắc chắn sẽ nhập quặng sắt của một số nước khác và Australia là một trong những đối tác Việt Nam sẽ hợp tác.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hai nước cần tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao quy mô trao đổi hàng hóa giữa hai bên, trước hết là các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia, tổ chức hội chợ triển lãm, giao thương giữa hai nước. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị xem xét khả năng tổ chức thường niên giao thương hàng hóa giữa hai nước.
Giáo dục "có đi có lại"
Australia hiện là điểm đến du học được yêu thích đối với sinh viên Việt Nam và là quốc gia đón nhận nhiều du học sinh Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (25.000 người). Đất nước của nhà hát con sò Sydney được biết đến như là một địa điểm an toàn, thân thiện, chi phí sinh hoạt phù hợp và có nền văn hoá đa dạng, đồng thời là một trong những nước nói tiếng Anh có vị trí địa lý gần Việt Nam nhất.
Bà Julie Bishop cũng cho biết, triển vọng hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực giáo dục đào tạo rất sáng sủa. Australia đã cung cấp khoảng 4.500 suất học bổng cho Việt Nam trong 40 năm qua, trong đó có 462 suất học bổng thuộc Chương trình Australia Awards cho riêng năm 2013. Điều đáng mừng là Chính phủ Australia sẽ tăng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên Việt Nam sang học tại Australia và ngược lại.
Theo Ngoại trưởng Julie Bishop, vẫn còn rất nhiều điều mà Australia có thể làm để thắt chặt quan hệ thương mại và phát triển của hai quốc gia và về phía Australia, "cần phải đảm bảo rằng, các thế hệ doanh nhân, nhà nghiên cứu và chuyên gia trẻ của Australia có hiểu biết tốt về châu Á".
Chính vì điều này, bà đặc biệt quan tâm tới chương trình New Colombo Plan (NCP), sáng kiến mới của Australia nhằm mang lại cơ hội học tập tại các trường đại học tại khu vực trong đó có Việt Nam cho sinh viên Australia. NCP đang trong quá trình thí điểm và sẽ được nhân rộng trong khu vực vào năm 2015./.
Ông Vương Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao): Quan hệ Việt Nam và Australia đang phát triển rất tốt đẹp trên cơ sở Đối tác toàn diện được thiết lập từ năm 2009. Hai bên không chỉ hợp tác trong các lĩnh vực "truyền thống" như chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, giáo dục đào tạo mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như an ninh quốc phòng. Hai bên đã hai lần tiến hành Đối thoại Chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng cấp Thứ trưởng. Du lịch cũng là một điểm nổi bật trong hợp tác hai bên. Năm 2013, số lượng khách du lịch Australia đứng thứ 8 trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu, tăng hơn 10% so với năm 2012. Trong năm nay, hai bên dự kiến có bước đột phá về trao đổi đoàn cấp cao. Dự kiến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sẽ sang thăm Australia, đồng thời, Thủ tướng Australia cũng đã có kế hoạch sang thăm Việt Nam. Ông Hoàng Vĩnh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Australia từ tháng 2/2010 đến tháng 1/2014: Đầu tháng 12/2013, bà Ngoại trưởng Julie Bishop có cuộc gặp với 10 Đại sứ các nước ASEAN, trong đó có tôi. Bà đã nói rằng bà sẽ đi thăm các nước ASEAN trong thời gian sớm nhất. Năm 2014 là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN- Australia và chuyến công du bốn nước Đông Nam Á (gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Campuchia) của bà từ ngày 16-21/2 cho thấy sự coi trọng của Australia trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực. Đặc biệt là Việt Nam luôn nằm trong nhóm năm nước nhận viên trợ lớn nhất của Australia. Do khó khăn về kinh tế, Chính phủ Australia đang điều chỉnh viện trợ với nước ngoài, riêng đối với Việt Nam, Australia vẫn giữ nguyên số tiền viện trợ đúng như cam kết. |
Australia cấp 2,5 triệu USD hỗ trợ cải cách kinh tế Sau cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ngày 19/2, Ngoại trưởng Julie Bishop đã công bố gói hỗ trợ mới của Australia cho hoạt động cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam. Thông qua sáng kiến mang tên Tái cơ cấu kinh tế vì một Việt Nam cạnh tranh hơn, Australia sẽ cung cấp 2,5 triệu USD cho Việt Nam nhằm thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực đầu tư, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chính sách cạnh tranh. "Thành công của chương trình cải cách kinh tế hiện nay của Việt Nam là nhân tố quan trọng quyết định việc tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Một nước Việt Nam thịnh vượng, cạnh tranh và cởi mở hơn sẽ có lợi cho Australia và khu vực, giúp tạo ra nhiều hơn các cơ hội thương mại và đầu tư", bà nói.
Hạnh Diễm